Thứ sáu, 04/04/2025 15:22

Khơi thông chính sách để phát triển S.T.I.D

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 03/04/2025, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan bày tỏ sự đồng tình với nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong việc xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về sự cắt khúc giữa nghiên cứu, đào tạo và thị trường, dẫn đến lãng phí nguồn lực và chưa khai thác hết tiềm năng của các trường đại học.

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013: Tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hiệu cho biết, ĐHQGHN đã quyết liệt triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia. Vừa qua, ĐHQGHN đã thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới Sáng tạo với các đơn vị nghiên cứu chiến lược. Đây sẽ là trung tâm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, góp phần hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Toàn cảnh buổi làm việc (nguồn: VNU).

Đánh giá về Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Phó Giám đốc ĐHQGHN ghi nhận những đổi mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, trước yêu cầu phát triển mới, đặc biệt trong bối cảnh của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ông cho rằng, cần có sự điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn. ĐHQGHN mong muốn tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện tối ưu cho nghiên cứu khoa học trong nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Trưởng ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo Trần Thị Thanh Tú khẳng định, sau khi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 được ban hành, ĐHQGHN đã triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả các quy định của Luật. ĐHQGHN đã trở thành một trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu của cả nước, đóng góp đáng kể vào việc phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Đặc biệt, các hoạt động nghiên cứu khoa học tại ĐHQGHN đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng cao, đã được triển khai thành công và được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận. Một trong những thành công lớn của ĐHQGHN là việc áp dụng các cơ chế tài chính mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và triển khai các dự án khoa học. ĐHQGHN đã xây dựng được môi trường nghiên cứu khoa học hiện đại, kết nối với các cơ quan nghiên cứu quốc tế, đồng thời thu hút được nhiều tài năng trong và ngoài nước tham gia vào các dự án nghiên cứu.

Bà Trần Thị Thanh Tú cũng chỉ ra một số khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai Luật. Một trong những vấn đề lớn nhất là việc thiếu cơ chế tài chính hợp lý và rõ ràng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Mặc dù đã có những cải cách, nhưng việc phân bổ ngân sách cho các dự án nghiên cứu vẫn chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thực tế. Hệ thống đánh giá kết quả nghiên cứu cũng còn thiếu sự đồng bộ, dẫn đến việc khó khăn trong đo lường và công nhận những thành tựu nghiên cứu.

Cần một khung pháp lý linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới sáng tạo

Bà Trần Thị Thanh Tú cho rằng, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ trên thế giới, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần có những sửa đổi, bổ sung để phù hợp với xu thế mới và đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Cần phải tạo ra một khung pháp lý linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các tổ chức nghiên cứu. Luật nên mở rộng phạm vi các hoạt động nghiên cứu có thể nhận tài trợ, không chỉ giới hạn trong các nghiên cứu cơ bản mà còn bao gồm các nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo, giúp tạo ra giá trị thực tế cho nền kinh tế. Cần có các cơ chế cụ thể để thúc đẩy hợp tác công - tư trong nghiên cứu khoa học, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, dự thảo Luật cần bổ sung các điều khoản rõ ràng về việc quản lý và phân phối tài nguyên khoa học, đồng thời làm rõ các quy định về sở hữu trí tuệ trong các nghiên cứu khoa học.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN đề xuất đưa cụm từ "đổi mới sáng tạo" vào tên luật, đồng thời định nghĩa lại khái niệm này để bao gồm cả công nghệ và phi công nghệ, đặc biệt là đổi mới sáng tạo xã hội, tránh nguy cơ tụt hậu của quốc gia. Ông nhấn mạnh vai trò nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn trong đổi mới sáng tạo, đồng thời đề xuất xác định lại trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó trường đại học và viện nghiên cứu đóng vai trò nguồn gốc tri thức, còn doanh nghiệp là động lực dẫn dắt. GS Nguyễn Hữu Đức đề nghị xây dựng cơ chế quỹ phát triển khoa học hợp lý, cải thiện chính sách dành cho tạp chí khoa học, đồng thời đưa vào luật mô hình đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.

GS.TS Mai Trọng Nhuận - Nguyên Giám đốc ĐHQGHN cho rằng, các trường đại học phải đóng vai trò trung tâm trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, thay vì bị tách biệt như quy định hiện tại. GS.TS Mai Trọng Nhuận cũng đề xuất điều chỉnh Luật để giảm bớt rào cản tài chính và pháp lý đối với nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung - Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, đổi mới sáng tạo không chỉ giới hạn trong công nghệ mà còn bao gồm khoa học xã hội, quản trị và tổ chức xã hội. Ông cho rằng, cần quán triệt tư duy thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó Nhà nước phải đầu tư chiến lược vào khoa học cơ bản. GS.TS Phạm Hồng Tung kiến nghị Luật cần áp dụng đồng đều cho tất cả các ngành khoa học. Bên cạnh đó, ông đề nghị trao quyền tự chủ cao hơn cho các tổ chức khoa học trong hợp tác quốc tế, đồng thời tạo cơ chế để nhà khoa học có thể tham gia tư vấn chính sách trực tiếp.

GS.TS Trần Xuân Tú - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, chỉ ra sự bất cập trong đầu tư cho khoa học và công nghệ khi việc cấp kinh phí nghiên cứu không đồng bộ với đầu tư cơ sở vật chất. Ông đề xuất cần có một cơ chế đầu tư tổng thể, đảm bảo trang thiết bị thí nghiệm phù hợp với các hướng nghiên cứu. Về tính tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ, việc kiểm soát chặt chẽ kinh phí nghiên cứu hiện nay làm giảm tính linh hoạt và sáng tạo. Ông đề xuất trao quyền tự chủ cao hơn, cho phép các đơn vị nghiên cứu hoạt động tương tự doanh nghiệp, tự quyết định và chịu trách nhiệm về kết quả đầu ra.

Tránh lãng phí nguồn lực và khai thác hết tiềm năng của các trường đại học

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khẳng định, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được ban hành không chỉ đơn thuần là một văn bản pháp lý nhằm tháo gỡ khó khăn mà đây phải là một công cụ để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0. Phó Chủ tịch bày tỏ sự đồng tình với nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đặc biệt là vấn đề liên kết giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo trong các trường đại học. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nếu trường đại học không có nghiên cứu khoa học thì sẽ khó cập nhật chương trình giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và sự phát triển của nền khoa học nước nhà. Ông cũng lưu ý về sự cắt khúc giữa nghiên cứu, đào tạo và thị trường, dẫn đến lãng phí nguồn lực và chưa khai thác hết tiềm năng của các trường đại học.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và và đoàn công tác đã thăm quan một số phòng thí nghiệm trọng điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội (nguồn: VNU).

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đặt vấn đề về sự cân bằng giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, trong thời đại của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu và Internet vạn vật, Việt Nam cần tập trung phát triển trí tuệ con người để làm chủ công nghệ, thay vì chỉ phụ thuộc vào AI. Ban soạn thảo Luật cùng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện Dự thảo luật theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, đưa khoa học và công nghệ trở thành nền tảng phát triển đất nước trong thời đại AI và chuyển đổi số.

Vũ Văn Hưng

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)