Thứ ba, 05/11/2019 08:54

Bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Mới đây, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) đã tổ chức Hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)".

JPO

Cục trưởng Đinh Hữu Phí phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho biết, CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu và được dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý trên toàn thế giới. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho hệ thống SHTT là phải được vận hành thật sự hiệu quả, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để được như vậy cần hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ SHTT cho các đối tượng SHTT mới được tạo ra từ CMCN 4.0. Muốn vậy, cần hoàn thiện cơ chế và nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT, đặc biệt trên môi trường internet. Cần quan tâm đến vấn đề nâng cao năng lực của cơ quan SHTT trong việc xử lý đơn đăng ký các đối tượng mới; thúc đẩy hợp tác về bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở quy mô khu vực và toàn cầu, bởi nhiều vấn đề SHTT đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia và bản thân mỗi quốc gia riêng rẽ không thể xử lý được.
Thống kê cho thấy, năm 2016 có hơn 5.000 đơn sáng chế liên quan đến internet kết nối vạn vật (IoT) đã được nộp tại Cơ quan Sáng chế châu Âu, với mức tăng trưởng 54% chỉ trong 3 năm (2014-2016). Điều này khẳng định, các đơn sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ thông minh sẽ gia tăng nhanh chóng cùng với sự ra đời của các vật liệu mới và các sáng chế được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, ví dụ như bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm in bằng công nghệ 3D. Bên cạnh đó, việc thực thi quyền SHTT trong môi trường số sẽ trở nên khó khăn hơn, vì vậy các chính sách cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa không ngăn cản sự phát triển của khoa học và công nghệ, vừa đảm bảo được an ninh, bảo mật và đảm bảo quyền SHTT được bảo hộ thỏa đáng.
Theo Đại diện JPO, cần có sự kết nối giữa SHTT và các ngành công nghiệp, bởi hệ thống SHTT đã và đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp. Để bắt kịp với xu thế CMCN 4.0, các cơ quan SHTT cần có kế hoạch hành động sử dụng AI cho từng đối tượng từ sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu. Hiện JPO đang đẩy mạnh hợp tác với các nước ASEAN thông qua Tuyên bố chung về SHTT giữa Nhật Bản - ASEAN và Kế hoạch hành động về SHTT năm 2019 giữa Nhật Bản - ASEAN. Với Việt Nam, JPO cũng đang đẩy mạnh hợp tác song phương với Chương trình thẩm định nhanh đơn sáng chế (PPH), hỗ trợ hệ thống công nghệ thông tin...
Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện của Công ty MITSUBISHI đưa ra quan điểm, cần bảo vệ và sử dụng có chiến lược quyền SHTT trong bối cảnh CMCN 4.0. Còn theo GS Mitsuyyoshi Hiratsuka đến từ Đại học Tokyo, nói đến triển vọng của SHTT trong thời đại CMCN 4.0 là xác định vai trò của nó như một công cụ nhằm đạt lợi thế cạnh tranh trên thị trường tự do và công bằng bằng cách nhìn vào mô hình kinh doanh của công ty đó.

CM

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)