Thứ sáu, 15/11/2019 07:48
Giải pháp hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam
Nhằm cập nhật thực tiễn thị trường mua bán nợ Việt Nam trong phát triển nền kinh tế, trong khuôn khổ đề tài cấp nhà nước "Giải pháp hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam đến năm 2035, các điều kiện thực hiện", ngày 15/11/2019, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức hội thảo Giải pháp hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam đến năm 2035, các điều kiện thực hiện.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Chủ nhiệm Đề tài đã đã khẳng định, hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam là vấn đề cấp bách trên bình diện chung cho nền kinh tế. Đây là vấn đề được nhiều nhà quản lý quan tâm và đề cập tại một số diễn đàn trong thời gian qua. Trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình KX.01/16-20, Ban chủ nhiệm đề tài tổ chức hội thảo lần thứ 3 liên quan đến vấn đề thị trường mua bán nợ và hy vọng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia hàng đầu về tài chính, ngân hàng, tiền tệ, toán kinh tế… trong và ngoài nước cho vấn đề này.
PGS.TS Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện, Chủ nhiệm đề tài phát biểu khai mạc
Về giải pháp pháp hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ đến 2030, nhiều đại biểu cho rằng, cần có hành lang pháp lý đồng bộ, đa dạng hóa nguồn cung trên thị trường, đa dạng hóa phương thức mua bán nợ, đảm bảo minh bạch và hoạt động theo cơ chế thị trường; hoàn thiện hạ tầng thị trường, chuẩn hóa và công khai hóa hệ thống thông tin, có tiêu chuẩn nợ được mua bán và quy trình, phương thức định giá nợ và tài sản đặc biệt. Hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu về các vấn đề vĩ mô, vi mô liên quan đến chính sách mua bán nợ. Ban tổ chức Hội thảo đánh giá cao các ý kiến và cho biết sẽ tiếp thu, lựa chọn để đưa vào nội dung, báo cáo tổng hợp cũng như các kiến nghị gửi tới cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Thu Hằng