Tây Nguyên là vùng địa chiến lược quan trọng, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển KT-XH ngay từ khi thống nhất đất nước, trong đó chủ trương nhất quán là đầu tư KH&CN phục vụ phát triển Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, ổn định về chính trị, vững chắc về quốc phòng - an ninh. Bởi vậy, ngay sau khi Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011-2015 kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã giao Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tiếp tục tổ chức triển khai Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020: “KH&CN phục vụ phát triển KT-XH Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế”. Đây là một chương trình KH&CN có ý nghĩa to lớn phục vụ phát triển Tây Nguyên trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 (ngày 11/3/2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Trước đây chúng ta đặt vấn đề: ổn định để phát triển, nay đổi lại phát triển bền vững để ổn định an ninh lâu dài”.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN và các tỉnh Tây Nguyên khẩn trương tổ chức triển khai Chương trình ngay từ cuối năm 2016 với 4 mục tiêu cơ bản sau đây:
-
Cung cấp luận cứ khoa học về liên kết vùng, ngành và hội nhập kinh tế quốc tế; xác định lĩnh vực liên kết vùng và hội nhập quốc tế hiệu quả và đặc thù; đề xuất các chính sách, cơ chế, giải pháp.
-
Ứng dụng có hiệu quả và chuyển giao công nghệ tiến tiến thích hợp; lựa chọn nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm vào sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa nông lâm nghiệp, dịch vụ.
-
Cung cấp giải pháp KH&CN nâng cao năng lực quản lý của các tỉnh Tây Nguyên về tài nguyên, môi trường, rủi ro thiên tai và quản lý xã hội theo định hướng phát triển bền vững.
-
Cung cấp các giải pháp phát huy nguồn nội lực KH&CN tại Tây Nguyên.
Bám sát các mục tiêu nêu trên, thông qua các hội đồng tư vấn khoa học, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã xét chọn, tuyển chọn được 32 nhiệm vụ bắt đầu triển khai từ 2016, 2017 và 2018. Trong đó có 13 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên - phòng tránh thiên tai, 11 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực KH&CN và 8 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và an ninh chính trị. Các nhiệm vụ đã đáp ứng khung Chương trình và thể hiện quy mô tổng hợp liên ngành của Chương trình quốc gia với trên 900 cán bộ KH&CN thuộc 14 bộ/ngành tham gia.
Để cung cấp luận cứ khoa học về liên kết vùng, ngành và hội nhập kinh tế quốc tế, trong Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 có các nhiệm vụ về KT-XH, an ninh chính trị. Bên cạnh đó còn có các nhiệm vụ xây dựng mô hình quản lý tài nguyên thiên nhiên liên vùng xuyên biên giới, mô hình quản lý tổng hợp hệ sinh thái núi Nam Trường Sơn và mô hình tổ chức lãnh thổ liên vùng Tây Nguyên - Nam Trung Bộ theo lưu vực sông. Đây là sự kế thừa, cụ thể hóa luận cứ khoa học phát triển bền vững Tây Nguyên trên 5 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường - an ninh - văn hóa.
Các nhiệm vụ khoa học tự nhiên trong Chương trình đã theo hướng tiếp cận quản trị tài nguyên đất nông nghiệp, quản trị tài nguyên nước mặt, nước dưới đất; giải pháp trữ nước hoặc bổ cập nước dưới đất để giải quyết tình trạng hạn hán do biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ khôi phục hệ sinh thái các khu khai thác khoáng sản đã xác định hiện trạng, nguyên nhân của suy thoái, xung đột môi trường và xây dựng mô hình cải tạo. Các nhiệm vụ khoa học này đang hướng tới các giải pháp đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh môi trường Tây Nguyên.
Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình, đã có thể xác định một số kết quả có thể sớm chuyển giao cho thực tiễn, phục vụ định hướng quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH của các tỉnh Tây Nguyên.
Lần đầu tiên những phát hiện mới về hang động núi lửa Tây Nguyên đã được công bố trong và ngoài nước (đề tài TN16/T06). Tại hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện di cốt người tiền sử có giá trị hiếm gặp trong hang động núi lửa Đông Nam Á và thế giới. Ngoài ra, các giá trị địa chất địa mạo, hệ sinh thái hang động đã được nghiên cứu xác lập giá trị di sản hỗn hợp. Các kết quả đã được chuyển giao cho địa phương, phục vụ việc lập hồ sơ di sản công viên địa chất toàn cầu Krông Nô, Đắk Nông.
Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã lựa chọn, nhân rộng các mô hình công nghệ đã thành công từ Chương trình Tây Nguyên 3, như chất giữ ẩm đặc biệt AMS, N-P-K nhả chậm, chế phẩm vi sinh vật CAFÉ HTD01, HOTIEU HTD03, phân bón POLYFA_TN3… phục vụ phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ LED cho nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình tích hợp - tổ hợp công nghệ là hướng giải quyết đồng bộ cho một hệ thống nông nghiệp hiện đại của Tây Nguyên. Các kết quả ban đầu đã chỉ rõ, mô hình này không chỉ góp phần làm tăng năng suất, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái mà còn là giải pháp chính sách liên kết các nhà khoa học - công nghệ - nông dân với thị trường.
Các kết quả nghiên cứu phát triển chăn nuôi heo rừng, bò sữa, bò thịt từ Chương trình Tây Nguyên 3 cũng đã được tích hợp trong nhiệm vụ hoàn thiện quy trình tuyển chọn, nhân giống, xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. Mô hình tích hợp nhân rộng các loài gia súc này đã được triển khai tại các hộ gia đình, các đơn vị bộ đội biên phòng, hợp tác xã nông nghiệp. Vấn đề mang tính chất liên ngành đó là thức ăn chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, voi) ở Tây Nguyên đã được triển khai nghiên cứu. Phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc ở Tây Nguyên đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cần nghiên cứu để phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp Tây Nguyên.
Các giá trị dược liệu và tinh dầu phong phú trong hệ sinh thái Tây Nguyên đã được phát hiện trước đây tiếp tục được nghiên cứu, bảo tồn, phát triển và hoàn thiện công nghệ, tạo sản phẩm thuốc đông dược để chuyển giao cho doanh nghiệp. Trong nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng vùng biên giới Tây Nguyên, không chỉ điều tra hồi cứu mô hình bệch dịch, xây dựng mô hình quân dân y biên giới mà còn xây dựng thành công tiêu chuẩn hóa dược đầu vào sản xuất cao khô chống say nắng định chuẩn và viên nang cao đột quỵ Kardi 10. Kết quả của các nhiệm vụ khoa học này đã được chuyển giao cho Công ty dược Lâm Đồng (Ladophar) và Công ty cổ phần dược - vật tư y tế Đắk Lắk. Đây là một trong những minh chứng cho luận cứ liên kết ngành tại Tây Nguyên. Nghiên cứu, bảo tồn, phát triển tài nguyên dược liệu trong rừng và ngoài rừng nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa dược Tây Nguyên là hướng đi đúng đắn đã được Chính phủ chỉ đạo. Thuốc đông dược Tây Nguyên không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo tồn bản sắc Tây Nguyên, bảo vệ rừng, nước và nâng đỡ cho du lịch sinh thái phát triển.
Ngoài các công nghệ hoàn thiện nhân rộng từ kết quả của Chương trình Tây Nguyên 3, Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 còn triển khai nghiên cứu hoàn thiện, chuyển giao mô hình khai thác sử dụng hợp lý nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở Tây Nguyên; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ khí sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau khi lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ phát triển nông nghiệp sạch tại Đắk Lắk…
Có thể khẳng định, các mô hình áp dụng công nghệ mới và tiên tiến nêu trên đã góp phần giải quyết thực tiễn Tây Nguyên trong các lĩnh vực an ninh năng lượng, an ninh môi trường. Các mô hình ứng dụng giải pháp KH&CN đã và đang tạo ra các liên kết vùng, liên kết ngành, góp phần khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững.
Trong 4 mục tiêu của Chương trình Tây Nguyên 2016-2020, mục tiêu thứ 3 và thứ 4 hướng tới việc cung cấp các giải pháp KH&CN nâng cao năng lực quản lý tài nguyên - môi trường - xã hội và phát huy nguồn nội lực KH&CN tại Tây Nguyên. Kết quả điều tra, nghiên cứu của Chương trình Tây Nguyên 3 cho thấy, nguồn nhân lực, năng lực của đội ngũ trí thức khoa học sau 30 năm đổi mới đã được nâng cao rõ rệt. Song nhiều nhà khoa học có năng lực quản lý đã đến tuổi nghỉ chế độ, phần còn lại chưa được đào tạo quản lý theo định hướng phát triển bền vững. Bởi vậy, trong mỗi nhiệm vụ khoa học của Chương trình cần phải gắn kết đào tạo chuyển giao công nghệ cho địa phương cùng với công bố các kết quả phục vụ đào tạo. Theo thống kê sơ bộ đăng ký trong các đề cương nghiên cứu, Chương trình sẽ hỗ trợ đào tạo cho khoảng 20 tiến sĩ, 60 thạc sĩ và trên 100 kỹ thuật viên; đồng thời công bố hơn 100 công trình khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước, các sách chuyên khảo, kỷ yếu hội thảo. Đây là các sản phẩm có ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của cộng đồng KH&CN, giáo dục và đào tạo, quản lý và doanh nghiệp.
Vậy giải pháp nào có thể nâng cao năng lực tiếp nhận nguồn lực KH&CN và năng lực quản lý tài nguyên môi trường, rủi ro thiên tai và quản lý xã hội theo định hướng phát triển bền vững? Một giải pháp trước mắt mà Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đưa ra là liên kết vùng Tây Nguyên - miền Trung trong đào tạo và quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, xã hội. Chương trình Tây Nguyên 3 đã chuyển giao cơ sở dữ liệu (CSDL) cho một số trường đại học, viện nghiên cứu, Sở KH&CN không chỉ ở Tây Nguyên mà cả miền Trung. Đồng thời, Ban Chủ nhiệm Chương trình cũng đã xét duyệt và giao cho các trường đại học, viện nghiên cứu tại miền Trung chủ trì một số nhiệm vụ khoa học. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học có tính liên vùng, Ban Chủ nhiệm cũng yêu cầu, đề nghị các cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài, ngoài nội dung chuyên môn cần đề xuất các giải pháp, cơ chế phối hợp nguồn nhân lực KH&CN giữa miền Trung và Tây Nguyên. Mô hình này sẽ được đúc kết khi tổng kết Chương trình.
Để Tây Nguyên phát triển bền vững thành vùng kinh tế trọng điểm của đất nước đòi hỏi 3 nguồn lực cơ bản, đó là: tài nguyên thiên nhiên môi trường (trong đó có môi trường thể chế), nguồn lực tài chính và nguồn lực con người (nguồn nhân lực). Trong giai đoạn liên kết vùng - kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, KH&CN đóng vai trò then chốt, liên kết nguồn lực tài nguyên môi trường và nguồn nhân lực để thu hút nguồn lực tài chính phục vụ phát triển bền vững. Bởi vậy, các kết quả nghiên cứu KH&CN (nguồn tài nguyên tri thức) cần được quản trị, truyền thông và chia sẻ hiệu quả, phục vụ quản lý, đào tạo và đầu tư doanh nghiệp.
Mặc dù Atlas điện tử và CSDL tổng hợp Tây Nguyên là bước đột phá trong quản trị sản phẩm khoa học của Chương trình Tây Nguyên 3, song mô hình này mới thiết kế hệ thống từ Ban chỉ đạo Tây Nguyên đến 5 Sở KH&CN Tây Nguyên (đến nay Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã chấm dứt hoạt động). Tuy nhiên, còn rất nhiều sản phẩm khoa học là các báo cáo tổng kết, báo cáo tóm tắt, báo cáo kiến nghị của hơn 60 nhiệm vụ khoa học chưa được số hóa, truyền thông, quản trị hiệu quả. Bởi vậy, Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã quyết định triển khai nhiệm vụ KH&CN “Hoàn thiện và chuyển giao mô hình tích hợp thư viện điện tử và Atlas điện tử Tây Nguyên phục vụ quản trị và truyền thông CSDL KH&CN” (đề tài TN18/C05). Nhiệm vụ khoa học này sẽ thiết kế hệ thống mở rộng cho 2 viện nghiên cứu, 2 trường đại học trên địa bàn Tây Nguyên, 5 Sở KH&CN Tây Nguyên kết nối với Viện Địa lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Nhiệm vụ này sẽ số hóa toàn bộ kết quả nghiên cứu của 2 Chương trình Tây Nguyên truyền tải trên Atlas điện tử Tây Nguyên và các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại. Các tri thức của Tây Nguyên sẽ được hòa chung vào Đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 với mục tiêu xây dựng một hệ tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi người dân học tập suốt đời, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN, thúc đẩy phát triển đất nước. Như vậy, nhiệm vụ khoa học “Hoàn thiện và chuyển giao mô hình tích hợp thư viện điện tử và Atlas điện tử Tây Nguyên phục vụ quản trị và truyền thông CSDL KH&CN” sẽ cung cấp một giải pháp quan trọng phát huy nguồn nội lực KH&CN tại Tây Nguyên. Kết quả của nhiệm vụ sẽ cung cấp nguồn lực khoa học cho các Sở KH&CN, các trường đại học, viện nghiên cứu và cả các nhà khoa học, nhà quản lý trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đáp ứng mục tiêu thứ 4 của Chương trình.
x
x x
Các kết quả bước đầu của Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 là rất đáng khích lệ, song mục tiêu phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Để có kết quả hôm nay, Ban Chủ nhiệm Chương trình đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà khoa học đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, điều tra khảo sát, thực nghiệm ở các tỉnh Tây Nguyên, cũng như những kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm với tinh thần đam mê, nghiêm túc. Bên cạnh đó là sự phối hợp chỉ đạo của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trong suốt quá trình kiến tạo và triển khai Chương trình. Đặc biệt là sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, các sở, ban/ngành, trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đối với các đoàn điều tra, khảo sát của các nhiệm vụ khoa học thuộc Chương trình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.