Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị, ngành Khí tượng Thủy văn đã từng bước ứng AI, dữ liệu lớn (Big Data) và chuyển đổi số vào công tác quan trắc, dự báo. Theo đó, nghiên cứu ứng dụng AI trước mắt là đối với dự báo bão, mưa và các hiện tượng nguy hiểm ít xảy ra theo quy luật. Đến nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) bước đầu đã đưa AI vào mô hình dự báo cường độ bão.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - ông Mai Văn Khiêm cho biết kết quả ban đầu của việc đưa AI vào mô hình trên rất khả quan với độ chính xác cao hơn các công cụ truyền thống. Mô hình này sẽ được ngành khí tượng thủy văn đưa vào triển khai trong mùa bão lũ 2025. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đang thử nghiệm ứng dụng AI cho các dự báo thủy văn, lũ, ngập lụt dựa trên các yếu tố đầu vào, bao gồm: dự báo, quan trắc, các yếu tố tự nhiên, vận hành hồ chứa...
Vấn đề đặt ra với ngành khí tượng thủy văn là bài toán xử lý AI đòi hỏi rất lớn về hạ tầng thông tin, nguồn lực tài chính cũng như đội ngũ chuyên gia có trình độ cao về công nghệ thông tin. Hiện nay, nhân lực AI còn ít, nhất là AI nắm vững về lĩnh vực chuyên sâu như khí tượng thủy văn, để đào tạo được thì cơ chế trả lương cũng khó thu hút và giữ được lâu dài. Ngoài ra, hạ tầng tính toán và xử lý AI yêu cầu những chip xử lý nhanh với chi phí lớn.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày diễn biến phức tạp hơn, nếu không đầu tư, tận dụng sức mạnh khoa học và công nghệ thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Vì vậy, việc ứng dụng AI vào công tác dự báo là cấp thiết.

Các mô hình dự báo thiên tai ứng dụng trí tuệ nhân tạo được kỳ vọng sẽ giúp cộng đồng có thêm thời gian thực hiện các giải pháp ứng phó. (nguồn: TTXVN)
Ông Mai Văn Khiêm cũng lưu ý, trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, thiên tai trong thời gian tới được dự báo khó lường, cực đoan - việc xây dựng, hoàn thiện các hệ thống dự báo, cảnh báo sớm đóng vai trò hết sức quan trọng, đảm bảo cho hệ thống cảnh báo sớm hoạt động hiệu quả từ Trung ương đến địa phương. Trong cảnh báo sớm, hệ thống thông tin truyền tin yêu cầu độ trễ phải ngắn nhất. Khi có thông tin dữ liệu quan trắc truyền về, các chuyên gia dự báo sẽ dựa trên công cụ, mô hình, tính toán khác nhau để phân tích và đưa ra nhận định dự báo.
Do vậy, để đảm bảo hiệu quả, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các trạm quan trắc trong hệ thống mạng lưới trạm phải được triển khai thực hiện quan trắc đồng bộ, thống nhất.
Ông Hoàng Đức Cường - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngành khí tượng thủy văn đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo sớm thiên tai như: Tăng cường số lượng và chất lượng các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, nhất là ở các khu vực trọng điểm, khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa; tăng cường các giải pháp quan trắc hiện đại như ra đa thời tiết, ra đa biển, ứng dụng ảnh mây vệ tinh… Ngành cũng chú trọng phát triển các công nghệ dự báo, cảnh báo hiện đại tiệm cận với các nước phát triển về khí tượng thủy văn như: mô hình số phân giải cao dự báo bão, dự báo mưa, lũ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; tích hợp các tác động của biến đổi khí hậu đến diễn biến thiên tai vào các phương án dự báo khí tượng thủy văn; tiếp nhận, phát triển các công nghệ, quy trình dự báo tiên tiến, hiện đại của các nước.
L.H