Thứ ba, 08/04/2025 00:33

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai các nhiệm vụ lớn theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW

Ngày 04/04/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành đã có buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) về kết quả hoạt động của Viện trong thời gian qua và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đặc biệt các nhiệm vụ liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia.

Điều chỉnh mục tiêu đến năm 2030 bám sát Nghị quyết số 57-NQ/TW

Trong 5 năm qua, kế thừa tinh thần và nhiệt huyết của các nhà khoa học đi trước, toàn thể cán bộ, nhà khoa học của Viện Hàn lâm đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tạo nền tảng để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Viện Hàn lâm đã thành lập Ban Chỉ đạo về S.T.I.D và xây dựng chương trình hành động. Với vai trò là cơ quan nghiên cứu khoa học lớn của cả nước, Viện đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt 5 quan điểm chỉ đạo và 6 nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết số 57-NQ/TW đến từng chi bộ, cán bộ, đảng viên, nhà khoa học.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Hiện nay, Viện cũng đang cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu, xây dựng các định hướng nghiên cứu ưu tiên mới nhằm tập trung phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là các công nghệ nền tảng, công nghệ chiến lược. Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 57-NQ/TW, Viện cũng đang trong quá trình xây dựng và điều chỉnh mục tiêu đến năm 2030 với dự kiến: toàn bộ các tổ chức khoa học và công nghệ, viện nghiên cứu (17 đơn vị) trực thuộc Viện được xếp hạng khu vực và thế giới; xây dựng lực lượng nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo làm việc tại Viện đạt 01 người trên một vạn dân; tập trung phát triển, đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu khoa học cơ bản, góp phần hình thành nền khoa học và công nghệ Việt Nam vững mạnh; làm chủ, phát triển được ít nhất 10 công nghệ nền tảng, công nghệ chiến lược, công nghệ tương lai trong các lĩnh vực không gian, năng lượng, môi trường, sinh học, trí tuệ nhân tạo, robot và tự động hoá, vật liệu tiên tiến như các công nghệ máy tính lượng tử, truyền thông lượng tử, công nghệ nhiệt hạch, công nghệ hàng không, công nghệ bán dẫn thế hệ mới... góp phần tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nhằm tận dụng nguồn lực của các đối tác lớn và nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.

GS.VS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các nhà khoa học đã nêu một số khó khăn, vướng mắc cùng đề xuất trong phát triển nhân lực, nhân tài, cán bộ khoa học, các cơ chế cho nghiên cứu các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học. Đại diện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết: Chính phủ cần xây dựng Chiến lược phát triển vũ trụ Việt Nam đến năm 2045, trong đó tập trung vào phát triển sản phẩm chiến lược là vệ tinh nhỏ để Việt Nam sớm có hệ thống quan sát quốc gia sử dụng vệ tinh nhỏ. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia, các tổng công trình sư để đảm đương trọng trách với các dự án lớn. Để làm được điều này, cần có cơ chế đặc biệt thu hút và giữ chân chuyên gia trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học kiến nghị nên có định hướng các công nghệ tương lai để chủ động nắm bắt và làm chủ công nghệ. Điều này trước đây đã được GS.VS Nguyễn Văn Hiệu quan tâm phát triển như công nghệ nano, công nghệ hydro xanh… những công nghệ này hiện nay đã trở nên rất phổ biến và là xu hướng tất yếu. Liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đại diện Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, trường đặt mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là các lĩnh vực công nghệ chiến lược như vi mạch, công nghệ sinh học… để có thể dẫn dắt công nghệ chứ không đào tạo ồ ạt mang tính phong trào. Tuy nhiên, cơ sở vật chất và cơ chế thu hút giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

6 nhiệm vụ lớn

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã chỉ đạo Viện với vai trò, vị thế của cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành, lớn của đất nước cần tập trung vào các vấn đề lớn, các chương trình trọng điểm, vấn đề khó... để phục vụ cho phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phó thủ tướng chỉ ra những thách thức của Viện đó là: khả năng tự chủ về tài chính và nghiên cứu khoa học của Viện còn thấp; cơ sở vật chất chưa đồng bộ, một số phòng thí nghiệm lạc hậu chưa đạt chuẩn quốc tế. Quy mô và nguồn nhân lực còn hạn chế; các hoạt động hợp tác quốc tế chưa nhiều, hiệu quả chưa cao, mặc dù có quan hệ với trên 70 đối tác tại 50 quốc gia. Đặc biệt, số lượng bài báo quốc tế có tăng dần qua các năm nhưng chưa cao (khoảng 500-600 bài/năm), chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực, như công nghệ vũ trụ; hiệu quả đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với tiềm năng; hành lang pháp lý chưa đồng bộ, thiếu cơ chế khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Phần lớn kết quả nghiên cứu của Viện mới dừng ở báo cáo hoặc ứng dụng giới hạn; tầm ảnh hưởng chủ yếu trong nước, chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong khu vực và trên trường quốc tế.

Trong Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Viện Hàn lâm được xác định trở thành trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao. Để đạt được mục tiêu đó, Phó Thủ tướng đề nghị Viện Hàn lâm cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới gồm: 

Về tổ chức bộ máy: Viện Hàn lâm đã chủ động thực hiện sắp xếp bộ máy, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị nhưng cần tiếp tục nghiên cứu, coi đây là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc lại bộ máy, lựa chọn và phát huy năng lực của những cá nhân, tập thể xuất sắc. Đặc biệt, phải lựa chọn được những cá nhân, trưởng nhóm nghiên cứu có trình độ cao, dẫn dắt các nghiên cứu khoa học có giá trị thời đại, phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.

Tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ; trở thành một trong các cơ quan tư vấn hàng đầu của Nhà nước trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 03/NQ-CP; Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, nhất là trong các lĩnh vực như công nghệ vũ trụ, khoa học biển, công nghệ sinh học và vật liệu mới. Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ lõi và công nghệ nguồn để tạo nền tảng tri thức, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn và thị trường như y tế, năng lượng, môi trường và công nghệ cao.

Nâng cao năng lực nghiên cứu thông qua việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lương cao: tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình đã đề ra; cần tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý và nghiên cứu, góp phần xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; xây dựng cơ chế linh hoạt để thu hút và giữ chân nhân lực khoa học trình độ cao, nhà khoa học Việt kiều và chuyên gia quốc tế…

Thúc đẩy chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu: xây dựng các quy chế gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và thị trường, khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng thực tiễn; nghiên cứu phát triển các khu thử nghiệm công nghệ, các trung tâm chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm khoa học của Viện, phấn đấu ít nhất 10 sản phẩm từ nghiên cứu ra thị trường mỗi năm trong 5 năm tới.

Nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng hóa nguồn lực tài chính, tăng tính tự chủ: Thu hút đầu tư, đẩy mạnh hợp tác công - tư, hiện đại hóa phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, biến phòng thí nghiệm thành “vườn ươm” công nghệ…

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Viện trong khu vực và thế giới.

Lê Hạnh

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)