TS Hoàng Ngọc Phong - Chủ nhiệm Đề tài KC.09.26/16-20 chủ trì Hội thảo.
Theo Ban tổ chức hội thảo, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện. Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng; hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu lực hiệu quả. Tuy nhiên, phát triển bền vững kinh tế biển vẫn còn một số bất cập như: lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới chậm được phát huy; chủ trương phát triển một số ngành kinh tế trọng điểm mũi nhọn chưa thực hiện; liên kết các vùng biển, ven biển, vùng ven biển với vùng nội địa và giữa các ngành, lĩnh vực thiếu chặt chẽ, hiệu quả thấp; ô nhiễm môi trường biển, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách, các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển suy giảm; tài nguyên biển bị khai thác quá mức; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xói lở bờ biển đang là vấn đề lớn đặt ra. KH&CN, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển chưa trở thành động lực đột phá trong phát triển bền vững kinh tế biển.
Mục tiêu của hội thảo nhằm tập trung chỉ ra bất cập và các rào cản trong tư duy phát triển, thể chế, chính sách và quản lý, các vấn đề cụ thể trong quy hoạch, trong đầu tư kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế và kỹ thuật quan trọng, tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng... để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thảo luận đưa ra các giải pháp chính sách đột phá có căn cứ khoa học và thực tiễn để phát triển kinh tế biển bền vững các vùng kinh tế biển trọng điểm.
Tại hội thảo, TS Phạm Ngọc Trụ (Học viện Chính sách và Phát triển) cho rằng, cần nắm bắt được chính xác nội hàm khái niệm kinh tế biển. Nói tới kinh tế biển, là nói tới một cơ cấu kinh tế ngành đa dạng, bao gồm tổ hợp các ngành liên quan và mối quan hệ giữa chúng. GS.TSKH Nguyễn Quang Thái (Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam) nêu quan điểm, 6 ngành ưu tiên trong kinh tế biển, gồm: du lịch và dịch vụ ưu tiên, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Theo hướng tiếp cận này, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái đã đi sâu nghiên cứu mối tương quan giữa vùng biển, ven biển và cả nước thông qua sử dụng bảng cân đối liên ngành I/O (Input-Output Table). Theo đó, có 15 ngành liên quan đến kinh tế biển ở Việt Nam. Qua phân tích số liệu cho thấy, tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất của vùng ven biển cao hơn tỷ lệ này của phần còn lại của cả nước (31% so với 26%), điều này dẫn tới việc tuy giá trị sản xuất của vùng ven biển thấp hơn phần còn lại trong tổng giá trị xuất khẩu (49% so với 52%), nhưng tổng giá trị tăng thêm của vùng ven biển chiếm tỷ trọng trong tổng giá trị tăng thêm của cả nước lại cao hơn phần tổng giá trị tăng thêm của phần còn lại (53% so với 47%... Từ đó cho thấy, ảnh hưởng của vùng ven biển đến nền kinh tế cả nước tốt hơn phần còn lại tương đối nhiều.
TS Cao Lệ Quyên (Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) trình bày tham luận: “Một số vấn đề đặt ra về thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam”.
Bàn về nguyên nhân phát triển kinh tế tế biển chưa bền vững ở nước ta giai đoạn 2011-2018, nhóm các nhà khoa học thực hiện Đề tài KC.09.26/16-20 đã tiếp cận từ các khía cạnh: hiệu quả tăng trưởng kinh tế; năng suất lao động, quá trình đô thị hóa và vấn đề ô nhiễm môi trường, từ đó đưa ra một số kiến nghị: không nên đánh bắt xa bờ nếu chưa có các giải pháp kỹ thuật tiên tiến và phù hợp với bối cảnh của vùng ven biển, đồng thời, không nên khuyến khích nuôi trồng thủy sản nhiều hơn nữa nếu chưa có giải pháp khoa học mở rộng sức chứa... Phát triển kinh tế biển bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường, đáp ứng được nhu cầu việc làm, và phải gắn với việc dự báo, đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực có liên quan.
Tin và ảnh: Thu Hằng