Nhiều điểm sáng trong hoạt động KNĐMST tại Thừa Thiên - Huế
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quan tâm và chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn, với mục tiêu thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động KNĐMST của tỉnh; tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới... Để triển khai thực hiện Đề án 844, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành nhiều văn bản: Kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 23/9/2016 về hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2016-2018; Quyết định số 1540/QĐ-UBND ngày 10/7/2017 về Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 18/9/2017 về việc hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2017… Cũng trong thời gian này, UBND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam về triển khai chương trình hỗ trợ đồng hành xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thừa Thiên - Huế...
Những chính sách sớm và thiết thực, bám sát tinh thần của Đề án 844 đã giúp hoạt động hỗ trợ KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa đến nhiều ban, ngành, cũng như các tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh. Đại học Huế, hay các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động hưởng ứng tham gia, phối hợp xây dựng nhiều kế hoạch trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, qua đó giúp hình thành nhiều câu lạc bộ khởi nghiệp trong các trường đại học: Câu lạc bộ khởi nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế, Câu lạc bộ Dynamics - Trường Đại học Kinh tế Huế, Câu lạc bộ sáng tạo trẻ, Câu lạc bộ khởi nghiệp Huế… Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vườm ươm khởi nghiệp tư nhân (Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư Cộng Hưởng), bước đầu tham gia tích cực vào quá trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp cũng được kết nối để đồng hành và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Nhờ sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân, hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh đã tạo được những điểm sáng, giúp cổ vũ, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp ở địa phương. Mới đây nhất phải kể đến là, dự án “Ứng dụng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cho ngành sản xuất giày dép thời trang” (Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại và dịch vụ Xưa) đã đạt giải nhất trong Cuộc thi “KNĐMST tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2018” nhờ ý tưởng táo bạo trong việc đưa nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống vào sản xuất giày dép thời trang. Có thể nói, sản phẩm “Xưa” của dự án vừa mang bản sắc văn hóa truyền thống kết hợp hiện đại, lại có tính ứng dụng cao trong thực tế, được quy chuẩn hóa một cách chuyên nghiệp về mẫu mã, bao bì và chất lượng. Công ty đã đăng ký bảo hộ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, đồng thời đang được Sở Công Thương xem xét cấp “Con dấu nhận diện hàng thủ công mỹ nghệ Huế”.
Tại cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2018, “Phần mềm Leafpic-Pro giúp xác định thiếu/thừa đạm trên cây trồng thông qua smartphone” của nhóm sinh viên Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm Huế đã được Ban tổ chức đánh giá cao. Leafpic-Pro là phần mềm trên smartphone, sử dụng để xác định tình trạng thiếu/thừa đạm của cây trồng (chỉ cần dùng điện thoại chụp ảnh lá cây hoặc bụi cây, phần mềm sẽ tự động phân tích và cho ra kết quả cây đó đang thừa/thiếu bao nhiêu % đạm), đồng thời đưa ra khuyến nghị tối ưu để giúp cây trồng đủ đạm, sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Hiện tại, phần mềm đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho một số loại cây trồng như lúa, mía, ngô, cải, xà lách, rau muống... và đang tiếp tục nghiên cứu để lập dữ liệu cho tất cả các loại cây trồng phổ biến ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, còn có ý tưởng “Sử dụng lâm sản ngoài gỗ ở rừng tự nhiên để sản xuất sản phẩm cao tinh dầu Sao la” của Công ty TNHH sản xuất thương mại Liên Minh Xanh đoạt Giải Ba tại Cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2018. Liên Minh Xanh là tập hợp những thành viên có chung niềm yêu thích trồng cây, bảo vệ rừng, dám dấn thân, lấy lợi ích chung làm tiêu chí hoạt động. Sản phẩm cao tinh dầu Sao la là một trong những sản phẩm nổi bật của Công ty được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tại vùng núi Trường Sơn. Dự án được đánh giá cao nhờ tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người dân, nhà khoa học, nhà đầu tư, khách hàng và nhà nước, cùng hướng tới mục tiêu bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Những nỗ lực trong phát triển hệ sinh thái KNĐMST của Thừa Thiên - Huế còn được ghi nhận tại Techfest vùng Bắc Trung Bộ năm 2018 (Nghệ An), khi hai dự án của Thừa Thiên - Huế đã vinh dự đoạt giải và sẽ cùng tranh tài với các địa phương khác trong Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp tại Techfest 2018 được tổ chức ở thành phố Đà Nẵng vào cuối tháng 11/2018. Đó là dự án “Gia vị bún bò và các sản phẩm khai thác giá trị tài sản trí tuệ thương hiệu bún bò Huế” của Công ty TNHH sản xuất và thương mại YESHUE được Bộ Khoa học và Công nghệ trao Giải Nhất tại sự kiện nhờ tính thực tiễn cao, tiềm năng lớn trong việc giữ gìn ẩm thực đặc sản xứ Huế, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh Huế với người dân, du khách. Với mong muốn đưa sản phẩm bún bò Huế ra khu vực và trên thế giới, YESHUE đã sản xuất gói gia vị được chế biến sẵn theo phương thức truyền thống để khi nấu, món bún bò vẫn đậm đà, mang đậm nét riêng của đặc sản xứ Huế. Cùng chung mong muốn quảng bá hình ảnh của xứ Huế, dự án “Quảng bá du lịch Việt qua các công trình kiến trúc gấp” của kiến trúc sư trẻ Lê Ngọc Tuấn Anh đã giúp lưu giữ những công trình kiến trúc cổ của Thừa Thiên - Huế trên khổ giấy, để có thể giới thiệu một cách trực quan nhất đến du khách thập phương. Các sản phẩm của nhóm khởi nghiệp ngoài chăm chút về thiết kế còn chú trọng đến việc cung cấp thông tin về các công trình bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và các ngoại ngữ khác, để du khách có thể hiểu hơn về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc ở Việt Nam.
Quảng bá du lịch Việt qua các công trình kiến trúc gấp.
Những nội dung cần triển khai trong thời gian tới
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án 844, đến nay hoạt động hỗ trợ KNĐMST trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đã đạt được một số kết quả bước đầu khả quan, tạo cơ sở thuận lợi cho việc hỗ trợ các ý tưởng, dự án KNĐMST phát triển. Để tiếp tục thực hiện thành công các nội dung của Đề án 844, trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên triển khai một số nội dung quan trọng sau:
Một là, xây dựng Cổng thông tin KNĐMST của tỉnh Thừa Thiên - Huế và kết nối với Cổng thông tin KNĐMST quốc gia, Cổng thông tin điện tử của tỉnh nhằm cung cấp thông tin về công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, chính sách, pháp luật, nguồn nhân lực và các hoạt động khác hỗ trợ KNĐMST; tăng cường tuyên truyền, phổ biến Đề án 844, Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 và các cơ chế, chính sách hỗ trợ KNĐMST đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Hai là, xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ hoạt động KNĐMST tỉnh Thừa Thiên - Huế; tiếp tục xây dựng và phát triển các vườn ươm về công nghệ thông tin, vườn ươm KNĐMST trong trường đại học, vườn ươm KNĐMST hỗ trợ phát triển các sản phẩm truyền thống.
Ba là, phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực, dịch vụ cho hệ sinh thái KNĐMST. Cụ thể là triển khai các lớp bồi dưỡng về khởi sự, nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời đào tạo, nâng cao năng lực huấn luyện viên khởi nghiệp cho đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng và cán bộ chuyên trách về KNĐMST trên địa bàn tỉnh. Đó sẽ là nền tảng để tổ chức các hoạt động nhằm khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp cho tầng lớp sinh viên, thanh niên, trau dồi kiến thức về kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp KNĐMST.
Bốn là, tổ chức kết nối và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Xây dựng, kết nối mạng lưới nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp và mạng lưới quỹ đầu tư mạo hiểm cho KNĐMST; thành lập văn phòng đại diện Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam tại Thừa Thiên - Huế…
Năm là, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KNĐMST nhằm hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng được lựa chọn, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.
Như vậy, với sự đồng thuận của các cấp, các ngành, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm xây dựng và vận hành hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh phát triển hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới.