Thứ ba, 15/04/2025 14:13

Tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới nổi và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia toàn diện

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ chỉ đạo thực hiện tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Chính phủ chỉ đạo tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia toàn diện; cải cách hành chính mạnh mẽ, thực chất hơn, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương (nguồn: VGP/Nhật Bắc).

Chính phủ nhận định, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có những biến động lớn, nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu... Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi; tình hình thời tiết cực đoan tiềm ẩn rủi ro đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất, cung ứng điện... Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 08/01/2025, Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ, các Chỉ thị, Công điện và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đề cao trách nhiệm, quyết liệt, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, nỗ lực vượt qua thách thức, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng; đồng thời, tập trung thực hiện hiệu quả những nội dung chủ yếu sau đây:

Tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia toàn diện; cải cách hành chính mạnh mẽ, thực chất hơn, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao: tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia trong quý II/2025; triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển S.T.I.D và Đề án 06; tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ phê duyệt Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026; khẩn trương đàm phán, tháo gỡ vướng mắc trong quan hệ kinh tế với các nền kinh tế lớn; tập trung giải quyết hiệu quả các chương trình, dự án còn khó khăn, vướng mắc với đối tác, nhất là các chương trình, dự án lớn mà đối tác đặc biệt quan tâm và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài mở rộng đầu tư, chuyển dịch, duy trì chuỗi cung ứng tại Việt Nam, thúc đẩy sự tham gia ngày càng sâu của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương trình Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển S.T.I.D và Đề án 06 ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2025 của Ban Chỉ đạo, Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo của Chính phủ bảo đảm “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành mới và tổ chức triển khai hiệu quả các chiến lược đã ban hành về nghiên cứu, ứng dụng, khai thác không gian biển, không gian ngầm.

Phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, chất lượng cao; bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng các ngành có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao, bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm dần lợi thế dựa vào chi phí thấp, ưu đãi thuế, phát triển các cụm liên kết ngành theo chuỗi giá trị; tập trung tháo gỡ khó khăn của các dự án công nghiệp lớn, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất, tạo chủ động nguồn cung cấp nguyên, nhiên vật liệu phục vụ phát triển bền vững.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mới, đột phá (kể cả các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù (nếu cần)), cơ chế “luồng xanh” cho các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội

Theo đó, Chính phủ yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định rõ vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án cụ thể để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời theo thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền nếu vượt thẩm quyền; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, các cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện các cơ chế đặc thù trong thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia được quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội, các Nghị quyết khác của Quốc hội liên quan đến 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và 02 Nghị định của Chính phủ về quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện chung cho các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng cao gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chủ động, linh hoạt, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên; khẩn trương hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính gắn với hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII và Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu và chuỗi cung ứng; khai thác tối đa thị trường trong nước, thúc đẩy du lịch; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xuất xứ hàng hóa…

CT

TAGS :

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)