Thứ hai, 26/08/2019 07:09
Nghiên cứu phả hệ ở phương Đông và phương Tây: Lý luận và thực tiễn
Hội thảo quốc tế Nghiên cứu phả hệ ở phương Đông và phương Tây: Lý luận và thực tiễn đã diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 23/8/2019 với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học đến từ các quốc gia Croatia, Hàn Quốc, Việt Nam.
Các phiên họp chuyên đề của hội thảo tập trung vào các nội dung như: những vấn đề chung về phả hệ; nghiên cứu về trường hợp phả hệ Hàn Quốc, Croatia, Việt Nam. Tại đây, các diễn giả đã đưa ra những cách tiếp cận khác nhau về phả hệ, trong đó không thể thiếu là phương pháp lịch sử, so sánh. PGS.TS Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Hội thảo là diễn đàn nhằm bắc nhịp cầu học thuật giữa các nhà khoa học trong và ngoài cùng chung định hướng nghiên cứu về phả hệ học. Đây không chỉ là dịp để các nhà khoa học Hàn Quốc, Việt Nam và Croatia giới thiệu những nghiên cứu mới liên quan tới phả hệ mà còn là cơ sở góp phần thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu sâu sắc hơn về lĩnh vực này trong tương lai.
PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh - Viện Nghiên cứu Hán Nôm trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo.
PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh - Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng, đây là một phần trong nghiên cứu văn hóa, xã hội nhưng ở Việt Nam lĩnh vực này còn hạn chế. Sắp tới, cần có nhiều công trình nghiên cứu công phu hơn, quy mô để làm rõ các vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa mà đây là thế mạnh của việc nghiên cứu về gia phả học.
GS Kim Huk-su (Hàn Quốc) cho rằng, nghiên cứu phả hệ là trọng tâm trong việc thấu hiểu lịch sử và xã hội, thế nhưng lại chưa được tiến hành nghiên cứu sôi nổi trong khoa học xã hội. Điều đó là vì nghiên cứu phả hệ và các phương pháp phân tích khoa học của nghiên cứu hiện đại chưa gặp gỡ nhau. Thông qua nghiên cứu gia phả, chúng ta có thể tìm hiểu nguyên lý của xã hội. TS người Hàn Quốc Park Kwang Ryeol đã từng viết trong luận án TS rằng, cần hiểu thời đại Chosun bằng gia phả và mạng lưới. GS người Mỹ Granovetter cũng đã trở thành học giả nổi tiếng nhờ viêc phát triển quan điểm này một cách khoa học; và hiện nó trở thành một phương pháp quan trọng trong nghiên cứu khoa học xã hội. Việc nắm bắt con người cần trong một mạng lưới chứ không phải nhìn nhận như cá thể bị phân tách độc lập.
PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh - Viện Nghiên cứu Hán Nôm trình bày một số kết quả nghiên cứu về nghiên cứu các dòng họ ở Việt Nam thông qua các tư liệu Hán Nôm ở Việt Nam gồm 45 dòng họ. Đây là kết quả nghiên cứu bước đầu nhưng gợi ý nhiều hướng tiếp cận sâu hơn trong các công trình tiếp theo của các nhà khoa học nghiên cứu về phả hệ tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, có nhiều ý kiến nhất trí cho rằng, cần thúc đẩy các nghiên cứu chung, ví dụ so sánh trong nghiên cứu phả hệ giữa các quốc gia như là một cách tiếp cận mới đối với vấn đề này. Nnhững chia sẻ ban đầu với nhiều thông tin mới, hội thảo góp phần xác định những hướng đi mới cho các nghiên cứu về phả hệ ở Việt Nam.
Tin và ảnh: CTH