Thứ hai, 19/05/2025 09:08

Chuyển đổi số ở Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang: Thực trạng và giải pháp

Phạm Văn Vân, Nguyễn Hữu Bòng

Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở giáo dục đại học. Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đã bước đầu triển khai các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhận thức rõ những thách thức này, Nhà trường đã chủ động xây dựng lộ trình CĐS toàn diện, hướng tới mục tiêu trở thành một đại học thông minh, hiện đại và thích ứng hiệu quả với thời đại số.

Thực trạng chuyển đổi số

Thực trạng chung

Cuộc CMCN 4.0 là một cuộc cách mạng công nghệ có tính đột phá, diễn ra với tốc độ theo hàm lũy thừa, phạm vi toàn cầu và chiều sâu rộng lớn. Dựa trên nền tảng số và sự tích hợp của nhiều công nghệ hiện đại, CMCN 4.0 đang làm thay đổi toàn diện mô hình kinh tế  xã hội và tạo ra những tác động hệ thống sâu sắc đến mọi lĩnh vực, từ quốc gia, doanh nghiệp đến toàn xã hội. Cũng như các cuộc cách mạng trước, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi phải loại bỏ những yếu tố lạc hậu để tạo điều kiện cho sự phát triển mới phù hợp với quy luật tiến hóa. Để không bị tụt hậu trong làn sóng cách mạng này, các quốc gia buộc phải thực hiện CĐS một cách toàn diện.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của CĐS, nhiều quốc gia đã triển khai các chiến lược quốc gia riêng, tiêu biểu như Anh, Úc, Đan Mạch, Estonia, Israel, Mexico, Singapore, Thái Lan và Uruguay. Nội dung và cách tiếp cận CĐS ở mỗi nước có sự khác biệt, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và mục tiêu phát triển. Một số quốc gia đã ban hành khung CĐS tổng thể, chẳng hạn Singapore với Sáng kiến “Smart Nation” (Quốc gia thông minh), nhấn mạnh chuyển đổi trong ba trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, ưu tiên các lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, quản lý đô thị và tài chính.

Tại Việt Nam, CĐS đã bắt đầu được triển khai trong các cơ quan nhà nước và một số ngành, lĩnh vực, song nhìn chung vẫn còn manh mún, thiếu tính hệ thống và chuẩn hóa. Chính phủ đang từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời định hướng các địa phương - đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương - hướng tới mô hình chính quyền số, thành phố thông minh. Các bộ, ngành cũng đang từng bước triển khai các kế hoạch, đề án CĐS trong phạm vi quản lý của mình.

Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, xác định rõ: cần chuyển đổi toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước lên môi trường số; xem CĐS là yêu cầu bắt buộc; ứng dụng công nghệ và dữ liệu số vào ra quyết định, điều hành, quản lý hiệu quả kinh tế - xã hội. Ba trụ cột chính được xác định là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, với tám lĩnh vực ưu tiên gồm: y tế; giáo dục; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp; giao thông - vận tải và logistics; năng lượng; tài nguyên - môi trường; sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia được đặt ra như một nguyên tắc xuyên suốt trong toàn bộ tiến trình CĐS.

Chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo

Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo được triển khai dựa trên mục tiêu, yêu cầu và cơ cấu đặc thù của từng cơ sở giáo dục, thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tăng tính cạnh tranh trong môi trường giáo dục hiện đại. Hiện nay, CĐS trong lĩnh vực này chủ yếu diễn ra theo ba hướng chính: (1) Ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý; (2) Đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua công nghệ; (3) Nâng cấp và chuyển đổi hạ tầng công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nhằm thúc đẩy tiến trình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án đặt mục tiêu tạo ra bước đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục - đào tạo, hướng tới xây dựng một nền giáo dục mở, linh hoạt, thích ứng với nền tảng số, đồng thời góp phần vào tiến trình phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đề án khẳng định: “Người học và nhà giáo là trung tâm của quá trình CĐS; lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ giáo viên và người dân là thước đo quan trọng đánh giá mức độ thành công của CĐS”.

Đề án xác định các mục tiêu đến năm 2025 và định hướng đến 2030, đồng thời đề ra sáu nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, gồm: tăng cường điều kiện bảo đảm cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai CĐS; phát triển hệ sinh thái số trong giảng dạy, kiểm tra - đánh giá và nghiên cứu khoa học; phát triển và ứng dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động dạy - học, thí điểm mô hình giáo dục đại học số; xây dựng hệ thống thông tin quản lý giáo dục và cơ sở dữ liệu ngành đồng bộ, liên thông; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về CĐS trong toàn ngành và cộng đồng xã hội; huy động nguồn lực, hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường giám sát và đánh giá hiệu quả thực thi các giải pháp CĐS.

Chuyển đổi số tại Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang

Trong những năm gần đây, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, quản lý và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy vẫn còn những tồn tại và bất cập. Hạ tầng mạng của Nhà trường còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống LAN tổng thể; thiết bị đầu cuối, máy tính tại các phòng học và làm việc đã cũ, hiệu suất thấp. Nền tảng số mới chỉ đáp ứng ở mức cơ bản, chủ yếu sử dụng các ứng dụng miễn phí, thiếu tính lâu dài và ổn định.

Mạng LAN của Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang mang tính cục bộ cho từng cụm chức năng chứ chưa được kết nối thành mạng chung cho cả Nhà trường.

Việc triển khai các phần mềm quản lý còn rời rạc, không liên thông dữ liệu, dẫn đến tình trạng trùng lặp, thiếu chính xác và khó khai thác. Một số phần mềm quan trọng không còn được nhà cung cấp hỗ trợ, tiềm ẩn rủi ro lớn trong quá trình vận hành. Bên cạnh đó, nhận thức về CĐS trong đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên còn chưa đồng đều. Nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin còn mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm, chưa đủ sức vận hành hệ thống CĐS toàn diện.

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số

Hướng tới đại học số và mô hình quản trị thông minh và trước yêu cầu cấp thiết của thời đại, Nhà trường đã triển khai xây dựng dự thảo Đề án CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án hướng tới việc hình thành nền tảng đại học số với hệ thống quản trị hiện đại, dữ liệu số hóa đồng bộ, hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Giai đoạn 2025, Nhà trường đặt mục tiêu 100% hoạt động quản lý, đào tạo, hỗ trợ người học thực hiện trên môi trường số; toàn bộ dữ liệu được lưu trữ, phân tích và khai thác hiệu quả. Giai đoạn 2030 hướng tới mô hình đại học thông minh, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), Blockchain trong quản lý và đào tạo.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Nhà trường đã xác định sáu nhóm giải pháp trọng tâm, gồm:

Nâng cao nhận thức: Xác định rõ CĐS trước hết là chuyển đổi về tư duy, Nhà trường tập trung tuyên truyền sâu rộng thông qua các hội thảo, lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên và sinh viên về vai trò và lợi ích của CĐS. Xây dựng văn hóa số trong toàn trường, lấy người học làm trung tâm, lấy dữ liệu làm nền tảng và lấy hiệu quả làm mục tiêu hướng tới.

Hoàn thiện chính sách: Rà soát, ban hành và điều chỉnh hệ thống văn bản nội bộ để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, nhất quán cho việc thực hiện CĐS trong tất cả các lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu, tài chính, hành chính, hợp tác quốc tế... Đồng thời xây dựng các quy định liên quan đến việc sử dụng, chia sẻ, bảo mật và sở hữu dữ liệu số trong Nhà trường.

Đầu tư hạ tầng số: Ưu tiên hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm: xây dựng hệ thống mạng LAN ổn định, bảo mật, tốc độ cao phủ toàn bộ khuôn viên Nhà trường; nâng cấp thiết bị đầu cuối tại các phòng học, phòng làm việc; trang bị máy chủ, hệ thống lưu trữ và thiết bị an ninh mạng có khả năng mở rộng và tích hợp với các nền tảng số hiện đại.

Phát triển ứng dụng tích hợp: Thiết kế và triển khai các phần mềm quản trị tổng thể, cho phép tích hợp và đồng bộ thông tin giữa các phòng, ban, đơn vị. Hệ thống này cần hỗ trợ các nghiệp vụ đào tạo, khảo thí, tuyển sinh, quản lý tài sản - tài chính, nhân sự, công văn điện tử, đánh giá chất lượng... đảm bảo tính liên thông, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả quản trị.

Chuẩn hóa dữ liệu, đào tạo nhân lực: Triển khai đồng bộ việc số hóa và chuẩn hóa dữ liệu theo định dạng thống nhất, từng bước hình thành kho dữ liệu dùng chung phục vụ quản trị, giảng dạy, nghiên cứu và ra quyết định. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ nhân sự phụ trách công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn phù hợp; tổ chức các chương trình bồi dưỡng kỹ năng số cho toàn thể cán bộ, viên chức và người học để nâng cao năng lực tiếp cận và khai thác hiệu quả các nền tảng số.

Đảm bảo an toàn thông tin: Xây dựng hệ thống chính sách, quy trình bảo mật thông tin và dữ liệu trong toàn trường; đầu tư giải pháp giám sát, phát hiện và phản ứng kịp thời các rủi ro an ninh mạng. Áp dụng nguyên tắc sao lưu 3-2-1: có ít nhất 3 bản sao dữ liệu, lưu trữ trên 2 loại phương tiện khác nhau và 1 bản nằm ở vị trí cách ly, nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu trong mọi tình huống.

Thay lời kết

Chuyển đổi số là con đường tất yếu để Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang bứt phá, đổi mới toàn diện hoạt động quản lý và đào tạo. Với sự quyết tâm từ Ban Giám hiệu và đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, cùng sự đồng hành của các cơ quan quản lý và đối tác công nghệ, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang hoàn toàn có đủ tiềm năng trở thành một mô hình đại học số tiên phong trong khối các trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Chặng đường phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để Nhà trường thể hiện bản lĩnh, năng lực thích ứng và tư duy đổi mới. Việc đầu tư nghiêm túc cho hạ tầng số, nhân lực số và văn hóa số sẽ là ba trụ cột then chốt để hiện thực hóa tầm nhìn: một đại học hiện đại, kết nối, mở rộng và phục vụ hiệu quả cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thời kỳ CĐS.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)