Thứ hai, 07/10/2019 07:49
Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Ngày 5/10/2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo "Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới". Hội thảo có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng gần 100 đại biểu đến từ các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học.
Sau gần 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn bộ mục tiêu bao trùm đã đạt được, nhiều chỉ tiêu vượt mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2010-2020. Tính đến tháng 10/2019 (9 năm), tổng đầu tư toàn xã hội cho Chương trình đạt xấp xỉ 2 triệu tỷ đồng, 100% số xã có điện lưới quốc gia, có 4.554 xã (chiếm 51,16%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã cả nước đạt 15,32 tiêu chí nông thôn mới/xã. Với kết quả đó, có thể thấy rằng, quá nửa khu vực nông thôn Việt Nam đã là nông thôn mới (tính theo số xã đạt chuẩn), mặt bằng bình quân nông thôn cả nước đã đạt 80,3% chuẩn nông thôn mới (tính theo số tiêu chí/xã 15,32/19).
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng cho rằng, quá trình triển khai Chương trình vẫn còn một số hạn chế như: đời sống người dân nông thôn các vùng khó khăn chưa đảm bảo; kết quả xây dựng nông thôn mới chưa bền vững, nhiều địa phương chỉ chú trọng phát triển hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống của người dân. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng trầm trọng hơn, dễ dẫn tới xung đột về môi trường mà thiếu các giải pháp đồng bộ để khắc phục... Trong thời gian tới, cần đổi mới cách tiếp cận, đi vào chiều sâu và đảm bảo tính bền vững. Theo đó, phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới cần phát huy cao nhất những thành quả trong xây dựng, thiết chế hạ tầng, văn hóa đồng thời tập trung các nhóm giải pháp tổng hợp để giải quyết các nút thắt. Đó là tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy sản xuất, đây là nền tảng, bản chất của xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần tập trung các nhóm giải pháp để xử lý vấn đề môi trường; nâng cao vị thế nông dân, khai thác tiềm năng, lợi thế, nội lực để cả xã hội cùng đồng hành.
CM