Thứ hai, 24/03/2025 11:07

Doanh nghiệp với chương trình phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho công nghiệp đường sắt, đây là nhận định chung của các đại biểu tại Hội thảo: “Doanh nghiệp Việt với chương trình phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam”. Hội thảo do Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) tổ chức ngày 21/03/2025.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy khẳng định, hệ thống đường sắt không chỉ là huyết mạch giao thông của mỗi quốc gia mà còn là biểu tượng của sự phát triển công nghiệp và công nghệ hiện đại. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành đường sắt được xác định là một trong những lĩnh vực trọng điểm, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giảm áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ và nâng cao năng lực kết nối. Chính vì lẽ đó, nhiều quyết định, chủ trương quan trọng về đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt đã được ban hành trong thời gian qua như: Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 172/2024/NQ-QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Nghị quyết số 187/2025/NQ-QH15 của Quốc hội về Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Nghị quyết số 188/2025/NQ-QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Những chủ trương này không chỉ thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hiện đại hóa ngành đường sắt, mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp đường sắt.

Để hiện thực hóa và triển khai chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển đường sắt Việt Nam, theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, cần có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học và công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học. Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đề xuất Chính phủ những chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đủ năng lực của Việt Nam được tham gia, phát triển trong lĩnh vực công nghiệp đường sắt.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, Việt Nam phải tự chủ trong xây dựng các dự án đường sắt có tốc độ dưới 200 km/h (liên vùng và Metro) bao gồm: tư vấn thiết kế, quản lý dự án; thi công hạ tầng; chế tạo đầu máy, toa xe, thiết bị; thiết kế, chế tạo, tích hợp hệ thống thông tin, tín hiệu, điều khiển đoàn tàu; bảo dưỡng sửa chữa. Nội địa hóa các dịch vụ, sản phẩm quan trọng, hoặc có dung lượng thị trường lớn, có chất lượng đáp ứng và giá thành cạnh tranh. Xây dựng một số đơn vị, doanh nghiệp đủ năng lực thực hiện một số hạng mục công việc chính như quản lý dự án, tư vấn thiết kế, thi công hạ tầng, chế tạo, lắp ráp đầu máy, toa xe, chế tạo ray, hệ thống truyền tải điện, chế tạo, tích hợp hệ thống “thông tin, tín hiệu, điều khiển”… Ngoài Tổng Công ty đường sắt Việt Nam nên lựa chọn các doanh nghiệp có sẵn tiềm năng nhằm tránh phải đầu tư mới quá nhiều, dẫn đến giá thành sản phẩm không cạnh tranh. Xây dựng mạng lưới doanh nghiệp chế tạo, cung cấp thiết bị và dịch vụ phụ trợ.

VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)