Thứ tư, 06/11/2019 04:45

Khoa học và công nghệ thủy lợi gắn với an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu

Đây là chủ đề của Hội thảo quốc tế “Khoa học và công nghệ thủy lợi gắn với an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu” do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (VAWR) tổ chức vào ngày 5/11/2019 tại Hà Nội. Hội thảo là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện (1959-2019).

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn phát triển nông nghiệp Nhật Bản (ADCA) Shozo OHIRA, Giám đốc Trung tâm Phòng chống thiên tai châu Á Peeranan Towashiraporn, Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới Nguyễn Tuấn Anh cùng đại diện JICA, GIZ, Đại học Khoa học ứng dụng TH Koln (Đức), Ủy ban sông Mê Kông, Nippon Steel, Kitai Sekkei, các thành viên trong cộng đồng ASEAN...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc VAWR đã gửi lời chào mừng đến các đại biểu tham dự Hội thảo và cho biết nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập VAWR, được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, VAWR phối hợp với ADCA và các đối tác quốc tế tổ chức Hội thảo quốc tế “Khoa học và công nghệ thủy lợi gắn với an ninh nguồn nước giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu”. Hội thảo này là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý Việt Nam và quốc tế thảo luận, chia sẻ những thành tựu, kết quả khoa học của các dự án tiêu biểu trong các lĩnh vực quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn nước; giải pháp công trình và phi công trình trong phòng chống thiên tai; xây dựng, quản lý và vận hành các công trình thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu “Bảo tồn nước - cải thiện chất lượng dịch vụ - nâng cao năng lực thích ứng và khả năng phục hồi”. PGS.TS Nguyễn Vũ Việt mong muốn Hội thảo này sẽ thúc đẩy thảo luận và tạo nền tảng thông tin có ý nghĩa cho việc trao đổi giữa các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước về các hoạt động nghiên cứu trong tương lai phục vụ nhu cầu của ngành, xã hội để đạt được các mục tiêu phát triển của Việt Nam nói chung.
Theo các đại biểu, cộng đồng các nước ASEAN đang có nhiều thời cơ nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức đối với yêu cầu phát triển. Với dân số hơn 640 triệu người và diện tích hơn 1,7 triệu km2, ASEAN là một thị trường nhiều tiềm năng với dự báo đến năm 2050, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng đặt chúng ta đứng trước những thách thức về khủng hoảng nguồn nước do sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước, trong khi nhu cầu sử dụng nước tăng nhanh một cách đáng kể. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan làm cho thiên tai ngày càng khó dự báo với những diễn biến bất thường, thậm chí chưa từng xảy ra trong lịch sử. Do vậy, đòi hỏi mỗi quốc gia và cộng đồng ASEAN cùng với các đối tác hỗ trợ như Nhật Bản, WB… cùng nhau xây dựng chiến lược chung để bảo tồn và phát triển nguồn nước, nâng cao hiệu quả và giá trị sử dụng nước, bền vững về môi trường, đồng thời nâng cao năng lực và khả năng chống chịu trước thiên tai vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, người dân phải được đặt vào trung tâm trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Các quyền lợi của người dân cần được thúc đẩy thông qua hoạt động hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững…
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione cho hay nước là vấn đề rất đặc thù. Các dịch vụ cấp nước và vệ sinh môi trường, ngập lụt và nước tưới tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân bình thường. Cải thiện năng suất sử dụng nước (đặc biệt trong nông nghiệp), giảm ô nhiễm nước (đặc biệt là nước thải đô thị) và thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu là những vấn đề nổi bật và quan trọng đối với Việt Nam. Hơn nữa, các nghiên cứu gần đây của chúng tôi kết luận rằng các mối đe dọa liên quan đến nước tăng có thể làm giảm GDP khoảng 6% mỗi năm. Còn theo ông Shozo OHIRA - Chủ tịch ADCA, chúng ta đang phải đối mặt với các vấn đề mới nổi lên hiện nay như suy thoái nguồn nước, khan hiếm nước và cường độ mưa lớn, biến đổi khí hậu, công trình thủy lợi xuống cấp, tăng chi phí quản lý, ngân sách hạn chế, yêu cầu hiện đại hóa từ các lĩnh vực khác và Luật Thủy lợi mới có hiệu lực ở Việt Nam. Để xử lý các vấn đề trên cần theo dõi dữ liệu kịp thời và phản hồi nhanh giúp quản lý tưới kịp thời và hiệu quả.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)