Những đặc tính ưu việt nhưng cũng ẩn chứa nhiều mối nguy từ nhựa
Plastic, nylon mà chúng ta vẫn quen gọi là nhựa - là một hợp chất cao phân tử đã được đưa vào sản xuất từ những năm 50 của thế kỷ XX. Thời kỳ đó, nhựa là biểu tượng vật chất chính của xã hội tiêu dùng văn minh hiện đại với những ưu điểm vượt trội là bền kết cấu, kín chặt, rẻ tiền, dễ định hình, trọng lượng nhẹ, hàng dễ tồn kho, dễ lưu thông phân phối nên đã nhanh chóng phủ sóng hầu hết mọi lĩnh vực đời sống trong sự ưa chuộng của người dùng, từ thứ cao cấp nhất như tiền polymer, phụ liệu hàng không - hàng hải, sản phẩm tin học - viễn thông... cho đến những thứ bình dân nhất như bàn ghế, chai nước, túi đựng...
Nhựa đã tạo ra một cuộc cách mạng vật liệu, mở ra một kỷ nguyên vật chất phong phú với mọi thứ đồ dùng của nền văn minh hiện đại. Đặc tính ưu việt nhất là nhựa khi sử dụng xong hoàn toàn có thể thu gom, tái chế thành nguyên liệu tái sinh dùng cho chính sản xuất ngành nhựa với tần suất vòng đời hoàn nguyên đáng kể.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Thống kê cho thấy, nếu trung bình 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa này có thể đạt gần 2,5 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, công nghệ tái chế chất thải nhựa của Việt Nam cũng chưa phát triển, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Đáng lo ngại là người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, đã khiến việc xử lý rác thải nhựa càng thêm khó khăn.
Giải pháp nào cho rác thải nhựa?
Rác thải nhựa, nhất là rác nhựa đại dương đang là vấn nạn toàn cầu, thu hút sự quan tâm của mọi quốc gia và tổ chức môi trường trên thế giới. Chủ trương chung tay cứu hành tinh khỏi tình trạng “ô nhiễm trắng” đang là chương trình hành động quốc tế của Liên hợp quốc với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và túi nylon". Các nước thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã chi 1,3 tỷ USD mỗi năm để giải quyết ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa. Châu Âu đã đi đầu trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa khi Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất cấm nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần và tái chế toàn bộ bao bì nhựa vào năm 2030. Trong phạm vi quốc gia, Việt Nam dĩ nhiên hưởng ứng hành động toàn cầu này, đồng thời chúng ta cũng có những nhóm giải pháp thuộc chương trình hành động quốc gia để ngăn chặn quyết liệt và hiệu quả ô nhiễm từ rác thải nhựa.
Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam có năng lực sản xuất ngành nhựa khoảng 5 triệu tấn/năm (dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới) với chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 41 kg/người năm 2015 và đến nay đã gần 50 kg/người. Thống kê cho thấy, lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tuy đã từng bước bị kiểm soát ngặt nghèo nhưng số lượng vẫn không ngừng tăng, năm 2016 là hơn 18.000 tấn, năm 2017 trên 90.000 tấn và đến năm 2018 đã là 175.000 tấn. Việc xả thải bừa bãi lượng nhựa lớn đã làm ô nhiễm tràn lan rác thải nhựa ở mức cực kỳ nghiêm trọng trên cả nước. Tại Việt Nam, có đến 1,8-2,5 triệu tấn rác nhựa thải ra hàng năm, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt, tạo gánh nặng cho môi trường.
Với mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam đang nỗ lực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa với 3 định hướng chính sách là: 1) Xác lập môi trường pháp lý cùng chế tài các tác động môi trường; 2) Cấm và hạn chế những sản phẩm nhựa khó kiểm soát phế phẩm, tìm kiếm sản phẩm thay thế; và 3) Thu gom, tái chế, xử lý với quy trình công nghệ thật sự hiệu quả trong bối cảnh đa dạng hóa các nguồn đầu tư... Trên tinh thần đó, những nhóm giải pháp cần phải được tiến hành đồng bộ gồm:
Một là, xác lập môi trường pháp lý cùng các cơ chế tài chính phù hợp để hạn chế thấp nhất các tác động của rác thải nhựa tới môi trường. Để thực thi hiệu quả vấn đề này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực công - tư. Tuy nhiên, không thể chờ đợi lâu hơn nữa và không thể mãi áp dụng những giải pháp tình thế, những đợt vận động phong trào, những hoạt động môi trường nửa vời, mà phải có chương trình hành động quốc gia mang tính quyết liệt, triệt để và liên tục nhằm tạo nên ý thức phòng chống ô nhiễm môi trường, xây dựng một cuộc sống xanh, sạch.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về quản lý chất thải rắn và quy trình, cơ chế phối hợp liên địa phương trong việc thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn - nhựa; đồng thời thống nhất tổ chức bộ máy ở Trung ương và địa phương theo hướng phân định rõ trách nhiệm. Ngành tài nguyên - môi trường cần có bộ phận chuyên trách kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc phân loại rác thải tại nguồn, thu gom vận chuyển, sàng lọc tái chế rác thải nhựa, hoạt động kiểm soát, thu hồi các dạng thải rắn, lỏng, khí phát thải khi xử lý, đánh giá chất lượng nguyên liệu thứ phẩm và xác định vòng đời nhựa tái sinh, quan trắc khảo sát để ngăn chặn khả năng phát sinh vi hạt nhựa sau tái chế, xử lý ra môi trường tại nơi sản xuất và khu vực xung quanh.
Ba là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để thúc đẩy văn hóa tiêu dùng bền vững trong cộng đồng dân cư. Xây dựng chương trình hành động quốc gia sâu rộng, với tiêu chí là không để rác thải nhựa xuất hiện với bất cứ kích cỡ, hình thức, điều kiện nào trong môi trường.
Bốn là, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa sinh học: bioplastic đang được thế giới công nhận là giải pháp hàng đầu vì bảo đảm các tính chất ưu việt như nhựa. Đây là sản phẩm nhựa “xanh” từ sự kết hợp hoàn hảo giữa các polymer có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn như PLA (Poly-lactid Acid), PHA (Poly-hydroxy Alkanoates), PBS (Poly-butylene Succinate)... và các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nhằm tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất, tiêu dùng túi nylon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào năm 2025.
Trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa đang ngày càng trầm trọng, chúng ta không còn nhiều thời gian để nghiên cứu, khảo sát, mà cần phải đi tắt đón đầu bằng việc học tập kinh nghiệm, ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ để xử lý, tái chế loại chất thải này để chúng trở nên có ích cho xã hội, và mọi việc phải bắt đầu ngay từ bây giờ, không thể muộn hơn.
GS.TSKH Lê Huy Bá
Khoa Môi trường - Tài nguyên và Biến đổi khí hậu
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh