Thứ ba, 25/03/2025 14:10

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số: Đại biểu Quốc hội thảo luận trên tinh thần bám sát tinh thần Nghị quyết số 57/NQ-TW

Sáng 25/03/2025, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Theo đó, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57); tạo nền tảng pháp lý vững chắc, đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống, thúc đẩy công nghiệp công nghệ số trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã có bước tiến với quy định cơ chế thử nghiệm (Chương V) nhưng phạm vi thử nghiệm còn quá hẹp (Điều 42), bỏ sót nhiều đổi mới sáng tạo; đồng thời liệt kê nhiều hành vi bị cấm còn chung chung (Điều 12) và đặt thêm một số điều kiện kinh doanh. Cách quản lý quá thận trọng này sẽ kìm hãm đổi mới sáng tạo, khiến doanh nghiệp e ngại thử nghiệm công nghệ mới tại Việt Nam.

Đại biểu kiến nghị mở rộng phạm vi cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho mọi sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới chưa được pháp luật điều chỉnh; đơn giản hóa thủ tục phê duyệt thử nghiệm; lược bỏ các quy định cấm, điều kiện không thực sự cần thiết. Đồng thời cần trao quyền cho Chính phủ tạm thời cho phép thí điểm những công nghệ, mô hình mới chưa có luật điều chỉnh (báo cáo Quốc hội sau) nhằm kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 57 coi dữ liệu số là tài nguyên chiến lược, đòi hỏi "đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính" và phát triển kinh tế dữ liệu. Dự thảo Luật chưa thể hiện rõ chủ trương này, các quy định chủ yếu về quản lý kỹ thuật, chưa có cơ chế chia sẻ, khai thác hiệu quả. Chẳng hạn, không có điều khoản nào thúc đẩy việc mở dữ liệu công hoặc phát triển thị trường dữ liệu.

Quang cảnh khai mạc Hội nghị (nguồn: TTXVN).

Cách tiếp cận thận trọng này dẫn đến "mỏ vàng dữ liệu" chưa được khai thác, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu phát triển trí tuệ nhân tạo, làm giảm sức cạnh tranh, đại biểu lưu ý.

Do đó, đại biểu kiến nghị bổ sung các quy định thúc đẩy kinh tế dữ liệu: nguyên tắc "dữ liệu mở" và chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp; hình thành các trung tâm, sàn giao dịch dữ liệu. Đồng thời giao Chính phủ quy định danh mục dữ liệu mở và cơ chế bảo đảm an toàn, quyền riêng tư khi chia sẻ dữ liệu, qua đó tạo động lực cho công nghiệp dữ liệu phát triển đúng tinh thần Nghị quyết số 57.

Theo đại biểu, Nghị quyết số 57 đòi hỏi có chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng nhân tài công nghệ trong và ngoài nước với các cơ chế đột phá. Dự thảo Luật đã nêu vấn đề này (Điều 25) nhưng còn chung chung, chưa cụ thể hóa những ưu đãi vượt trội.

Đại biểu kiến nghị bổ sung các chính sách nhân tài mang tính đột phá như: miễn, giảm thuế thu nhập cho chuyên gia công nghệ; đơn giản hóa thủ tục lưu trú cho chuyên gia nước ngoài và tăng cường hỗ trợ đào tạo nhân tài công nghệ số. Những giải pháp này sẽ thể chế hóa định hướng Nghị quyết số 57, tạo lợi thế cho Việt Nam trong cạnh tranh nhân lực chất lượng cao.

L.H

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)