Đặt vấn đề
Năm 2019 là kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Bộ KH&CN, với tổ chức ban đầu là Ủy ban Khoa học Nhà nước. Chặng đường 60 năm có thể xem là một cái chớp mắt trong toàn bộ lịch sử phát triển hàng ngàn năm của một dân tộc, nhưng là một quãng thời gian rất dài trước tốc độ phát triển vũ bão của nền KH&CN đương đại.
Chúng ta cần nhìn nhận lại những đóng góp của Bộ vào việc hình thành chính sách KH&CN của nước ta, đồng thời rút ra bài học từ những thăng trầm của lịch sử nhằm góp phần làm sáng tỏ chặng đường phát triển KH&CN trong những thời kỳ tiếp sau. Đó là thời kỳ nước ta hội nhập vào dòng chảy sôi động của nhân loại trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bàn về chính sách KH&CN là một chủ đề có thể hiểu rất rộng tùy mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, theo cách thức tổ chức Ủy ban Khoa học Nhà nước trước đây và Bộ KH&CN hiện nay, nó bao gồm không chỉ những nội dung phổ quát về chính sách KH&CN theo quan niệm của UNESCO, mà còn bao gồm cả những mặt hoạt động về tiêu chuẩn hóa, quản lý đo lường, quản lý chất lượng và sở hữu trí tuệ.
Bài viết này chỉ giới hạn những nội dung theo ý nghĩa phổ quát và thông dụng trong quan niệm của UNESCO về chính sách KH&CN.
Nền tảng được kế thừa
Năm 1906, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ký Sắc lệnh thành lập Đại học Đông Dương, mở đầu trang sử của nền khoa học và đại học hiện đại Việt Nam, chấm dứt chế độ nho học kéo dài cả ngàn năm Bắc thuộc. Đó là nền khoa học và đại học tự trị được bắt đầu ở châu Âu kể từ khi thành lập trường “Academia” của Plato vào thế kỷ thứ IV sau Công nguyên.
Trong một phiên họp Chính phủ ngay sau khi giành được chính quyền năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định khai giảng lại Đại học Đông Dương, với danh xưng mới là Trường Đại học Quốc gia Việt Nam, và cũng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 43 ngày 10/10/1945 về thành lập một quỹ cho khoa học và đại học mang tên “Quỹ tự trị cho trường đại học Việt Nam”[1]. Đây có thể xem là một văn bản chính sách cho khoa học và đại học đầu tiên của Nhà nước dân chủ cộng hòa - chính sách phát triển một nền khoa học và đại học tự trị.
Tuy nhiên, bước phát triển mới mẻ này chưa thực sự được bắt đầu thì một năm sau, tháng 12/1946, cả nước đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Một số trường đại học, cao đẳng và nha nghiên cứu (nay gọi là viện) chuyển về chiến khu Việt Bắc để đào tạo và nghiên cứu phục vụ kháng chiến, lẽ tự nhiên, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo này đã trở thành các cơ quan của Chính phủ kháng chiến, không tiếp tục duy trì chế độ tự trị khoa học và đại học nữa. Trong khi đó, một số tổ chức khoa học và đại học ở trong vùng Chính quyền Bảo Đại kiểm soát vẫn tiếp tục hoạt động theo truyền thống khoa học và đại học tự trị của Pháp.
Năm 1954, theo Hiệp định Genève, Việt Nam tạm thời chia thành hai miền, một bộ phận của các tổ chức khoa học và đại học chuyển vào miền Nam, tiếp tục hoạt động theo truyền thống khoa học và đại học tự trị; một bộ phận ở lại miền Bắc cùng các trường đại học và viện nghiên cứu từ chiến khu Việt Bắc trở về và một số trường và viện được thành lập mới ngay sau chiến tranh, hình thành hệ thống khoa học và đại học thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
Năm 1960, Đại hội III của Đảng đã chính thức quyết định đường lối xây dựng CNXH. Đương nhiên, mọi chính sách về khoa học và đại học sẽ được hình thành và phát triển phù hợp với đường lối phát triển kinh tế và xã hội của CNXH.
Bối cảnh của những biến động chính sách
Theo nghiên cứu của chúng tôi, cho đến khi thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước vào năm 1959, lịch sử khoa học và đại học thế giới đã chứng kiến 4 triết lý về thái độ của các nhà nước đối với khoa học và giáo dục[2]. Đó cũng chính là bối cảnh của những diễn biến về chính sách khoa học và giáo dục Việt Nam:
Triết lý 1, Khoa học và giáo dục chỉ là mối quan tâm tư nhân, không phải là mối quan tâm của các nhà nước. Một ngôi trường có tên Academia, thành lập năm 387 đặt tại khu vườn cổ Academ ở thủ đô Athen của Hy Lạp, là trường đại học đầu tiên trên thế giới, là trường đại học tư nhân, do Plato sáng lập để nghiên cứu và đào tạo theo trường phái triết học Plato. Trong giai đoạn sơ thời này, triết học có đối tượng nghiên cứu bao gồm hầu hết đối tượng nghiên cứu của các khoa học ngày nay. Ở phương Đông cũng xuất hiện rất nhiều những trường học như thế, chẳng hạn trường Hạnh Đàn của Khổng Tử ở Trung Quốc, trường tư của các cụ đồ ở Việt Nam.
Triết lý 2, Khoa học và giáo dục trở thành mối quan tâm của các nhà nước, nhưng nhà nước quan tâm với vai trò và vị thế bình đẳng với các thành phần khác trong xã hội. Có lẽ nhà nước đầu tiên quan tâm đến khoa học và giáo dục là nhà nước của Napoleon vào thế kỷ XIX. Napoleon đã đặt nhiệm vụ cho các trường đại học phải nghiên cứu và đào tạo phục vụ quốc phòng[3]. Ở Việt Nam, Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên do nhà nước thành lập vào đầu thế kỷ XI, tồn tại ở vị thế bình đẳng với các trường tư nhân của các cụ đồ đang tồn tại khắp các miền đất nước.
Triết lý 3, Khoa học và giáo dục là mối quan tâm của một chủ thể duy nhất là nhà nước. Đây là đặc điểm hết sức quan trọng của khoa học và giáo dục ở tất cả các nước XHCN: nhà nước giành cho mình đặc quyền duy nhất làm khoa học và giáo dục theo mô hình hệ thống khoa học và giáo dục Xô-viết; mọi hoạt động khoa học và giáo dục tư nhân đều bị nghiêm cấm.
Ở miền Bắc Việt Nam, tuy đến Đại hội III của Đảng năm 1960 mới chính thức quyết định đường lối xây dựng CNXH, nhưng hệ thống khoa học và giáo dục thuộc một chủ thể duy nhất là Nhà nước đã được bắt đầu từ chiến khu Việt Bắc do nhu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đại hội III của Đảng năm 1960 chính thức quyết định đường lối xây dựng CNXH thì hệ thống khoa học và giáo dục thuộc một chủ thể duy nhất là Nhà nước theo mô hình khoa học và giáo dục Xô-viết là lẽ đương nhiên. Nhà nước với vai trò là chủ thể duy nhất làm khoa học và giáo dục dần chấm dứt sau Đại hội VI của Đảng năm 1986 với quyết định cải cách nền kinh tế theo hướng đa thành phần.
Triết lý 4, Khoa học và giáo dục phát triển theo hướng tự chủ (nguyên gốc tiếng Anh là autonomy, có nghĩa là tự trị), Nhà nước chỉ làm chức năng quản lý bằng các chính sách vĩ mô. Đây là mô hình hệ thống khoa học và giáo dục ở hầu khắp các nước có nền khoa học và giáo dục phát triển trong thế giới đương đại. Phát triển khoa học và đại học là công việc của mọi thành phần kinh tế và xã hội, nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý bằng các chính sách điều tiết vĩ mô. Đây là tình hình hệ thống khoa học và giáo dục Việt Nam từ khi bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế và xã hội theo đường lối Đại hội VI của Đảng năm 1986. Cuối thập niên 1980, một số trường học tư nhân xuất hiện; đầu thập niên 1990, hàng loạt tổ chức nghiên cứu và dịch vụ KH&CN cũng được thành lập và hoạt động cho đến ngày nay. Vai trò nhà nước với tư cách là chủ thể duy nhất làm khoa học và giáo dục chấm dứt, quyền tự chủ của khoa học và giáo dục bắt đầu được xác lập, tuy có những bước đi thăng trầm, nhưng đang là xu thế mang tính tất yếu, khách quan.
Theo những diễn biến của lịch sử, chính sách KH&CN Việt Nam cũng trải qua những biến động xoay quanh các triết lý nêu trên.
Xây dựng các văn kiện về chính sách KH&CN
Trong số các Đảng cộng sản và công nhân ở các nước XHCN, có lẽ Đảng ta là một trong những đảng có sự quan tâm thường xuyên đến việc công bố các văn kiện chính sách KH&CN. Bộ KH&CN và các tổ chức tiền thân của Bộ luôn là cơ quan chuẩn bị các dự thảo văn kiện về chính sách KH&CN của Đảng.
Lần đầu tiên, vào năm 1975, trước ngày thống nhất đất nước, ông Trần Quỳnh - Bí thư Đảng đoàn (nay là Ban cán sự Đảng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, tức Bộ KH&CN ngày nay, đã tự tay soạn thảo một văn kiện về chính sách khoa học và kỹ thuật (KH&KT), gọi tên là “17 quan điểm về phát triển KH&KT” để thảo luận trong một nhóm cán bộ lãnh đạo cấp cục-vụ-viện của Ủy ban. Bản dự thảo của ông Trần Quỳnh đã đề xuất những luận điểm rất ấn tượng thời đó về phát triển KH&KT Việt Nam sau chiến tranh, trong đó có luận điểm cho rằng, trong giai đoạn đầu phát triển cần “nhập kỹ thuật là chính”[4]. Văn kiện đã được trình lên các cấp lãnh đạo của Đảng, nhưng chưa được phê chuẩn là một văn kiện chính thức về chính sách KH&KT của Đảng, vì quan niệm hồi đó cho rằng chưa đủ điều kiện chín muồi.
Viện sỹ Trần Đại Nghĩa và Giáo sư Tạ Quang Bửu là những vị lãnh đạo đầu tiên rất quan tâm đến những vấn đề lý luận của quản lý KH&CN. Giáo sư Tạ Quang Bửu là người đầu tiên viết các bài về Phân loại khoa học trên tạp chí của Bộ từ thập niên 1960, và là người đã dành rất nhiều mối quan tâm xây dựng thuật ngữ về quản lý khoa học. Những khái niệm như Vật mẫu (Prototype), Xưởng mẫu (Pilot Workshop), Nghiên cứu và Triển khai (R&D) chính là những thuật ngữ do Tạ Quang Bửu chuyển ngữ sang tiếng Việt. Tháng 12/1975, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã có bài thuyết trình 3 ngày tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về các học thuyết quản lý của phương Tây. Bài giảng đã gây chấn động dư luận thời đó. Sau đó, chính ông đã quyết định thành lập một tổ nghiên cứu chính sách và quản lý KH&KT đặt tại Vụ Kế hoạch tổng hợp. Đến 15/9/1978, tổ nghiên cứu được tách thành một đơn vị nghiên cứu trực thuộc Lãnh đạo Ủy ban, chính thức hình thành một cơ quan nghiên cứu đầu tiên của Bộ KH&CN, nơi đã có những đóng góp thiết thực vào sự chuyển đổi các mốc triết lý về quản lý KH&CN – Viện Nghiên cứu Quản lý Khoa học, một trong những tổ chức tiền thân của Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN sau này.
Khi ông Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, được nhận nhiệm vụ Phó Thủ tướng phụ trách khoa học và giáo dục, thì một đoàn chuyên gia Liên Xô được mời đến Việt Nam vào đầu thập niên 1980 để góp phần hoàn thiện hệ thống quản lý KH&KT (theo mô hình Xô-viết). Đoàn chuyên gia Liên Xô đề xuất 2 việc: (1) Thực hiện các nhiệm vụ KH&KT trong khuôn khổ các chương trình tiến bộ KH&KT; (2) Công bố một văn kiện của Đảng về chính sách KH&KT. Hai trong số các chuyên gia Liên Xô (Zaisev và Garev) được ông Võ Nguyên Giáp yêu cầu chuẩn bị một dự thảo văn kiện của Đảng về chính sách KH&KT. Bản dự thảo đã được thảo luận rộng rãi và cuối cùng được công bố dưới dạng Nghị quyết 37/NQ-TW của Bộ Chính trị năm 1981 về chính sách KH&KT, một văn kiện chính thức, mang tính hệ thống về chính sách phát triển KH&KT của nước ta thời đó. Nghị quyết 37 chỉ rõ con đường phát triển KH&CN theo Triết lý 3, trong đó Nhà nước giữ vai trò một chủ thể duy nhất tiến hành các hoạt động KH&KT.
Mười năm sau, năm 1991, ông Võ Nguyên Giáp lại đề xuất việc ra một nghị quyết mới của Đảng về chính sách KH&CN (từ đây, thuật ngữ “KH&CN” được chính thức sử dụng trong các văn kiện thay thế thuật ngữ “KH&KT”). Kết quả của quá trình chuẩn bị đã được trình để Bộ Chính trị ra Nghị quyết 26/NQ-TW ngày 30/3/1991.
Nghị quyết 26 ra đời sau Đại hội VI của Đảng với quyết định đổi mới hệ thống kinh tế theo hướng một nền kinh tế đa thành phần. Nghị quyết 26 có một tư tưởng cải cách hệ thống KH&CN được chính thức ghi vào văn kiện, một tư tưởng rất tiến bộ, là “Nhất thể hóa khoa học với đại học” và “Nhất thể hóa khoa học với sản xuất” theo mô hình các nước có nền khoa học phát triển, không tổ chức tách rời khoa học với đại học và sản xuất theo mô hình Xô-viết nữa. Sau khi công bố Nghị quyết 26/NQ-TW, ông Nguyễn Khánh, nhận nhiệm vụ Phó Thủ tướng phụ trách khoa học và giáo dục, đã chủ trì nhiều cuộc thảo luận về cải cách hệ thống khoa học và đại học, theo tư tưởng của Nghị quyết 26. Nhưng rất tiếc trong chỉ đạo cụ thể đã gặp rất nhiều khó khăn đến mức không thể thực hiện chủ trương nhất thể hóa vì chưa thể thoát khỏi “truyền thống” tách rời khoa học với đào tạo và sản xuất.
Ngày 24/12/1996, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII ra Nghị quyết số 02 về “Định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”. Tiếp nhận tư tưởng cải cách kinh tế theo hướng thị trường của Đại hội VI năm 1986, Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) đã đề cập đến việc hình thành “thị trường KH&CN”, nhưng trên bình diện tổng thể vẫn thể hiện tinh thần của Triết lý 3, với nhà nước là chủ thể duy nhất làm KH&CN trong khuôn khổ các chương trình, đề tài thực hiện nhiệm vụ KH&CN của cơ quan nhà nước các cấp, và do vậy, chủ trương mở “thị trường KH&CN” trên thực tế chỉ mới nhằm “thị trường hóa” các sản phẩm KH&CN của các viện nhà nước.
Từ ngày 4/7 đến ngày 15/7/2002, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX) đã tiến hành Hội nghị lần thứ sáu để kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (Khoá VIII) về KH&CN, giáo dục và đào tạo và thảo luận phương hướng phát triển KH&CN đến năm 2010. Với mục đích kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, văn kiện vẫn mang tư tưởng chỉ đạo của Triết lý 3, trong đó, nhà nước giữ vai trò là chủ thể duy nhất làm KH&CN trong khuôn khổ các chương trình, đề tài thực hiện nhiệm vụ KH&CN của cơ quan nhà nước các cấp.
Ngày 01/11/2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết lần này chỉ rõ việc khuyến khích các thành phần kinh tế trong hoạt động KH&CN, nhưng được thể hiện trên tinh thần khuyến khích các thành phần kinh tế thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của nhà nước. Điều này có nghĩa là nhà nước vẫn giữ vai trò là chủ thể duy nhất làm KH&CN theo Triết lý 3.
Những mốc diễn tiến triết lý
Ngay sau khi thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước (1959), Đại hội III của Đảng (1960) đã quyết định phát triển kinh tế theo mô hình kế hoạch hóa tập trung của các nước XHCN. Trong bối cảnh đó, mọi hoạt động từ nghiên cứu đến áp dụng đều đặt trong khuôn khổ kế hoạch nhà nước.
Cuối thập niên 1970, do nhu cầu thực tế, Việt Nam đã có những hoạt động cải cách quản lý rất sôi động theo hướng mà hồi đó gọi là “phá rào” nhằm thực hiện một công việc được gọi là “tháo gỡ” các khó khăn của hệ thống quản lý cũ, mở rộng quyền tự chủ trong quản lý kinh tế ở cơ sở. Các hoạt động này đã thúc đẩy nhu cầu cải cách trong quản lý KH&CN. Đó là bối cảnh ra đời Quyết định 175/CP ngày 29/4/1981 về việc cho phép các viện nghiên cứu và trường đại học được ký kết hợp đồng nhằm áp dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Về mặt triết lý, chúng tôi gọi tên bước cải cách này là “Phi tập trung hóa”, mở ra quan hệ ngang giữa các trường, viện và doanh nghiệp trong hoạt động KH&CN. Bước cải cách này rất quan trọng, vì trước đó, tổ chức khoa học và giáo dục được xếp chung với các cơ quan gọi là “hành chính - sự nghiệp”, là loại tổ chức không được phép ký kết các hợp đồng kinh tế theo quy định của Nghị định 54/CP năm 1975.
Trong hai năm liên tiếp sau đó, bên cạnh những cải cách nhằm phi tập trung hóa hoạt động KH&CN, Nhà nước cũng vẫn tiếp tục củng cố các biện pháp chỉ huy hoạt động KH&CN trong khuôn khổ Triết lý 3. Đó là Nghị định 263/CP năm 1981 về hệ thống kế hoạch hóa KH&CN và Nghị định 122/HĐBT năm 1982 về quản lý các chương trình KH&CN của Nhà nước. Đây là những văn kiện được chuẩn bị rất công phu, với những dấu ấn rất mạnh mẽ, mà ảnh hưởng của các nghị định này vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay.
Năm 1983 có một quyết định về công tác KH&CN, trong đó có điều khoản về thương phẩm hóa kết quả R&D. Đó là Quyết định 51/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cho phép các viện nghiên cứu và các trường đại học được lập các xí nghiệp nhỏ (spin-off) để sản xuất các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu mà xã hội có nhu cầu, nhưng Nhà nước chưa thể đầu tư sản xuất trên quy mô công nghiệp. Chúng tôi gọi tên bước cải cách này là “Đa dạng hóa” hoạt động KH&CN trong các trường và viện: ngoài hoạt động nghiên cứu còn được sản xuất các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ các spin-off.
Năm 1987, Chính phủ tiếp tục công cuộc cải cách quản lý KH&CN với Quyết định 134/HĐBT, trong đó có hai biện pháp: (1) “Thị trường hóa” hoạt động KH&CN với việc có quyền được thỏa thuận giá cả trong các hợp đồng nghiên cứu và áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, chứ không định giá theo nguyên tắc “thực thanh, thực chi nữa”, đồng thời, (2) Cho phép các nhà nghiên cứu tham gia các hợp đồng KH&CN trên danh nghĩa tập thể tự nguyện, không nhất thiết chỉ bó hẹp trong khuôn khổ biên giới hành chính của các tổ chức KH&CN. Chúng tôi xem đây là một bước “Phi hành chính hóa” các hoạt động KH&CN.
Cũng trong năm này, Ban soạn thảo Luật Đầu tư nước ngoài được thành lập, một đoàn chuyên gia của Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) được mời đến Việt Nam tham gia công việc soạn thảo. Đoàn chuyên gia đã đề xuất hai dự thảo: Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Chuyển giao công nghệ. Ban soạn thảo đã yêu cầu Ủy ban KH&KT Nhà nước tham gia soạn thảo Luật Chuyển giao công nghệ. Dự thảo ban đầu do ông Ganessan đề xuất, sau đó Ganessan rời Việt Nam và ông Paul Strunk thay thế cùng làm việc với nhóm chuyên viên của Ủy ban KH&KT Nhà nước. Bà Ngô Bá Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, và ông Nguyễn Đình Lộc cũng tham gia nhóm này. Đến năm 1988, đạo luật về chuyển giao công nghệ được Hội đồng Nhà nước công bố dưới dạng “Pháp lệnh Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam”. Bản Pháp lệnh đã quán triệt một tư tưởng rất mới của Đại hội VI, được thể hiện thông qua một điều khoản cho phép các doanh nghiệp và tư nhân đều được tham gia các hợp đồng chuyển giao công nghệ. Tư tưởng này đã đi trước Luật Đầu tư nước ngoài. Đây có thể nói là một bước “Tư nhân hóa” hoạt động KH&CN. Mãi hai năm sau, Luật Đầu tư nước ngoài mới bổ sung một điều khoản tương tự.
Tư tưởng kiến tạo nền kinh tế đa thành phần của Đại hội VI đã thúc đẩy việc hình thành nền KH&CN đa thành phần. Đó là bối cảnh ra đời Nghị định 35/HĐBT ngày 28/01/1992 về một nền KH&CN thuộc mọi thành phần kinh tế và xã hội. Vì đây là một luận điểm quá mới thời đó, nên Nghị định này gặp khó khăn trong việc ra các thông tư liên bộ về các biện pháp thực hiện, nhất là về quản lý tài chính và nhân lực. Mặc dù vậy, Nghị định này đã được hưởng ứng rất sôi động trong toàn xã hội. Chỉ chưa đầy một năm sau khi thực hiện Nghị định, đã xuất hiện trên 500 đơn vị nghiên cứu và dịch vụ KH&CN đăng ký hoạt động; đến năm 2015 đã có tới 3.007, trong đó có 1.410 tổ chức công lập và 1.597 tổ chức ngoài công lập, với tư cách là những spin-off của các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức tư nhân trong khuôn khổ Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam[5]. Xét về mặt triết lý, Nghị định này là mốc đánh dấu sự chuyển bước từ Triết lý 3 sang Triết lý 4 trong bối cảnh chuyển sang nền kinh tế đa thành phần. Chúng ta có thể gọi tên bước cải cách này là “Phi nhà nước hóa” hoạt động KH&CN. Với Nghị định này, hàng loạt spin-off đã hình thành và hoạt động có hiệu quả, nhiều spin-off đã phát triển thành các start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) và trở thành các doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường, như Sơn Kova (phát triển từ một spin-off của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh), Trung tâm Kỹ thuật nhiệt (spin-off của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), FPT (spin-off của Viện Khoa học Việt Nam).
Năm 2005, một nghị định rất có ý nghĩa về cải cách KH&CN được ban hành. Đó là Nghị định số 115/2005/NĐ-CP về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập. Nghị định này xác quyết quyền tự chủ quyết định nhiệm vụ nghiên cứu, tổ chức, nhân lực và tài chính. Xét về mặt triết lý, có thể xem đây là một tuyên ngôn về “Tự trị hóa” hoạt động KH&CN. Mặc dù quyền tự chủ chưa được đảm bảo bằng những biện pháp phù hợp, nhưng tư tưởng tự chủ khoa học đã được khẳng định trong các biện pháp cải cách khoa học và đại học.
Trong khi việc thực hiện Nghị định 115 gặp nhiều khó khăn trong các biện pháp về tài chính, tổ chức, nhân sự, thì Chính phủ ban hành một nghị định chung về tự chủ cho các tổ chức sự nghiệp công lập. Đó là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 dựa trên nguyên tắc tự chủ tài chính. Dựa trên tinh thần nghị định này, Chính phủ ban hành Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 về tự chủ cho các viện nghiên cứu công lập. Triết lý của nghị định này là: “Viện càng tự đảm bảo tài chính bao nhiêu, Nhà nước càng cho Viện nhiều quyền tự chủ bấy nhiêu”. Nghị định này dẫn đến những phản ứng khác nhau. Cuối tháng 9/2016, Tạp chí Tia Sáng có một tọa đàm giữa một số viện trưởng. Kết quả tọa đàm cho thấy: một số viện công nghệ gắn liền với sản xuất có nhiều cơ hội tăng nguồn thu để được quyền tự chủ cao; các viện khoa học xã hội, nghiên cứu văn hóa và các viện khoa học cơ bản gặp khó khăn vì không tạo được nguồn thu, chỉ dựa vào nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước. Vì vậy quyền tự chủ bị hạn chế.
Năm 2013, Quốc hội công bố Luật KH&CN, là một mốc quan trọng đánh dấu các diễn biến về tư tưởng phát triển hệ thống KH&CN Việt Nam. Nghiên cứu kỹ các điều khoản của Luật KH&CN (2013), người đọc dễ dàng nhận ra, Luật KH&CN (2013) đã thêm một lần khẳng định, Nhà nước là chủ thể duy nhất thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; các cá nhân và tổ chức tư nhân được thể hiện trong Luật với vai trò là những đối tượng được tham gia vào các nhiệm vụ KH&CN của Nhà nước. Xét về mặt triết lý, Luật KH&CN (2013) đã khẳng định hệ thống KH&CN nước ta về cơ bản thuộc Triết lý 3. Tuy Luật đi theo quan điểm chủ đạo là Triết lý 3, nhưng trong Luật không có điều khoản nào hạn chế các hoạt động KH&CN tư nhân, và nhất là, không có điều khoản nào hạn chế hoàn thiện hệ thống quản lý KH&CN theo các mốc cải cách từng diễn ra trong lịch sử KH&CN nước nhà, cho nên, xét về mặt triết lý, có thể xem Luật thuộc Triết lý 3 và để ngỏ con đường sang Triết lý 4.
Nhìn trên tổng thể, quá trình diễn biến chính sách KH&CN nước ta từ 1981 đến 2005 là từng bước chuyển dịch từ Triết lý 3 sang Triết lý 4. Đến 2013 thì Luật KH&CN (2013) đã tái xác quyết Triết lý 3 trong sự phát triển KH&CN Việt Nam.
Trên lộ trình cải cách, mặc dù vẫn duy trì Triết lý 3, nhưng các nội dung cải cách “phi tập trung hóa”, “đa dạng hóa”, “thị trường hóa”, “phi hành chính hóa”, “phi nhà nước hóa” và “tự trị hóa” vẫn được thể hiện một cách liên tục trong hệ thống chính sách và quản lý KH&CN của nước ta.
Tái cơ cấu mạng lưới tổ chức KH&CN
Ngay từ cuối thập niên 1970, vấn đề tái cơ cấu mạng lưới tổ chức KH&CN đã luôn được đặt ra dưới cách gọi là “sắp xếp lại các viện”.
Trước hết, có một số quan điểm chỉ đạo khác nhau về “sắp xếp lại các viện” tùy từng giai đoạn lịch sử:
1) Từ thập niên 1970-1980, việc “sắp xếp lại các viện” nhằm một mục đích gọi là “giảm đầu mối”. Công việc sắp xếp các viện trên quan niệm “giảm đầu mối” được thực hiện liên tục từ cuối thập niên 1970. Với quan niệm xếp các viện vào chung một loại với “cơ quan hành chính - sự nghiệp” thì việc xếp các viện để giảm đầu mối như đối với các tổ chức hành chính là lẽ tự nhiên. Quan niệm này còn kéo dài cho đến mãi về sau này.
Đến 26/8/1988 thì chính thức có Chỉ thị 199/CT của Hội đồng Bộ trưởng về sắp xếp các viện theo hướng giảm đầu mối, tương tự như giảm đầu mối các tổ chức hành chính trong các bộ. Tuy nhiên, việc giảm đầu mối đã không thành công, do nhu cầu nghiên cứu và một số lý do khác, số lượng các viện cứ ngày càng nhiều lên. Mặc dù vậy, Chỉ thị 199/CT có một giải pháp rất mới là sắp xếp viện nhằm gắn với đào tạo và sản xuất, như một tư tưởng chủ đạo của Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị mà chúng tôi sẽ nêu ngay trong phần tiếp sau.
2) Từ thập niên 1990-2000, việc “sắp xếp các viện” nhằm gắn khoa học với đào tạo và sản xuất. Đây là tư tưởng “nhất thể hóa khoa học với đào tạo” và “nhất thể hóa khoa học với sản xuất” của Nghị quyết 26/NQ-TW năm 1991 của Bộ Chính trị về KH&CN. Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, người kế nhiệm ông Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ đạo việc sắp xếp theo hướng này. Tư tưởng chỉ đạo lúc đó là, các viện khoa học cơ bản thì đưa về các trường đại học; các viện “chuyên ngành hẹp” thì ghép với doanh nghiệp. Sau một số năm vận động, tư tưởng “nhất thể hóa” theo hướng này đã không thực hiện được trọn vẹn. Về cơ bản, mô hình tổ chức tách rời khoa học với đại học và sản xuất theo kiểu Xô-viết vẫn tồn tại. Tuy nhiên, hàng loạt viện trong trường và viện trong doanh nghiệp đã xuất hiện, manh nha một hệ thống các tổ chức KH&CN ngày càng phù hợp với hệ thống kinh tế thị trường tại các nước có nền KH&CN phát triển.
Sự phát triển sôi động của các spin-off thuộc các viện nghiên cứu và các trường đại học chưa được bao lâu thì chỉ 9 tháng sau, ngày 18/10/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị 08/CT về tổ chức lại các đơn vị sản xuất của các “cơ quan, đoàn thể”. Chỉ thị này ra đời nhằm chấn chỉnh sự xuất hiện “nhộn nhịp” các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong các cơ quan sự nghiệp và các đoàn thể chính trị xã hội nhằm mục đích cải thiện đời sống. Một đặc điểm của thời kỳ này là, các viện vẫn được gắn chung trong khối các cơ quan gọi là “hành chính - sự nghiệp”, và do vậy, người ta chưa quen với quan niệm spin-off là một hình thức tổ chức trong cấu trúc hiện đại của các viện và các trường, mà đồng nhất với các tổ chức sản xuất để cải thiện đời sống của các “cơ quan, đoàn thể”, trong đó đã hiểu đồng nhất các viện và các trường như các tổ chức hành chính và các đoàn thể chính trị xã hội. Cho đến ngày 27/3/1998, theo đề xuất của Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Nguyễn Đình Tứ, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg tạo thêm cơ sở pháp lý cho sự tồn tại các spin-off, như bộ phận cấu thành của các tổ chức nghiên cứu và các trường đại học. Tuy nhiên, xu thế giải thể các spin-off vẫn tiếp tục phát triển, các trường và các viện đã giải thể hầu hết các spin-off, trở lại mô hình của hệ thống khoa học và đại học Xô-viết.
Tuy nhiên, có một sự kiện không thể không nhắc đến, là giải pháp “nhất thể hóa khoa học với đại học” và “nhất thể hóa khoa học với sản xuất” đã tự mình được vận hành do nhu cầu của đời sống thực tế: một loạt viện nghiên cứu của ngành y đã xuất hiện từ cuối thập niên 1980 gắn nghiên cứu với điều trị, hàng loạt viện xuất hiện trong doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với sản xuất, một số viện trong đại học cũng xuất hiện, và gần đây là sự xuất hiện cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trong các viện hàn lâm.
Năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2006/NĐ-CP về thành lập các doanh nghiệp KH&CN, tuy còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng trên thực tế, đang góp phần làm tái sinh quá trình nhất thể hóa khoa học với sản xuất được đặt ra trong Nghị quyết 26 từ đầu thập niên 1990.
3) Từ thập niên 2010 đến nay, sau khi công bố Luật KH&CN (2013), việc “sắp xếp lại các viện” lại hướng theo quan điểm “quy hoạch các viện” theo quy định của Luật KH&CN (2013). Tương tự, Luật Giáo dục đại học (2018) cũng có điều khoản về quy hoạch các trường đại học. Một số chuyên gia đang cố gắng xây dựng một phương án quy hoạch các viện và các trường. Tuy nhiên, họ đều đang gặp những khó khăn do không thể tiên liệu chính xác trong quy hoạch sự xuất hiện liên tục các lĩnh vực KH&CN mới mẻ, khó dự báo chuẩn xác để lên phương án quy hoạch các viện và các trường.
Những vấn đề trên đường phát triển
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xu thế toàn cầu hóa đang tác động mạnh đến tất cả các quốc gia thuộc mọi hệ thống kinh tế - xã hội khác nhau. Việt Nam không phải là một ngoại lệ.
Trong quá trình cải cách kinh tế từ hệ thống kinh tế nhà nước chỉ huy sang hệ thống kinh tế thị trường, hệ thống KH&CN Việt Nam tất yếu phải trải qua quá trình chuyển đổi từ Triết lý 3 sang Triết lý 4.
Trong xu thế hội nhập, hệ thống KH&CN Việt Nam đang hội nhập vào dòng chảy của hệ thống “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới” (Science, Technology and Innovation) của thế giới[6]. Xét trên tiếp cận hệ thống, thì “Đổi mới” là mục tiêu, còn “KH&CN” là phương tiện để đổi mới. Từ tiếp cận chính sách, thì hệ thống quản lý cần quan tâm cả “Hệ thống KH&CN” và cả “Hệ thống Khoa học, Công nghệ và Đổi mới”. Hai khái niệm này không phủ định lẫn nhau.
Dù muốn hay không muốn, Việt Nam đang được cuốn hút vào không khí sôi động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng này đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội: từ chiếc điện thoại thông minh, những trang trại ở miền quê, đến hệ thống giao thông trong các thành phố, và đến cả những tập đoàn sản xuất khổng lồ mang tầm vóc quốc tế.
Chính vì vậy, nó đòi hỏi sự nhạy bén của chính sách trong mọi ngành hoạt động. Tuy nhiên, hơn ở đâu hết, chính sách KH&CN cần đảm bảo để hoạt động KH&CN giữ được vai trò tiên phong đón nhận các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần này. Đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp lần này là, những nhân tố mới của KH&CN xuất hiện dồn dập trong đời sống kinh tế - xã hội, mà đôi khi hệ thống quản lý truyền thống, kể cả quản lý KH&CN, không phản ứng kịp. Sự phản ứng lúng túng của hệ thống quản lý giao thông trước sự bùng phát của hệ điều hành giao thông qua mạng của Uber, Grab, GoViet, FastGo… là những ví dụ rất điển hình. Chính sách KH&CN, suy rộng ra, Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới cần đi trước rất xa để đón nhận những thành tựu mới mẻ này.
Kết luận
Trong 60 năm qua, Bộ KH&CN và các tổ chức tiền thân của Bộ đã có những cố gắng không mệt mỏi trong việc giúp Đảng và Chính phủ soạn thảo, công bố và thực hiện các chính sách KH&CN.
Trên bước đường phát triển những năm tới đây, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiệm vụ của Bộ KH&CN càng nặng nề, với sứ mệnh đi tiên phong đón nhận các thành tựu KH&CN mới mẻ của thế giới.
Vấn đề của Bộ KH&CN không chỉ là giúp Đảng và Nhà nước trong việc hình thành chính sách trong lĩnh vực KH&CN, mà quan trọng hơn, là đóng góp phần mình vào việc hình thành chính sách của các ngành, các cấp sẵn sàng đón nhận các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
[2]Vũ Cao Đàm, Nghịch lý và Lối thoát, Triết lý phát triển khoa học và giáo dục Việt Nam, Nxb Thế giới, 2014.
[3]E-Tac-Lê, Napoleon, Cuộc đời và sự nghiệp. Hà Nội, 1987.
[4]Thời đó, khái niệm “Nhập kỹ thuật” được hiểu như “Nhập công nghệ” ngày nay.
[5]Xem Nguyễn Văn Học: Hệ thống tổ chức KH&CN Việt Nam dưới tác động của các chính sách qua các mốc thời gian, Kỷ yếu Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Quản lý Khoa học, tháng 9/2018.
[6]Trên văn đàn đã xuất hiện cách chuyển ngữ “Innovation” là “Đổi mới sáng tạo”. Trong các bài giảng ở bậc đại học và sau đại học, chúng tôi đã thảo luận đi đến thống nhất cách chuyển ngữ “Innovation” đơn giản là “Đổi mới” như ý nghĩa truyền thống của thuật ngữ này, với hàm ý “Đã đổi mới là phải sáng tạo”, không có hoạt động đổi mới nào mà không sáng tạo.