Thứ tư, 10/07/2019 18:26

Nafosted: Tiếp tục hướng đến chất lượng nghiên cứu và hiệu quả tài trợ, hỗ trợ

TS Đỗ Tiến Dũng

 

Giám đốc Cơ quan điều hành Nafosted

 

Trong những năm qua, hoạt động của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) đã tạo được những chuyển biến tích cực trong phương thức tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, được cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động của Nafosted cũng còn những hạn chế, thách thức, cần tiếp tục được hoàn thiện để thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà khoa học, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, đầu tư có hiệu quả cho phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN).

Những điểm nhấn trong hoạt động của Nafosted

          Hình thành, mở rộng chương trình tài trợ, hỗ trợ

          Nafosted được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22/10/2003 của Chính phủ. Sau khi đi vào hoạt động (tháng 2/2008), Nafosted đã từng bước triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu, bao gồm tài trợ nghiên cứu cơ bản (NCCB) trong khoa học tự nhiên (KHTN), hợp tác song phương Nafosted-Fwo (Quỹ Khoa học Flanders, Bỉ), tài trợ nghiên cứu đột xuất mới phát sinh, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động KH&CN theo Nghị định số 119/1999/NĐ-CP, tài trợ NCCB trong khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV), bảo lãnh vay vốn, cho vay... Như vậy, Nafosted đã triển khai tương đối đầy đủ các chương trình tài trợ, hỗ trợ, trong đó hoạt động của Nafosted từng bước được mở rộng về lĩnh vực (KHTN và kỹ thuật, KHXH&NV), đối tượng (nhà khoa học, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp), loại hình (nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ), phương thức tài trợ, hỗ trợ (tài trợ nhiệm vụ KH&CN, hỗ trợ hoạt động, hỗ trợ tín dụng: cho vay, bảo lãnh vốn vay).

Trong giai đoạn 2008-2014, Nafosted đã thiết lập được cơ chế quản lý khoa học đảm bảo chất lượng, hội nhập quốc tế. Các cơ chế quản lý khoa học quan trọng tạo nên cơ chế hoạt động của Nafosted được áp dụng như: đánh giá khoa học với việc bắt buộc công bố quốc tế đối với KHTN, khuyến khích đối với KHXH&NV; đánh giá tài trợ thông qua hồ sơ, sử dụng hội đồng khoa học; chuyên gia đánh giá với năng lực và uy tín cao; áp dụng điều kiện tài trợ trong đó năng lực nhóm nghiên cứu phải phù hợp với kết quả đăng ký; tập trung nội dung hỗ trợ hướng đến các hoạt động nghiên cứu trực tiếp. Các cơ chế quản lý tài chính cũng được vận dụng, tạo điều kiện về tài chính cho các nhóm nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, Nafosted còn xây dựng kế hoạch tài chính theo nguyên tắc tập trung kinh phí thực hiện chương trình NCCB và các chương trình Chính phủ giao thực hiện; các chương trình khác được thực hiện với quy mô đáp ứng những nhu cầu cần thiết nhất nhằm tập trung nguồn lực cho các chương trình quan trọng.

     Hoàn thiện, nâng cao chất lượng tài trợ, hỗ trợ

          So với giai đoạn trước, giai đoạn 2015-2018, chức năng nhiệm vụ của Nafosted đã được điều chỉnh, bao gồm tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KH&CN; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia. Các chương trình tài trợ, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bao gồm chương trình tài trợ NCCB, tài trợ nhiệm vụ đột xuất, tiềm năng, tài trợ nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, cho vay và tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu hợp tác song phương, đa phương. Ngoài việc tiếp tục thực hiện các chương trình đã có, Nafosted cũng triển khai một số chương trình tài trợ, hỗ trợ mới, bao gồm hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN quốc gia (nối tiếp tài trợ các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học), Đề án biên tập bộ Lịch sử Việt Nam (2015), hợp tác quốc tế (Nafosted-RCUK - Hội đồng nghiên cứu Anh từ 2016, Nafosted-NHMRC - Hội đồng nghiên cứu y dược và sức khỏe quốc gia Úc từ 2017), nhiệm vụ tiềm năng (2018).

Giai đoạn này, hoạt động của Nafosted hướng tới tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, thống nhất phương thức tổ chức thực hiện giữa lĩnh vực KHTN và kỹ thuật và KHXH&NV. Cụ thể, mục tiêu hoạt động bao gồm tăng cường số lượng công bố quốc tế đề tài NCCB trong KHXH&NV, tăng chỉ số ảnh hưởng của công bố quốc tế đề tài NCCB trong KHTN và kỹ thuật, tài trợ nhóm nghiên cứu mạnh trong NCCB, tăng quy mô hỗ trợ theo chương trình nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, hợp tác quốc tế, số lượng sáng chế từ đề tài do Quỹ tài trợ, kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn.

          Các cơ chế quản lý khoa học tiếp tục được hoàn thiện, áp dụng, như đánh giá khoa học nhiệm vụ hướng ứng dụng dựa trên bằng sáng chế, giải pháp hữu ích; sử dụng chuyên gia đánh giá với tiêu chuẩn hội đồng khoa học được thể chế hóa tại Nghị định 23/2014/NĐ-CP; quy mô tài trợ, hỗ trợ được lập kế hoạch theo trung hạn. Tiêu chí đánh giá, mục tiêu và chỉ số thực hiện các chương trình cũng được hoàn thiện, giúp việc tổ chức thực hiện các chương trình tài trợ, hỗ trợ nhất quán và hiệu quả hơn.

          Từ năm 2014 trở lại đây, Nafosted đã chủ trì tổ chức các hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ môi trường nghiên cứu, bao gồm Giải thưởng Tạ Quang Bửu (Nafosted là cơ quan thường trực của Giải thưởng), Hội nghị Nafosted về khoa học thông tin và máy tính (NICS)...

     Phân bổ kinh phí tài trợ, hỗ trợ

          Theo quy định của Chính phủ, Nafosted được cấp bổ sung vốn hàng năm để tổ chức thực hiện các chương trình tài trợ, hỗ trợ, trong đó Nghị định 122/2003/NĐ-CP quy định vốn bổ sung hàng năm để đảm bảo hoạt động tài trợ, hỗ trợ là 200 tỷ đồng, Nghị định 23/2014/NĐ-CP tăng lên mức 500 tỷ đồng.

          Trong giai đoạn 2008-2015, quy mô tài trợ, hỗ trợ được xây dựng theo kế hoạch hàng năm, tùy thuộc nhu cầu thực tế, chưa có kế hoạch phân bổ kinh phí trung hạn. Các đề tài được xét chọn dựa trên tiêu chí đảm bảo về chất lượng và định hướng nghiên cứu do Nafosted ban hành, chưa có lộ trình phân bổ kinh phí theo chương trình. Về nguồn vốn, ngoài chương trình bảo lãnh vay vốn được thực hiện với nguồn vốn riêng, các chương trình tài trợ, hỗ trợ, cho vay của Nafosted sử dụng nguồn vốn của Nafosted được cấp hàng năm từ ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn này, đầu tư cho NCCB (bao gồm các chương trình hợp tác song phương) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kinh phí tài trợ, hỗ trợ, cho vay của Nafosted (~75%). Tiếp theo là kinh phí tài trợ thực hiện nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ (~20%), hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học và kinh phí cho vay (~5%). Kinh phí phê duyệt hàng năm giai đoạn này có xu thế tăng (2009-2011) và duy trì ở mức trên 250 tỷ đồng (2012-2015).

          Giai đoạn 2016-2020, Nafosted triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ với quy mô kinh phí được dự toán trong trung hạn (5 năm), tuân theo nguyên tắc duy trì các chương trình hiện có và bổ sung các chương trình mới theo chức năng, theo hướng (i) tăng cường chất lượng nghiên cứu, chất lượng công bố khoa học, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao và (ii) điều chỉnh, bổ sung đối với tài trợ nhiệm vụ đột xuất tiềm năng, hỗ trợ nâng cao năng lực, cho vay, phát triển các chương trình triển khai mới (nghiên cứu ứng dụng). Lộ trình về quy mô tài trợ, hỗ trợ theo các chương trình và quy tắc điều chỉnh kinh phí giữa các chương trình, lĩnh vực đã được xây dựng để thực hiện.

Thách thức và định hướng

          Trong thời gian qua, các chính sách, cơ chế được xây dựng và áp dụng trong thực tế hoạt động của Nafosted đã được cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao, tuy nhiên bên cạnh đó còn có những hạn chế, thách thức, cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới:

          Một là, tăng quy mô tài trợ, hỗ trợ, đảm bảo phát triển nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao, tăng số lượng và chất lượng công bố công trình khoa học. Thực tế triển khai hoạt động của Nafosted cho thấy, việc nâng cao chất lượng và mở rộng các chương trình tài trợ, hỗ trợ sau một thời gian (tăng nhanh) sẽ gặp thách thức không nhỏ về nguồn lực KH&CN, bao gồm hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính. Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa các lĩnh vực và loại hình nghiên cứu cũng đặt ra các thách thức khi triển khai, thống nhất các chương trình. Ví dụ còn nhiều khác biệt trong công bố khoa học, hội nhập giữa các lĩnh vực KHTN và kỹ thuật, KHXH&NV, giữa số lượng công bố khoa học (chương trình NCCB) và số lượng bằng sáng chế, giải pháp hữu ích (chương trình nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ). Ngoài ra còn có một số vấn đề, thách thức phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động của Nafosted, bao gồm cân đối giữa các lĩnh vực, chương trình tài trợ, hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả tối ưu, vấn đề đạo đức khoa học (điều kiện cơ sở vật chất, môi trường khoa học, kinh phí thực hiện hạn chế, sức ép kết quả lớn).

          Hai là, triển khai cơ chế quản lý tài chính. Cơ chế hoạt động bao gồm cơ chế quản lý tài chính của Nafosted được đánh giá phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN. Chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN đã chỉ rõ “Mở rộng áp dụng cơ chế tài chính của quỹ phát triển KH&CN” (Nghị quyết 20-NQ/TW 2012), “kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN được cấp thông qua quỹ phát triển KH&CN của Nhà nước hoặc chuyển vào tài khoản tiền gửi của cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN tại Kho bạc Nhà nước” (Luật KH&CN 2013). Để áp dụng được cơ chế tài chính theo mô hình của quỹ còn nhiều thách thức trong việc triển khai cũng như để đồng bộ với các chính sách về quản lý khoa học, quản lý tài chính khác.

          Ba là, đảm bảo tiến độ và chất lượng tài trợ, hỗ trợ. Hiện tại, cùng một thời điểm, có khoảng 1.000-1.200 nhiệm vụ đang được triển khai với nhiều công đoạn trong quản lý khoa học, quản lý tài chính. Với nguồn lực hạn chế, việc tổ chức thực hiện các chương trình tài trợ, hỗ trợ còn chậm so với kế hoạch đặt ra. Các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Nafosted có yêu cầu cao về hàm lượng khoa học và chất lượng thực hiện, hướng tới thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Đi đôi với yêu cầu đối với nhóm nghiên cứu, hoạt động quản lý, điều hành của Nafosted cũng cần hoàn thiện, đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhanh. Đây là thách thức không nhỏ trong điều kiện nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ hiện hành.

Sau hơn 10 năm hoạt động, Nafosted trở thành một kênh tài trợ nghiên cứu thường xuyên, quen thuộc đối với cộng đồng khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ. Hoạt động của Nafosted góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao. Trong thời gian sắp tới, Nafosted sẽ tiếp tục nghiên cứu, định hướng phát triển của đơn vị trong giai đoạn tiếp theo để tiếp tục phát triển các kết quả đã có, đồng thời hướng đến vai trò và tầm cỡ của mô hình quỹ khoa học quốc gia, tác động tích cực và mạnh mẽ hơn đến hoạt động KH&CN của đất nước.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)