Thứ sáu, 28/04/2017 04:17

Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập tại Việt Nam và những vấn đề cần quan tâm tháo gỡ

Các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển KH&CN nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của đất nước. Sự lớn mạnh của các tổ chức này là một trong những thước đo quan trọng của nền KH&CN quốc gia.

Trong nhiều thập niên qua, mạng lưới các tổ chức KH&CN ở nước ta đã ngày càng phát triển lớn mạnh, tuy nhiên cũng còn không ít bất cập cả ở cấp vĩ mô và vi mô. Bài viết nêu thực trạng và những giải pháp cần tháo gỡ để mạng lưới các tổ chức đi vào nề nếp và phát huy được sức mạnh then chốt của KH&CN.


Hiện trạng mạng lưới tổ chức KH&CN công lập
Trong suốt chiều dài lịch sử, không thể phủ nhận được vai trò và vị trí của các tổ chức KH&CN công lập trong phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đến thời điểm hiện tại, mạng lưới tổ chức KH&CN công lập hiện nay được đánh giá là vừa công kềnh về số lượng, vừa phức tạp về quy mô, cơ cấu tổ chức, vừa có sự trùng lặp về lĩnh vực hoạt động, đầu tư dàn trải, dẫn đến hiệu quả không cao. Tuy đã trải qua nhiều lần điều chỉnh, cấu trúc lại mạng lưới tổ chức KH&CN công lập, điển hình như: năm 1992 với Quyết định số 324-CT ngày 11/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc tổ chức lại mạng lưới cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; năm 1996 với Quyết định số 782-TTg ngày 24/10/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp hệ thống các cơ quan nghiên cứu và triển khai ở nước ta nhằm hình thành các viện quốc gia, các viện có chức năng hoạt động gần với chức năng của doanh nghiệp nhà nước được chuyển về trực thuộc các Tổng công ty nhà nước, sáp nhập một số viện hoạt động theo cùng một lĩnh vực... nhưng đến nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới tổ chức KH&CN công lập còn rất hạn chế và cơ bản không đạt hiệu quả như mong muốn.
Hiện nay theo thống kê, mạng lưới tổ chức KH&CN công lập của Việt Nam có khoảng trên 600 tổ chức (không tính các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục). Các tổ chức KH&CN công lập chủ yếu thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đại học quốc gia và các trường đại học, các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhìn chung, số lượng tổ chức KH&CN công lập ở Việt Nam là khá nhiều, tuy nhiên hiệu quả hoạt động của mạng lưới tổ chức KH&CN công lập ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, thể hiện ở một vài điểm như:
- Về tổng số bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong giai đoạn 2006-2013: Việt Nam xếp ở vị trí 62 trên thế giới, sau Thái Lan (đứng thứ 43) và Malaysia (đứng thứ 42) .
- Số đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích trong giai đoạn 2011-2014 là 2.285 đơn (trong đó 1.485 đăng ký sáng chế và 800 đăng ký giải pháp hữu ích), trung bình hàng năm có 571 đơn đăng ký (trong đó có 371 sáng chế và 200 giải pháp hữu ích) . So với các nước trong khối ASEAN, Việt Nam đứng sau Singapore, Thái Lan, Malaysia và chỉ đứng trên các nước có kết quả thấp như Myanmar, Lào, Campuchia và Brunei (hầu như không có sáng chế nào).
- Hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập trong mạng lưới không đồng đều, số lượng công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế và số sáng chế chủ yếu chỉ tập trung ở một số tổ chức KH&CN lớn như Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và một số tổ chức KH&CN lớn ở các bộ, ngành. Các tổ chức KH&CN ở các địa phương hầu như không có một công bố quốc tế và sáng chế nào.
- Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh, hoạt động chuyển giao công nghệ và dịch vụ KH&CN cũng chủ yếu tập trung ở các tổ chức KH&CN lớn thuộc các bộ, ngành (một số tổ chức có tổng doanh thu từ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, dịch vụ KH&CN lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm). Đối với các tổ chức KH&CN công lập ở địa phương, các kết quả trên còn rất hạn chế, có đến trên 90% số tổ chức KH&CN công lập ở địa phương có tổng doanh thu từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng không quá 2 tỷ đồng mỗi năm, nhiều tổ chức có doanh thu dưới 1 tỷ đồng.

Bất cập lớn nhất vẫn là vấn đề tài chính
Nguồn tài chính của Việt Nam để đầu tư cho KH&CN hiện nay là rất thấp so với các nước có nền KH&CN phát triển. Hàng năm, chi cho KH&CN của Việt Nam chỉ chiếm khoản 0,5% GDP, trong khi đó, ở những nước có nền KH&CN phát triển, tổng nguồn tài chính chi cho hoạt động KH&CN khoảng 2 đến 3% GDP.
Ngân sách nhà nước luôn có hạn, tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam, nguồn vốn đầu tư cho KH&CN lại chủ yếu là từ ngân sách nhà nước (chiếm đến 70% tổng nguồn tài chính đầu tư cho KH&CN). Đa số các tổ chức KH&CN công lập đều trông chờ vào sự hỗ trợ về tài chính từ ngân sách nhà nước. Trong số 642 tổ chức KH&CN công lập, chỉ có khoảng 126 tổ chức tự bảo đảm được chi thường xuyên, trong đó, số lượng tổ chức tự bảo đảm chi đầu tư chiếm tỷ lệ rất nhỏ, còn lại khoảng 400 tổ chức tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, chi đầu tư vẫn do Nhà nước bảo đảm và 116 tổ chức vẫn do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư. Vì số lượng tổ chức KH&CN công lập rất lớn, nguồn lực hạn chế nên kinh phí sự nghiệp khoa học từ ngân sách nhà nước chủ yếu là để chi lương và chi hoạt động bộ máy cho các tổ chức KH&CN công lập (chiếm khoảng 90% chi sự nghiệp khoa học); phần kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KH&CN lại rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 10% chi sự nghiệp khoa học, mặc dù hoạt động KH&CN là hoạt động chính của tổ chức KH&CN.
Bên cạnh nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, tổ chức KH&CN công lập còn có nguồn kinh phí đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội. Việc huy động nguồn tài chính từ doanh nghiệp, xã hội phục vụ cho hoạt động KH&CN của các tổ chức KH&CN công lập Việt Nam còn rất hạn chế. Trong tổng số kinh phí đầu tư cho KH&CN của Việt Nam thì nguồn tài chính từ doanh nghiệp và xã hội chỉ chiếm khoảng 30%. Điều đó một phần là do năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội, các tổ chức KH&CN công lập chưa thể hiện được vai trò quan trọng của mình đối với doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chưa thấy được tầm quan trọng của KH&CN đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nên chưa mạnh dạn đầu tư cho KH&CN và chưa liên kết với tổ chức KH&CN để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Số lượng tổ chức có nguồn huy động từ doanh nghiệp và xã hội là không nhỏ (526 tổ chức/642 tổ chức), tuy nhiên, mức kinh phí mỗi tổ chức huy động được từ doanh nghiệp lại rất hạn chế và không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các tổ chức KH&CN công lập lớn, có năng lực nghiên cứu - triển khai mạnh, có nhiều kết quả KH&CN có khả năng thương mại hóa thuộc các bộ, ngành lớn (Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải...). Tóm lại có thể thấy, cơ chế tài chính đối với hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập mặc dù thường xuyên được đổi mới nhằm tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động của tổ chức KH&CN, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho mạng lưới tổ chức KH&CN công lập trong việc thực hiện các hoạt động của họ.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (Nghị quyết Trung ương 2) về định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 đã nêu ra một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN là: đổi mới hệ thống tổ chức quản lý hoạt động KH&CN, trong đó có quan điểm chỉ đạo liên quan đến việc đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động của tổ chức KH&CN là đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN theo hướng lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu. Tại Kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo, KH&CN đã nêu một số nhiệm vụ cần thực hiện là: (1) Từng bước chuyển các tổ chức KH&CN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang cơ chế tự trang trải kinh phí, được hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp; (2) Nhà nước đầu tư, bảo đảm kinh phí hoạt động cho các tổ chức KH&CN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lý luận, khoa học xã hội và nhân văn, quốc phòng, an ninh và những nhiệm vụ trọng điểm khác theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước; (3) Có chính sách cụ thể khuyến khích đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ và thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển KH&CN.

Thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, ngay từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, trong đó một trong những giải pháp được đưa ra là: thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KH&CN công lập hoạt động nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược và chính sách, nghiên cứu các lĩnh vực KH&CN trọng điểm và một số lĩnh vực khác do Nhà nước quy định; tổ chức KH&CN phải có trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ Nhà nước giao; đồng thời tự chủ tiến hành các hoạt động KH&CN khác theo quy định của pháp luật. Chỉ một năm sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KH&CN công lập, trong đó đặc biệt là quy định về quyền tự chủ thực hiện nhiệm vụ và tự chủ về tài chính. Sau Nghị định 115, còn rất nhiều các quy định khác liên quan đến vấn đề này như: Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN. Trong đó, có rất nhiều điểm mới về cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN của tổ chức KH&CN công lập, như việc áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước thông qua hệ thống quỹ phát triển KH&CN; buộc doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3 đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho KH&CN tại Việt Nam dưới các hình thức: đầu tư trực tiếp, liên doanh, liên kết với các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp của Việt Nam hoặc ủy thác đầu tư; khuyến khích tổ chức, cá nhân vận động các khoản tài trợ không hoàn lại từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động KH&CN.
 Như vậy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành việc đổi mới cơ chế tài chính đối với hoạt động của tổ chức KH&CN công lập, tuy nhiên, đến nay, cơ chế tài chính trong hoạt động của tổ chức KH&CN công lập vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, cụ thể:
- Việc đầu tư nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cho các tổ chức KH&CN công lập còn dàn trải, mang tính cào bằng, chưa thực sự chú trọng đến việc tập trung đầu tư có trọng điểm cho các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển. Một trong những lý do chính dẫn đến việc dàn trải nguồn lực đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước là do số lượng tổ chức KH&CN công lập ở Việt Nam hiện nay quá nhiều (khoảng 640 tổ chức). Hàng năm, trong số kinh phí sự nghiệp khoa học đầu tư cho các tổ chức KH&CN thì gần 90% là để chi lương và chi hoạt động bộ máy, phần kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu - triển khai rất hạn chế.
- Chưa có cơ chế đánh giá, phân loại các tổ chức KH&CN công lập theo hiệu quả hoạt động, hiệu quả đóng góp của mỗi tổ chức để có phương án cấp phát hoặc tài trợ nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước một cách hợp lý và hiệu quả.
- Nhiều tổ chức KH&CN còn tư tưởng trông chờ nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, chưa thực sự có ý thức và chưa chủ động trong việc thu hút các nguồn tài chính khác từ doanh nghiệp, từ xã hội để thực hiện hoạt động KH&CN.
- Các chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH&CN của Nhà nước còn thiếu và chưa đủ mạnh để thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH&CN công lập huy động các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước để phục vụ hoạt động KH&CN.
- Quy định nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước do các cơ quan nhà nước đặt hàng và quyền sở hữu đối với các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước thuộc sở hữu của Nhà nước dẫn đến tình trạng nhiều kết quả nghiên cứu xong còn để đó, không có nơi ứng dụng, hoặc có ứng dụng thì không có hiệu quả về kinh tế, gây lãng phí nguồn tài chính, khó khăn trong việc xác định giá trị kết quả nghiên cứu và khó khăn trong việc lựa chọn tổ chức, cá nhân để giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
- Chính sách về tài chính trong hoạt động KH&CN chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Quy định của Nhà nước về việc thanh toán, quyết toán các nhiệm vụ KH&CN về cơ bản vẫn dựa trên nguyên tắc quản lý tài chính công, mang nặng tính hành chính. Nhiều tổ chức KH&CN công lập, thậm chí có cả các doanh nghiệp không muốn nhận nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước vì sợ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ
Để khắc phục được các tồn tại, hạn chế nêu trên, chúng ta cần:
Thứ nhất, nghiêm chỉnh thực hiện quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập, trong đó đẩy mạnh việc tái cơ cấu mạng lưới tổ chức KH&CN công lập, chỉ duy trì những tổ chức KH&CN công lập thuộc lĩnh vực mà Nhà nước cần thiết phải khuyến khích, phát triển nhưng các thành phần kinh tế khác trong xã hội không có khả năng hoặc không muốn đầu tư, thành lập. Áp dụng cơ chế tự chủ, chuyển thành doanh nghiệp, sáp nhập hoặc giải thể đối với những tổ chức KH&CN không thuộc quy hoạch. Chuyển các tổ chức nghiên cứu cơ bản vào các trường đại học, chuyển một số tổ chức nghiên cứu ứng dụng vào các doanh nghiệp.
Thứ hai, xác định các lĩnh vực KH&CN cần ưu tiên phát triển theo từng giai đoạn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với từng lĩnh vực và vùng miền để tập trung đầu tư phát triển, tránh lãng phí các nguồn lực của Nhà nước do đầu tư dàn trải. Tạo điều kiện nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai đối với những tổ chức KH&CN thuộc lĩnh vực ưu tiên. Ban hành cơ chế đánh giá, phân loại các tổ chức KH&CN công lập theo hiệu quả hoạt động, hiệu quả đóng góp của mỗi tổ chức để có phương án cấp phát hoặc tài trợ nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước một cách hợp lý và hiệu quả.
Thứ ba, xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho hoạt động KH&CN, đặc biệt là việc đầu tư của lực lượng doanh nghiệp. Ban hành cơ chế tạo hành lang pháp lý để hình thành và khuyến khích phát triển mạng lưới quỹ đầu tư mạo hiểu, nhằm thu hút mọi nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp, xã hội phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Thứ tư, Nhà nước không đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN mà nhiệm vụ KH&CN phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và của xã hội, nếu thấy cần thiết phải hỗ trợ phát triển, Nhà nước sẽ tham gia với các thành phần kinh tế khác cùng hỗ trợ nguồn tài chính cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Nhà nước không nên là chủ sở hữu đối với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Triệt để thực hiện việc cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN theo phương thức quỹ KH&CN.
Thứ năm, cải tiến các chính sách trong việc quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Đơn giản hóa các thủ tục trong việc thanh toán, quyết toán các nhiệm vụ KH&CN, đẩy mạnh việc khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.

Đinh Việt Bách
Bộ KH&CN

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)