Thứ sáu, 18/04/2025 15:44

Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Đổi mới toàn diện, căn bản công tác quản lý, phương thức tổ chức thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp thông qua ưu tiên ứng dụng công nghệ số kết hợp phương thức truyền thống phù hợp. Đây là mục tiêu cơ bản của Đề án Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025-2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 15/04/2025 (Đề án 766).

Đảm bảo cung cấp thông tin về pháp luật một cách nhanh chóng đến mọi đối tượng

Đề án 766 đặt mục tiêu bảo đảm cung cấp thông tin pháp luật nhanh chóng, chính xác, thuận tiện, tiếp cận mọi đối tượng, tăng cường tương tác; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tối ưu chi phí, thực chất, đáp ứng tối đa nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Đề án 766 đề ra mục tiêu nâng cấp, hoàn thiện Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2027, cần hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, khả thi, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng trình dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (sửa đổi). Nâng cấp, hoàn thiện Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia với chức năng chính là cung cấp thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng kho dữ liệu số phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung; thực hiện liên thông, kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với các Cổng/Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật của các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương, địa phương.

Phấn đấu ít nhất 80% người dân sinh sống tại khu vực thành thị và ít nhất 60% người dân sinh sống tại khu vực nông thôn được tiếp cận, tìm hiểu thông tin pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật thông qua các cơ sở dữ liệu, ứng dụng số, công nghệ số; ít nhất 80% cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân tham mưu thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được tập huấn kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó ít nhất 75% hoạt động tập huấn được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Từ năm 2028 đến năm 2030, nâng cấp Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, bảo đảm vai trò trung tâm cung cấp thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp. Kho dữ liệu số phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung được xây dựng, chuẩn hóa, cập nhật thường xuyên, tích hợp với Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, bảo đảm truy cập thuận tiện, bảo mật và khai thác hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Ít nhất 90% người dân sinh sống tại khu vực thành thị và ít nhất 70% người dân sinh sống tại khu vực nông thôn được tiếp cận, tìm hiểu pháp luật thông qua các cơ sở dữ liệu, ứng dụng số, công nghệ số; 100% cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân tham mưu thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được tập huấn kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó ít nhất 90% hoạt động tập huấn được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Thực hiện 10 giải pháp

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, Đề án 766 đưa ra 10 giải pháp: 1) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 2) Hoàn thiện chính sách, thể chế về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 3) Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; 4) Chuyển đổi số trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ người dân, doanh nghiệp; 5) Hỗ trợ một số địa phương thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 6) Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 7) Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế; 8) Tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 9) Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong thực hiện chuyển đổi số công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 10) Tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

Đối với giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ người dân, doanh nghiệp, Đề án 766 đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể như: chuẩn hoá, xây dựng, cập nhật kho dữ liệu số phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung; nâng cấp, phát triển Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia thành địa chỉ tập trung, chủ đạo trong cung cấp thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng, phát triển Cổng Thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…

Về giải pháp phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Đề án nhấn mạnh, cần tập trung nâng cao năng lực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số và sản xuất nội dung số; xây dựng, cung cấp các công cụ hỗ trợ (toolkit) cho người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý nội dung số.

VVH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)