Thứ bảy, 10/11/2018 15:35

Đăk Nông: Hình thành chuỗi giá trị cây gấc nhờ ứng dụng KH&CN

Lê Xuân Quả

 

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đăk Nông đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ gấc lai bền vững tại tỉnh Đăk Nông” (thuộc Chương trình nông thôn miền núi). Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, góp phần thúc đẩy hình thành vùng chuyên canh sản xuất gấc lai hàng hóa chất lượng cao theo tiêu chuẩn hướng GlobalGAP.

Gấc - loài cây có nhiều công dụng quý với thị trường rộng lớn

Gấc (tên khoa học là Momordica cochinchinensis Spreng) là cây dây leo đa niên đơn tính biệt chu (cây đực và cây cái riêng biệt), ưa khí hậu ấm và ẩm. Hoa gấc có màu vàng, quả hình tròn, sắc xanh, khi chín chuyển sang màu đỏ cam. Ở Việt Nam có 3 nhóm giống gấc thường gọi là gấc nếp, gấc tẻ và gấc lai. Gấc lai là giống được lai giữa gấc Việt Nam và Ấn Độ, có năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt cho hàm lượng carotenoid tổng số, beta-caroten, alpha-tocopherol, lycopen cao hơn rất nhiều so với quả gấc nếp hoặc tẻ khi thu hoạch.

Ngoài việc sử dụng trong ẩm thực, gấc còn được sử dụng trong y học nhờ nhiều công dụng quý như: bổ sung vitamin, làm đẹp, tốt cho tim mạch, nâng cao sức đề kháng… Cụ thể: dầu gấc chứa nhiều beta-caroten là tiền tố của vitamin A. Chất này khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A, có lợi đối với mắt; trong lớp màng đỏ bao quanh hạt gấc chứa nhiều vitamin E, chất chống oxy hóa, chống lão hóa tế bào. Các chất này góp phần chống sạm da, khô da, rụng tóc. Không chỉ vậy, hiện nay dầu gấc còn được chiết xuất để chữa các loại mụn trứng cá có nhân... Đối với khả năng phòng chống ung thư, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, chất lycopen trong cà chua có khả năng phòng chống ung thư, chất này ở gấc cao hơn 70 lần so với cà chua. Ngoài ra, trong dầu gấc còn có curcumin có khả năng loại bỏ các gốc tự do gây ung thư trong thức ăn, nước uống hàng ngày, giúp nâng cao sức đề kháng, thể lực... Các nghiên cứu còn cho thấy, dầu gấc có tác dụng tốt với tim mạch, tốt cho hệ tiêu hóa do làm giảm cholesterol, bền thành mạch, chống xơ vữa động mạch. Hạt gấc cũng là một loại thuốc dân gian. Nhân hạt gấc chứa chất dầu màu vàng, các chất dinh dưỡng như chất béo, đạm, chất xơ, phosphate... thường dùng trị quai bị, sưng tấy, lở loét...

Với nhiều tác dụng quý nêu trên, hiện nay nhu cầu về gấc để chế biến thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... phục vụ người tiêu dùng ngày càng cao, đặc biệt đối với các nước phát triển. Thống kê cho thấy, tại Mỹ nhu cầu gấc tươi đông lạnh để chế biến thức ăn, nước uống hàng ngày là khoảng 500-1.000 tấn/năm; tại Ấn Độ (nước đứng đầu về công nghệ chiết xuất tinh dầu) có nhu cầu gấc sấy khô là 300-500 tấn/năm, tương đương trên dưới 10.000 tấn tươi/năm; Nhật Bản (nước tiêu thụ phần lớn lượng dầu gấc Việt Nam) có nhu cầu hơn 4.000 tấn/năm; đặc biệt Thái Lan và thị trường châu Âu có nhu cầu hàng triệu tấn gấc/năm...

“Đánh thức” tiềm năng, lợi thế nhờ ứng dụng KH&CN

Đăk Nông nằm ở phía tây nam của Tây Nguyên, nơi có điều kiện tự nhiên khá thích hợp để trồng gấc phân tán trong dân và phát triển thành vùng chuyên canh theo hướng hàng hóa. Trước đây, người dân cũng đã trồng và phát triển cây gấc lai ở quy mô hộ gia đình, tuy nhiên do còn hạn chế trong kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý nên việc trồng gấc của người dân không thể phát triển mạnh. Đặc biệt là chưa có sự liên kết giữa người trồng và doanh nghiệp nên sản phẩm gấc của người dân trồng ra chủ yếu tự tiêu thụ ở dạng quả tươi, do vậy cây gấc chưa thể trở thành cây trồng mang tính hàng hóa hay cây xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Nhằm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, hình thành chuỗi giá trị cây gấc ở Đăk Nông, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN Đăk Nông (Sở KH&CN Đăk Nông) đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ gấc lai bền vững tại tỉnh Đăk Nông” (thuộc Chương trình nông thôn miền núi) với mục tiêu tiếp nhận giống gấc lai năng suất và chất lượng cao, công nghệ nhân giống, trồng thâm canh để xây dựng thành công cơ sở sản xuất cây giống gấc lai và mô hình sản xuất gấc lai thương phẩm theo hướng hàng hóa tại tỉnh Đăk Nông. Song song đó, dự án đặt mục tiêu đào tạo, tập huấn kỹ thuật nhân giống và canh tác gấc lai cho 10 cán bộ cơ sở và hàng trăm lượt người dân vùng thực hiện dự án.

Để đảm bảo sự thành công của dự án, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN Đăk Nông đã lựa chọn Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (đơn vị đã thực hiện nhiều nghiên cứu về nhân giống và canh tác gấc lai) là cơ quan hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ. Từ sự hợp tác này, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã chuyển giao cho cơ quan chủ trì dự án 2 phương pháp nhân giống gấc lai mới là giâm cành non và ghép cành lên gốc gieo từ hạt trong nhà lưới. Đây là những phương pháp mới dựa trên công nghệ nghệ truyền thống kết hợp với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, giúp tạo cây giống đảm bảo chất lượng và sạch bệnh ở quy mô công nghiệp. Bên cạnh việc chuyển giao giống và kỹ thuật nhân giống, Trường còn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản quả tươi, sơ chế và chế biến sản phẩm gấc lai cho cán bộ kỹ thuật của cơ quan chủ trì và người dân tham gia dự án.

Tập huấn kỹ thuật canh tác gấc lai cho cán bộ kỹ thuật và người dân tham gia dự án.

Từ những công nghệ được chuyển giao, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN Đăk Nông đã xây dựng thành công mô hình sản xuất giống gấc lai trong nhà lưới với công suất 30.000 cây/năm; xây dựng thành công mô hình thâm canh tổng hợp sản xuất gấc lai thương phẩm quy mô hàng hóa theo hướng GlobalGAP (30 ha). Trong mô hình trồng thâm canh, cây gấc lai sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh; sau hơn 3 tháng trồng, cây bắt đầu ra hoa, kết quả. Gấc là loại cây lưu niên, trồng một lần có thể thu hoạch hàng chục năm, do vậy năm đầu năng suất quả chưa ổn định, nhưng theo tính toán sơ bộ, năng suất quả bói năm 2018 dự kiến đạt được trên 10 tấn/ha - đáp ứng mục tiêu đặt ra.

Mô hình trồng thâm canh gấc lai.

Sản phẩm gấc tươi của dự án đã được Hợp tác xã nông lâm nghiệp Nam Hà cam kết thu mua toàn bộ. Khi quy mô trồng gấc trong tỉnh phát triển rộng, Hợp tác xã sẽ mở rộng xưởng, nâng công suất chế biến, đa dạng hóa sản phẩm... đảm bảo bao tiêu hết sản phẩm cho dự án và người dân địa phương tham gia trồng gấc. Với giá thu mua hiện tại là 8.000 đồng/kg, dự kiến lãi trong năm 2018 từ mô hình trồng thâm canh gấc của dự án đạt 500-600 triệu đồng. Các mô hình trong dự án đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân cũng như cơ quan chủ trì dự án. Việc mở rộng mô hình ra các địa phương khác trong tỉnh để phát triển thành vùng sản xuất gấc hàng hóa chất lượng cao là rất khả thi.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc đầu tư sản xuất thâm canh gấc lai quy mô công nghiệp theo hướng GlobalGAP còn góp phần tạo nên một hệ sinh thái đồng ruộng bền vững và thân thiện với môi trường; tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân...

Theo chủ nhiệm dự án Nguyễn Thị Huyền Trang, sau khi dự án kết thúc, nhà lưới sản xuất cây giống được đầu tư bài bản sẽ là tiền đề quan trọng để Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN Đăk Nông có đủ năng lực sản xuất cây giống đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất gấc của người dân trong và ngoài tỉnh. Mô hình từ dự án được nhân rộng sẽ là tiền đề phát triển một sản phẩm chủ lực của địa phương. Thông qua sự hỗ trợ chính sách từ UBND tỉnh… sẽ góp phần đẩy mạnh mô hình trồng gấc hàng hóa theo diện rộng từ 30 ha lên đến 300 ha, hướng tới xuất khẩu ra thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản…

Có thể thấy, sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả khá ấn tượng. Có được điều này là nhờ dự án đã thực hiện tốt mối liên kết 4 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân. Đặc biệt, mối liên kết với doanh nghiệp - Hợp tác xã nông lâm nghiệp Nam Hà được gắn kết rất chặt chẽ đã đảm bảo cho sự tiêu thụ ổn định, hiệu quả của sản phẩm gấc.

Lê Xuân Quả

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)