Sản phẩm máy tính cầm tay cho người khiếm thị.
Khi bắt tay vào việc, khó khăn lớn nhất của nhóm nghiên cứu là phương pháp học chữ nổi và gõ bàn phím cho người khiếm thị đòi hỏi cảm giác, xúc giác, sử dụng các bảng chuyên dụng, cần sự hỗ trợ từ giáo viên. Nhóm nghiên cứu đã kết hợp nhiều kỹ thuật công nghệ như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nên máy tính cầm tay cho người khiếm thị. Chỉ với một thiết bị gọn nhẹ tích hợp các tính năng có thể hỗ trợ người khiếm thị học chữ nổi, tính toán, gõ bàn phím và tương tác bằng giọng nói.
Bản vẽ kỹ thuật các thành phần của sản phẩm.
1) Cần gạt điều khiển; 2) Màn hình; 3) Chuột cảm ứng; 4, 5) Nút bấm chữ Braille; 6) Tăng giảm âm lượng; 7) Tay cầm; 8) Loa.
Bàn phím được thiết kế các phím số và phím dấu dựa vào bàn phím số máy vi tính. Các phím chưa được thiết kế chữ nổi Braille sẽ được phát triển thêm các phép toán về căn thức, lũy thừa, phân số… trong tập hợp số thực. Máy tính cầm tay để soạn thảo văn bản trên máy vi tính, có hai chế độ gõ là Telex và VNI. Máy tính cầm tay sẽ phát âm từng ký tự để người sử dụng biết được chính xác chữ cần gõ. Khi hết một câu máy tính cầm tay sẽ phát âm lại toàn bộ nguyên văn bằng tiếng Việt qua loa, hỗ trợ người mù có thể soạn thảo chính xác.
Bên cạnh đó máy tính cầm tay còn tích hợp trợ lý ảo xử lý ngôn ngữ tự nhiên, người khiếm thị có thể hỏi máy tính cầm tay bằng giọng nói bất cứ câu hỏi nào và nhận được ngay câu trả lời. Với chức năng này, người khiếm thị có thể đọc báo điện tử, tra cứu mọi thông tin trên mạng mà không cần sử dụng thao tác phím
Hiện sản phẩm đã được thử nghiệm tại Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng và được đánh giá tích cực giúp hỗ trợ đắc lực cho người mù học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, hòa nhập cộng đồng. Theo ông Vũ Xuân Trường - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng đánh giá, giải pháp ý tưởng “Máy tính cầm tay cho người khiếm thị” rất thiết thực, để sử dụng cho người mới bắt đầu học chữ nổi, khi đưa vào sử dụng cũng như người sáng mắt, để sử dụng thành thạo cần có thời gian, sử dụng không chỉ riêng trẻ em mà còn cả người khi lớn mới bị mù. Đối với trẻ em mới học bắt buộc trải qua quá trình từ học đến chỉnh sửa lưu mở, trao đổi tài liệu qua email. Đối với người lớn mới bị mù muốn sang học chữ nổi cần có bàn phím để học chữ nổi, khi muốn thao tác trên phương tiện công nghệ hay muốn đánh chữ giải pháp rất có ích, phù hợp cho người mới học chữ nổi ban đầu.
Sản phẩm được thử nghiệm và nhận được đánh giá tích cực tại Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng.
Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích (số đơn 23-2022-00033). Với giá trị ứng dụng thực tiễn, dự án đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi đến 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng nằm trong Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025. Không đặt nặng vấn đề doanh số, nhóm tác giả mong muốn giải pháp được các quỹ đầu tư, các đơn vị từ thiện quan tâm và đầu tư kinh phí sản xuất để những người kém may mắn nhanh chóng được sử dụng sản phẩm.
Phạm Thịnh