Thực trạng và yêu cầu cấp thiết
Trong lĩnh vực xuất bản, đặc biệt đối với các tài liệu chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo, việc quản lý, hoạch định chi phí và tổ chức thực hiện dịch vụ sự nghiệp công phụ thuộc chặt chẽ vào hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có bộ định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên biệt nào cho nhóm dịch vụ này, dẫn đến những bất cập trong tổ chức thực hiện, lập dự toán và kiểm soát chi phí.
Hiện nay, các nhà xuất bản, trong đó có các đơn vị xuất bản chuyên ngành khoa học và công nghệ, khi thực hiện nhiệm vụ thường phải tham chiếu các văn bản sau: Thông tư 42/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động xuất bản; Nghị định số 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan. Tuy nhiên, những văn bản này không phản ánh đầy đủ tính đặc thù của hoạt động xuất bản tài liệu khoa học - công nghệ, vốn đòi hỏi quy trình biên tập sâu, dịch thuật chuyên ngành phức tạp, thẩm định học thuật khắt khe và yêu cầu cao về tính chính xác, cập nhật. Do đó, công tác lập kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều lúng túng, bị động, chi phí không phản ánh đúng thực tế, dẫn đến khó khăn trong thẩm định, quyết toán, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Một số sản phẩm sách khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
Cơ sở pháp lý cho việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động này bao gồm: Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ. Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN ngày 18/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Theo các quy định này, dịch vụ biên tập, xuất bản tài liệu khoa học - công nghệ được xác định là dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và có thể xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật tương ứng.
Định mức kinh tế - kỹ thuật cho xuất bản trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Bám sát những luận giải về sự cần thiết, tính cấp bách, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của thị trường xuất bản, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã đề xuất và được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất định mức kinh tế - kỹ thuật trong một số dịch vụ sự nghiệp công về xuất bản trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Thời gian thực hiện là 18 tháng và được điều chỉnh, gia hạn đến hết tháng 04/2025.
Kết quả nghiên cứu của đề án là các quy trình thực hiện dịch vụ cụ thể và đề xuất định mức kinh tế - kỹ thuật trong một số dịch vụ sự nghiệp công về xuất bản trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo. Đây là kết quả rất quan trọng đối với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản và cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Triển khai nhiệm vụ của đề án, nhóm nghiên cứu tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn; phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động tổ chức khai thác bản thảo, khảo sát quá trình thương thảo, đàm phán ký kết các hợp đồng dịch thuật, hiệu đính; các nghiệp vụ thiết kế, chế bản; nghiệp vụ biên tập, phát hành (hoạt động và thực trạng nghiệp vụ hội thảo, tọa đàm, hội chợ, triển lãm, giới thiệu sách...); nghiệp vụ làm xuất bản điện tử; các thủ tục hành chính quản lý xuất bản... sách, tài liệu khoa học, công nghệ, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Nghiên cứu, khảo sát thực tiễn quy trình, thủ tục, nhu cầu và các bước tiến hành hoạt động này. Từ đó, đề xuất xây dựng quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật: những hao phí về lao động (người tổ chức, đàm phán thương thảo các loại hợp đồng; biên tập viên; phụ biên tập; biên dịch; hiệu đính, người tổ chức phát hành, quản lý hành chính và lao động khác…); vật tư, máy móc và thiết bị... Cuối cùng, nhóm nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ đã đề xuất xây dựng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ hoạt động xuất bản sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, 75 định mức kinh tế - kỹ thuật cho các hoạt động xuất bản, bao gồm các nghiệp vụ lao động trực tiếp đã được xây dựng. Bên cạnh đó còn có 1 định mức kinh tế - kỹ thuật cho công việc quản lý, thuộc nhóm lao động gián tiếp, được tính bình quân bằng 20% thời gian lao động trực tiếp cần thiết của người lao động theo chuyên môn, nghiệp vụ.
Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ là tài liệu quan trọng, phục vụ Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị tham mưu và các cơ quan liên quan tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản, in ấn và phát hành sách, tài liệu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Đây là cơ sở góp phần đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, công trình khoa học ứng dụng vào thực tiễn, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Bên cạnh đó, đề án cũng đã làm rõ mối tương quan giữa khoa học - công nghệ và các yếu tố kinh tế trong hoạt động xuất bản, giúp đảm bảo tính đúng, đủ chi phí, nâng cao hiệu quả và minh bạch trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Kết quả nghiên cứu còn là nền tảng vững chắc để Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với thực tế và năng lực hiện có. Đây cũng là căn cứ khoa học có độ tin cậy cao để các tổ chức đầu mối trong lĩnh vực xuất bản và phát hành tài liệu khoa học - công nghệ sử dụng trong việc lập kế hoạch, thuyết minh, bảo vệ phương án trước các cơ quan quản lý.
Quá trình thực hiện đề án còn góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu cho tổ chức và cá nhân tham gia. Công chức, viên chức và người lao động có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ trong môi trường làm việc công khai, minh bạch, từ đó gia tăng niềm tin, tinh thần trách nhiệm và động lực cống hiến.
Dựa trên những kết quả đạt được, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị trọng tâm như sau:
Đẩy mạnh số hóa quy trình xuất bản: Khuyến khích các đơn vị xuất bản ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ chuỗi hoạt động, từ khai thác bản thảo đến biên tập, xuất bản và phát hành. Việc chuyển đổi số không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn giúp mở rộng khả năng tiếp cận độc giả trên phạm vi toàn cầu.
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Cần xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ làm công tác biên tập khoa học, dịch thuật chuyên ngành và quản lý xuất bản hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ chuyển đổi số.
Khuyến khích hợp tác quốc tế: Tăng cường kết nối, trao đổi và hợp tác với các nhà xuất bản, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất bản khoa học - công nghệ của Việt Nam ra thế giới.
Cập nhật định mức theo xu hướng công nghệ mới: Thường xuyên rà soát và điều chỉnh bộ định mức kinh tế - kỹ thuật để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và xuất bản số, bảo đảm tính kịp thời, chính xác và hiệu quả trong quản lý.
*
* *
Hoàn thiện đề xuất xây dựng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực xuất bản khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là xây dựng một công cụ quản lý hiện đại, minh bạch và hiệu quả, tạo đòn bẩy để: nâng cao chất lượng xuất bản phẩm khoa học; thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia; góp phần phát triển nền kinh tế tri thức; đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển bền vững; lấy tri thức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng để tự chủ và vươn tầm quốc tế trong kỷ nguyên số. Đây không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn, mà còn là trách nhiệm chiến lược trước vận hội phát triển mới của đất nước, đồng thời là cánh tay nối dài để Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đóng góp tiếng nói tri thức của tài liệu xuất bản truyền thống trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ.