Một số điểm mới
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin
So với năm 2009, Tổng điều tra năm 2019 đã cải tiến cả về phương pháp và hình thức thu thập thông tin. Nếu như Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 chỉ sử dụng phương pháp điều tra trực tiếp (điều tra viên thống kê phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra và ghi chép thông tin vào phiếu giấy), thì Tổng điều tra năm 2019 áp dụng cả hai phương pháp là điều tra trực tiếp và điều tra gián tiếp (hộ dân cư tự cung cấp thông tin về dân số và nhà ở thông qua phiếu điều tra trực tuyến). Về hình thức thu thập thông tin, Tổng điều tra năm 2019 áp dụng hai hình thức: điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động (còn gọi là CAPI - đây là hình thức chủ yếu, chiếm 99,9%) và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng Internet (còn gọi là Webform), một số ít địa bàn điều tra áp dụng phiếu giấy truyền thống (PAPI).
Nhiều công đoạn khác của Tổng điều tra cũng đã được thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm: lưu trữ và sử dụng sơ đồ nền xã/phường, lập danh sách thôn/tổ dân phố và địa bàn điều tra, lập và cập nhật bảng kê hộ, chọn mẫu hộ, nhắn tin và gửi thư điện tử (email) đến các hộ đăng ký thực hiện Webform, kiểm tra và duyệt số liệu trực tuyến trên Trang thông tin hệ thống điều hành tác nghiệp của Tổng điều tra (Trang web điều hành). Việc cải tiến này giúp giảm tải khối lượng công việc của lực lượng tham gia Tổng điều tra, nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch và chặt chẽ của quy trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian công bố kết quả Tổng điều tra, giảm kinh phí điều tra thống kê trong dài hạn và phù hợp với xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức điều tra của thế giới.
Cải tiến phương pháp chọn mẫu
Tương tự Tổng điều tra năm 2009, bên cạnh điều tra toàn bộ nhằm thu thập thông tin cơ bản về tình hình dân số và nhà ở của dân cư, Tổng điều tra năm 2019 được thiết kế để thu thập các thông tin chuyên sâu về dân số, nhân khẩu học và nhà ở thông qua điều tra mẫu nhằm đảm bảo tính đại diện của các chỉ tiêu đến cấp huyện, đồng thời giảm tải khối lượng công việc và tiết kiệm kinh phí.
Đối với Tổng điều tra năm 2009, cỡ mẫu điều tra là 17,9% địa bàn điều tra và 15% số hộ trên cả nước. Mẫu của Tổng điều tra năm 2009 là loại mẫu chùm, được thiết kế theo phương pháp phân tầng hệ thống một giai đoạn. Tổng điều tra năm 2019 áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng hai giai đoạn với số lượng khoảng 40% tổng số địa bàn mẫu và quy mô mẫu chiếm khoảng 9% số hộ trên cả nước.
Lồng ghép thông tin đáp ứng các chỉ tiêu phát triển bền vững
Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu theo Văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015. Căn cứ Kế hoạch này, ngày 22/01/2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam gồm 158 chỉ tiêu thống kê đáp ứng các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (viết tắt là V-SDGs).
Tổng điều tra năm 2019 được thiết kế, lồng ghép thu thập các thông tin đáp ứng các mục tiêu SDGs và V-SDGs. Theo đó, Tổng điều tra năm 2019 cung cấp thông tin phục vụ tính toán 15% các chỉ tiêu V-SDGs. Ngoài ra, các thông tin về dân số từ Tổng điều tra năm 2019 cũng là cơ sở để tính một số chỉ tiêu V-SDGs khác.
Cải tiến quy trình vẽ sơ đồ nền xã/phường và phân chia địa bàn điều tra
Theo phương pháp luận quốc tế, sơ đồ sử dụng trong Tổng điều tra dân số và nhà ở bao gồm sơ đồ nền xã/phường và sơ đồ chi tiết đến từng ngôi nhà/đơn vị nhà ở (còn gọi là sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra) nhằm đảm bảo không bị trùng hoặc bỏ sót dân số trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn. Các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trước đây đã thực hiện vẽ sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra (sơ đồ đến từng ngôi nhà). Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn kinh phí Tổng điều tra năm 2019 hạn chế, công tác vẽ sơ đồ đã được nghiên cứu và điều chỉnh theo hướng chỉ thực hiện vẽ sơ đồ nền xã/phường nhưng vẫn thể hiện rõ ranh giới giữa các địa bàn điều tra, các vật định hướng và điểm dân cư trong từng địa bàn.
Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu tập trung, sử dụng phân tán
Dữ liệu Tổng điều tra năm 2019 được quản lý tập trung tại Trung ương thông qua hệ thống truyền gửi thông tin và máy chủ lưu trữ dữ liệu. Với cả 3 hình thức thu thập thông tin (CAPI, Webform và phiếu giấy), dữ liệu được hòa chung vào một cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý và hoàn thành cơ sở dữ liệu. Đối với dữ liệu của 3 Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao sẽ được kiểm tra, xác minh về tính đầy đủ và chính xác trước khi hòa chung vào cơ sở dữ liệu chung. Bất cứ một sự thay đổi nào của dữ liệu trong và sau quá trình thu thập thông tin tại địa bàn đều được thực hiện trên máy chủ và lưu trữ phục vụ công tác tra cứu.
Dữ liệu Tổng điều tra năm 2019 được sử dụng theo phân quyền chi tiết đối với từng cấp quản lý và giám sát trong và sau quá trình thu thập thông tin tại địa bàn. Trong đó, sử dụng Trang web điều hành để kiểm tra tiến độ Tổng điều tra, chất lượng phiếu đã thu thập thông tin và lập các báo cáo thống kê sơ bộ phục vụ việc quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp; kiểm tra và xác nhận thông tin đối với các lỗi cảnh báo và hiệu đính số liệu trong trường hợp cần thiết.
Như vậy, hệ thống quản lý dữ liệu tập trung, sử dụng phân tán của Tổng điều tra năm 2019 đã giúp việc quản lý dữ liệu tập trung hơn, tránh nguy cơ mất an toàn dữ liệu, giảm số lượng máy trạm để lưu trữ dữ liệu CAPI và Webform tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, việc quản lý dữ liệu được thực hiện minh bạch, thống nhất từ Trung ương đến địa phương đã tạo thuận lợi cho các cấp quản lý, giám sát để nắm bắt đầy đủ thông tin, diễn biến của cuộc Tổng điều tra, đặc biệt trong giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn.
Kết quả sơ bộ
Quy mô và mật độ dân số
Quy mô dân số: tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 là 96.208.984 người, trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Như vậy, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia, Philippine) và thứ 15 trên thế giới. So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm hai bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với 10 năm trước (giai đoạn 1999-2009 là 1,18%/năm).
Mật độ dân số: Việt Nam là một trong số các quốc gia đông dân và có mật độ dân số cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Philippine (350 người/km2) và Singapore (7.795 người/km2 ).
Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.060 người/km2 và 757 người/km2, trong đó TP Hà Nội có mật độ dân số là 2.398 người/km2, TP Hồ Chí Minh có mật độ dân số là 4.363 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 132 người/km2 và 107 người/km2.
Tỷ số giới tính
Tỷ số giới tính được tính bằng dân số nam trên 100 dân số nữ. Năm 2019, tỷ số giới tính là 99,1 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính của dân số Việt Nam liên tục tăng nhưng luôn ở mức dưới 100 kể từ Tổng điều tra năm 1979 đến nay. Nguyên nhân chủ yếu là do mức độ ảnh hưởng của chiến tranh trong quá khứ dẫn đến chỉ tiêu này giảm mạnh và tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức cao trong nhiều năm nay.
Phân bố dân cư
Khu vực thành thị, nông thôn: năm 2019, Việt Nam có 33.059.735 người cư trú ở khu vực thành thị, chiếm 34,4% tổng dân số; 63.149.249 người cư trú ở khu vực nông thôn, chiếm 65,6%. Sau 10 năm, tỷ lệ dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm. Mặc dù tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam trong những năm qua tăng nhanh, nhưng tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của nước ta năm 2019 vẫn đang ở mức thấp trong khu vực Đông Nam Á, chỉ cao hơn Timo-Leste (31%), Myamar (29%) và Campuchia (23%).
Vùng kinh tế - xã hội: vùng Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 22,5 triệu người (chiếm gần 23,4%), tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 20,2 triệu người (chiếm 21,0%); Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 5,8 triệu người (chiếm 6,1%). Mặc dù có dân số cao thứ ba trong 6 vùng kinh tế - xã hội nhưng Đông Nam Bộ lại là vùng có tỷ lệ tăng dân số bình quân năm cao nhất (2,37%/năm), cao hơn 2 lần so với tỷ lệ tăng dân số chung của cả nước. Tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ tăng dân số bình quân năm là 1,41%/năm. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng không có biến động nhiều về dân số. Sau 10 năm, dân số vùng này chỉ tăng 82.160 người, tương đương với tỷ lệ tăng dân số bình quân năm là 0,05%/năm.
Dân số theo nhóm dân tộc
Tổng số người dân tộc Kinh là 82.085.729 người (chiếm 85,3% dân số cả nước), tổng số người dân tộc khác là 14.123.255 người (chiếm 14,7%). Trong 10 năm qua, tỷ lệ tăng dân số bình quân năm của nhóm dân tộc khác là 1,42%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước và cao hơn nhóm dân tộc Kinh (1,09%/năm). Địa bàn sinh sống chủ yếu của nhóm dân tộc khác là vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nhóm dân tộc khác chiếm tỷ lệ quá bán trong tổng dân số của vùng (56,2%); tỷ lệ nhóm dân tộc khác ở vùng Tây Nguyên là 37,7%.
Giáo dục
Tổng điều tra năm 2019 thu thập các thông tin về tình hình giáo dục hiện nay của Việt Nam. Trong đó bao gồm các câu hỏi về tình hình đi học và trình độ giáo dục, đào tạo của tất cả dân số từ 5 tuổi trở lên phân theo danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17/1/2017.
Theo kết quả sơ bộ của Tổng điều tra năm 2019, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực giáo dục. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng mạnh sau 20 năm (từ năm 1999 đến năm 2019); phổ cập giáo dục tiểu học đã được thực hiện trên cả nước và ở tất cả các vùng miền; tình trạng học sinh trong độ tuổi đi học không đến trường giảm mạnh; khoảng cách về giới trong giáo dục phổ thông gần như được xóa bỏ.
Tổng số hộ dân cư và quy mô hộ
Tổng số hộ dân cư: cả nước có 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với năm 2009. Tỷ lệ tăng số hộ dân cư giai đoạn 2009-2019 là 18,0%, bình quân mỗi năm tăng 1,8%/năm, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999-2009. Đây là giai đoạn có tỷ lệ tăng số hộ dân cư thấp nhất trong vòng 40 năm qua.
Quy mô hộ bình quân: trong tổng số 26.870 nghìn hộ dân cư, bình quân có 3,5 người/hộ, thấp hơn 0,3 người/hộ so với năm 2009. Quy mô hộ bình quân khu vực thành thị là 3,3 người/hộ, thấp hơn khu vực nông thôn 0,3 người/hộ. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số người bình quân một hộ lớn nhất cả nước (3,8 người/hộ); vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có số người bình quân một hộ thấp nhất cả nước (3,3 người/hộ).
Về nhà ở
Tình trạng hộ không có nhà ở: theo quy định của cuộc Tổng điều tra năm 2019, hộ được xác định là có nhà ở nếu hộ ở trong một công trình xây dựng gồm có 3 bộ phận: tường, mái và sàn. Trường hợp nơi ở của hộ là nhà bè trên sông, hồ có đầy đủ 3 bộ phận nêu trên thì được coi là hộ có nhà ở. Với khái niệm này, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019, cả nước có trên 4.800 hộ không có nhà ở. Trung bình cứ 10.000 hộ dân cư thì có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở. Chỉ tiêu này đang dần được cải thiện trong hai thập kỷ qua, từ mức 6,7 hộ/10.000 hộ vào năm 1999 xuống còn 4,7 hộ/10.000 hộ năm 2009 và đến nay là 1,8 hộ/10.000 hộ.
Phân loại nhà ở: kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 chia nhà ở của dân cư thành hai loại: 1) nhà kiên cố và bán kiên cố, 2) nhà thiếu kiên cố và đơn sơ. Đa số các hộ dân cư tại Việt Nam đang sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố (93,1%); tỷ lệ này ở khu vực thành thị cao hơn 7,9 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố cao nhất được ghi nhận là ở vùng Đồng bằng sông Hồng và thấp nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong vòng 20 năm qua, kể từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỷ lệ hộ sống trong nhà ở kiên cố và bán kiên cố đã tăng mạnh từ 63,2% năm 1999, lên 84,2% năm 2009 và đến nay là 93,1%. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy các chính sách phát triển nhà đã được thực hiện tốt và có hiệu quả trong thời gian qua, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân.
Diện tích nhà ở của hộ dân cư: diện tích nhà ở bình quân đầu người là một chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định trong Luật Thống kê, được thu thập nhằm đánh giá về điều kiện và chất lượng cuộc sống của dân cư. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu “đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25 m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26 m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 19 m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6 m2 sàn/người”.
Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5 m2/người. Trong đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn, tương ứng là 24,9 m2/người và 22,7 m2/người; không có sự chênh lệch lớn về diện tích nhà ở bình quân đầu người giữa các vùng kinh tế - xã hội. So với năm 2009, diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng 6,8 m2/người.
*
* *
Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, trải qua 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước; tỷ lệ tăng dân số được kiểm soát. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động đến quá trình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Mục tiêu “quy mô dân số đến năm 2020 không vượt quá 98 triệu người” như đã nêu trong Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 là hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, với kết quả của Tổng điều tra năm 2019, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong tiến trình đô thị hóa để phấn đấu đạt được mục tiêu “tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45% vào năm 2030” theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới.
Trình độ dân trí phần nào đã được cải thiện. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết tăng mạnh, hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỷ lệ trẻ em không được đến trường giảm mạnh.
Trong 10 năm qua, điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố/đơn sơ hoặc nhà ở có diện tích bình quân dưới 6 m2/người. Đây là những đối tượng cần được quan tâm trong các chính sách cải thiện nhà ở dân cư trong thời gian tới.