Thứ bảy, 10/08/2019 16:21

Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2019 tiếp tục tăng hạng

Ngày 24/7/2019 tại New Delhi (Ấn Độ), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu năm 2019 với chủ đề “Tạo nên cuộc sống khỏe mạnh - Tương lai của ĐMST trong lĩnh vực y tế”. Theo đó, Việt Nam đứng ở vị trí 42/129 quốc gia, nền kinh tế được xếp hạng, tăng 3 bậc so với năm 2018 và 17 bậc so với năm 2016. Thứ hạng này đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia, nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia). Đạt được kết quả như vậy, trước hết là có sự chỉ đạo quyết liệt và toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, để đạt top 40 (top của các quốc gia, nền kinh tế có thu nhập vượt trội) là điều hết sức khó khăn, cần có sự nỗ lực nhiều hơn nữa.

Gần nằm trong top của các quốc gia, nền kinh tế có thu nhập vượt trội

Chỉ số ĐMST toàn cầu được thu thập, xử lý và tính toán bởi Đại học Cornell (Hoa Kỳ), Viện INSEAD (Pháp) và WIPO. Đây là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực ĐMST của các quốc gia, nền kinh tế. Phương pháp đánh giá liên tục được hoàn thiện qua các năm, và là hệ quy chiếu toàn diện nhất để đánh giá năng lực ĐMST của các quốc gia, nền kinh tế. Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2019 với 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số vẫn được chia thành 7 trụ cột chính, gồm 5 trụ cột đầu vào (Thể chế vĩ mô; Nguồn nhân lực và nghiên cứu; Cơ sở hạ tầng; Trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của kinh doanh) và 2 trụ cột đầu ra (Sản phẩm tri thức và công nghệ; Sản phẩm sáng tạo).

Báo cáo chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2019 cho thấy, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí (tăng 3 bậc so với năm 2018), lên vị trí 42/129 quốc gia, nền kinh tế được xếp hạng (gần nằm trong top 40 - top của các quốc gia, nền kinh tế có thu nhập vượt trội). Thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia). Đặc biệt, Việt Nam có sự tiến bộ ở nhóm chỉ số đầu vào (tăng 2 bậc so với năm 2018). Một số trụ cột có cải thiện đáng chú ý so với năm 2018 là: 

- Nguồn nhân lực và nghiên cứu đứng thứ 61 (tăng 5 bậc), trong đó chỉ số giáo dục đại học tăng 3 bậc, nghiên cứu và phát triển tăng 14 bậc.

- Trình độ phát triển của thị trường đứng thứ 29 (tăng 4 bậc), trong đó chỉ số tín dụng tăng 4 bậc; chỉ số đầu tư tăng 1 bậc; chỉ số thương mại, cạnh tranh và quy mô thị trường tăng 5 bậc.

- Sản phẩm tri thức và công nghệ đứng thứ 27 (tăng 8 bậc), trong đó chỉ số tác động của tri thức tăng 14 bậc, lan tỏa tri thức tăng 3 bậc.

Tại Hội thảo trực tuyến “Giới thiệu báo cáo chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2019 và kết quả của Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ), WIPO tổ chức ngày 26/7/2019, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng: việc gia tăng thứ hạng thể hiện rất rõ ở các chỉ số liên quan đến đầu vào và đầu ra của ĐMST. Tiểu chỉ số tổng chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp thuộc trụ cột trình độ phát triển của kinh doanh (tăng 5 bậc), trụ cột sản phẩm tri thức và công nghệ (tăng 8 bậc)... đã ghi nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ của các tập đoàn lớn đầu tư cho phát triển KH&CN như: VinGroup, CMC, Trường Hải, Phennika, Dầu khí... và lần thứ hai, 2 trường đại học của Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) lọt top 1.000 đại học thế giới. Đạt được kết quả như trên, trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ban/ngành từ Trung ương đến địa phương. Đây không những là vấn đề về nâng tầm hình ảnh và vị thế quốc gia mà còn là cơ hội tạo thế mạnh trong thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

 

Những vấn đề đặt ra cần quan tâm

Tại Hội thảo, ông Hoàng Minh - Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và ĐMST cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều hoạt động để thực hiện nhiệm vụ tăng hạng chỉ số ĐMST như: phát hành và đăng tải trên trang thông tin điện tử Sổ tay hướng dẫn về bộ chỉ số ĐMST của WIPO và nhóm chỉ số về công nghiệp và ĐMST của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF); trực tiếp tập huấn, hướng dẫn một số cơ quan, địa phương; đôn đốc các bộ, cơ quan triển khai thực hiện nhiệm vụ cải thiện chỉ số được phân công và báo cáo về tình hình cập nhật số liệu cho các tổ chức quốc tế phục vụ việc đánh giá. Qua quá trình theo dõi cho thấy, nhiều bộ, cơ quan còn chưa nắm được sự khác nhau giữa các bộ chỉ số có liên quan tới ĐMST; chỉ tập trung vào nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ[1] mà chưa chú trọng các nhiệm vụ đã được phân công tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ[2].

Từ góc độ chuyên gia, ông Sacha Wunsch Vincent - chuyên gia cao cấp của WIPO cho rằng, khi càng gần top 40 - top của các quốc gia, nền kinh tế có thu nhập vượt trội, việc cải thiện để vươn lên là điều hết sức khó khăn, cần phải có nỗ lực lớn. Khi nhìn vào top 40 nước trong xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu đều có điểm chung là tập trung các cụm KH&CN hàng đầu, như Hoa Kỳ có nhiều nhất (26 cụm), Trung Quốc (18)…, trong khi đó Việt Nam chưa có cụm KH&CN nào. Kết quả của Việt Nam thể hiện qua 7 trụ cột cấu thành, trong đó có 2 trụ cột Việt Nam thể hiện tốt là đầu ra tri thức công nghệ và trình độ phát triển của thị trường. Chính vì vậy, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa để chuyển sang nâng cao về chất thay vì về lượng, như: tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, gia tăng hàm lượng nội địa hóa trong xuất khẩu công nghệ cao cũng như đóng góp vào giá trị gia tăng xuất khẩu công nghệ cao… Ngoài ra cần chú ý cải thiện kết quả ở những trụ cột về cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, trình độ kinh doanh…

Về những khó khăn trong việc nâng hạng chỉ số ĐMST của Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định, muốn tiếp tục thăng hạng chỉ số ĐMST toàn cầu, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta đã bước vào top các “ông lớn”, bởi trong top 50 quốc gia dẫn đầu về chỉ số ĐMST chỉ có 3 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Vì vậy, không chỉ nỗ lực để cải thiện mà giữ nguyên được thứ hạng cũng là công việc không hề đơn giản. Với tư cách là đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về ĐMST do Chính phủ phân công, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương với các hoạt động cụ thể. Trong quá trình triển khai, đề nghị các bộ, cơ quan phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN và các bộ, cơ quan có liên quan, phối hợp và hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp ở cấp địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao.

Để tiếp tục cải thiện năng lực ĐMST quốc gia, thể hiện qua thứ hạng chỉ số ĐMST toàn cầu, các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào và đầu ra của ĐMST, trong đó đặc biệt lưu ý tập trung cải thiện những chỉ số mà Việt Nam đang được xếp vào nhóm yếu, hoặc có xu hướng giảm. Các giải pháp cụ thể là:

Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh cải thiện các chỉ số thuộc trụ cột 1 - Thể chế. Trong trụ cột Thể chế, đặc biệt cần chú ý các chỉ số còn có thứ hạng thấp và chưa có chuyển biến tích cực trong nhiều năm, như chỉ số “Tạo thuận lợi giải quyết phá sản doanh nghiệp”, “Chi phí sa thải nhân công”, “Tạo điều kiện thuận lợi cho khởi sự kinh doanh”, “Cải thiện chất lượng các quy định pháp luật”.

Thứ hai, xây dựng, trọng dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN mạnh nhằm cải thiện nguồn nhân lực cho ĐMST, đặc biệt là cải thiện giáo dục đại học (thuộc trụ cột Nguồn nhân lực và nghiên cứu). Trong đó, cần quan tâm đầu tư, phát triển các trường đại học theo định hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng nghiên cứu và hợp tác quốc tế, cải thiện các chỉ số “Tỷ lệ tuyển sinh đại học”, “Sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ thuật”, “Tỷ lệ sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam”.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông (ICT).

Thứ tư, tiếp tục cải thiện trụ cột Trình độ phát triển của kinh doanh, đặc biệt là lực lượng lao động trong khu vực doanh nghiệp, các ngành thâm dụng tri thức, lao động nữ trình độ cao, đào tạo trong doanh nghiệp, hợp tác giữa khu vực doanh nghiệp và nghiên cứu.

Thứ năm, chú trọng các vấn đề về môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, môi trường sinh thái.



1Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
2Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)