Thứ sáu, 01/11/2019 08:02

Khoa học và công nghệ vật liệu xây dựng vì sự phát triển bền vững

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với robot thông minh, công nghệ tự động hóa… thì lĩnh vực vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít năng lượng và giúp tiết kiệm được điện năng tiêu thụ đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hướng tới.

Theo các chuyên gia, các công trình xây dựng ngày càng được chú trọng đến độ bền chịu lực, độ bền theo thời gian, tiết kiệm năng lượng, chi phí sản xuất, xây lắp, đặc biệt phải thích ứng với khí hậu tại nơi xây dựng. Chính vì thế việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung, vật liệu xanh sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (Chương trình 567) nhằm thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020; hàng năm sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao...) để sản xuất vật liệu không nung, giúp tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công…
Nhằm đẩy mạnh việc sử dụng gạch không nung vào lĩnh vực xây dựng, từ ngày 31/10/2019 đến 2/11/2019 tại Hà Nội, Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện Hàn lâm Vật liệu xây dựng Trung Quốc, Trường Đại học Bách khoa Liên bang Thuỵ Sỹ vùng Laussane và Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về vật liệu xây dựng năm 2019 với chủ đề “Khoa học và công nghệ vật liệu xây dựng vì sự phát triển bền vững”.
Hội thảo quy tụ nhiều diễn giả, chuyên gia của các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đến chia sẻ về cách nhìn nhận và các nghiên cứu mới nhất của họ về khoa học và công nghệ vật liệu xây dựng theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự góp mặt của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới và Việt Nam trình bày và giới thiệu hàng loạt các công nghệ, thiết bị hiện đại đáp ứng xu hướng phát triển bền vững trong ngành xây dựng.
Hội thảo sẽ thảo luận về 7 chủ đề chính, bao gồm: xi măng, bê tông, gốm sứ, thuỷ tinh, vật liệu chống cháy, vật liệu chịu lửa và cách nhiệt, các yếu tố môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng. Với chủ đề đa dạng và phong phú, Hội thảo hứa hẹn sẽ là diễn đàn hữu ích trong việc trao đổi khoa học - công nghệ cũng như mở ra cơ hội hợp tác, đầu tư quốc tế cho các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.
Xuân Diện

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)