Thứ năm, 10/10/2019 13:43

Cập nhật lại quy mô GDP

Lê Văn Dụy

 

Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Sau khi Tổng cục Thống kê (TCTK) tiến hành cập nhật lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo thông lệ quốc tế, dự kiến GDP giai đoạn 2010-2017 của Việt Nam bình quân mỗi năm tăng 25,4%. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, việc cập nhật lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025. Bài viết lý giải vì sao phải cập nhật lại quy mô GDP, phương pháp/nguyên tắc, các bước cập nhật như thế nào.

GDP là một chỉ tiêu thống kê đo lường giá trị gia tăng của tất cả các tác nhân kinh tế trong một giai đoạn nào đó. Nó cho biết tiềm lực kinh tế của một nước, vì vậy việc ước lượng chỉ tiêu này được các nước, ngay cả Vụ Tài khoản quốc gia Liên hợp quốc quan tâm một cách đặc biệt. Nhiệm vụ luôn được đặt ra cho các thể chế này là làm sao nâng cao tính sát thực chỉ tiêu này. Có 3 phương pháp được sử dụng để ước lượng chỉ tiêu thống kê GDP, đó là phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập. Trong đó, phương pháp sản xuất là phương pháp cơ bản được sử dụng để ước lượng GDP, vì nguồn thông tin thống kê cho phép tiếp cận gần sát với giá trị thực của GDP của một nước cao nhất. Do nhu cầu thông tin quản lý đất nước, hai phương pháp ước lượng GDP còn lại (phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập) cũng được sử dụng để ước lượng GDP, song chúng vẫn phải sử dụng kết quả ước lượng GDP của phương pháp sản xuất để hiệu chỉnh kết quả của mình, vì các phương pháp này không tiếp cận được sát thực giá trị của GDP một cách tin cậy nhất (theo trao đổi với Tổng cục Thống kê Indonesia, phương pháp tiêu dùng/sử dụng chỉ ước lượng được khoảng 60% quy mô).

Ước lượng GDP theo phương pháp sản xuất

Theo phương pháp sản xuất, để ước lượng GDP cần ước lượng được hai chỉ tiêu thống kê cơ bản: giá trị sản xuất và chi phí trung gian dùng trong sản xuất tạo ra các sản phẩm. Từ hai chỉ tiêu này, một chỉ tiêu được gọi là giá trị gia tăng (value added - VA) được ước lượng. Tổng giá trị gia tăng của toàn bộ các sản phẩm của nền kinh tế và thuế nhập khẩu chính là giá trị của GDP. Trong thực tế, ước lượng GDP theo phương pháp sản xuất thường thông qua việc ước lượng VA của các ngành kinh tế. Liên hợp quốc đã xây dựng bảng phân ngành kinh tế quốc dân (International Standard Industry Classification). Các nước thường dựa vào bảng phân ngành này xây dựng riêng một bảng phân ngành kinh tế cụ thể phù hợp với thực tiễn kinh tế của mình. Hệ thống phân ngành kinh tế của Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018. Theo đó, hệ thống này có 5 cấp: cấp 1 (21 ngành), cấp II (88 ngành), cấp 3 (242 ngành), cấp 4 (486 ngành) và cấp 5 (734 ngành). Bảng phân ngành kinh tế của một số nước không dừng lại ở 5 cấp mà phát triển tới 6, 7 cấp tùy theo khả năng thống kê của mỗi nước. Như vậy, tùy theo khả năng thống kê giá trị gia tăng cho ngành kinh tế thuộc cấp nào sẽ được tính, từ đó tổng hợp GDP cho toàn quốc. Vì vậy, việc ước lượng GDP cho toàn quốc mặc nhiên được cập nhật theo khả năng thống kê ở từng thời kỳ của mỗi quốc gia. Ở thời kỳ này, GDP được ước lượng dựa vào phân ngành kinh tế hai cấp. Càng về sau khả năng thống kê càng được nâng cao, GDP sẽ được ước lượng dựa vào phân ngành kinh tế cấp III, cấp IV… Và ở cấp thấp nhất, các đơn vị kinh tế cơ sở (establishment) được sử dụng để ước lượng VA cho các ngành kinh tế thuộc cấp đó. Để tính VA, hai chỉ tiêu chủ yếu cần thu thập thông tin là giá trị sản xuất và chi phí trung gian của các đơn vị kinh tế cơ sở.

Theo cách ước lượng GDP dựa vào phương pháp sản xuất, một điều dễ nhận thấy là không thể bao quát hết các ngành kinh tế chi tiết, vì vậy việc tiến hành đánh giá lại thường xuyên quy mô của GDP cũng là điều hiển nhiên. Cũng dễ thấy là việc đánh giá lại cũng chủ yếu là nhằm bao quát hết các đơn vị kinh tế thuộc các ngành kinh tế cấp thấp.

Nguồn thông tin được sử dụng để ước lượng GDP theo phương pháp sản xuất

Nguồn thông tin chủ yếu để tính giá trị gia tăng của các ngành kinh tế là kết quả của các cuộc điều tra thống kê hàng năm, các cuộc tổng điều tra kinh tế và kết quả lập Bảng I-O (Input - Output/Đầu vào - Đầu ra, bản chất là chi phí cho sản xuất và kết quả thu được từ sản xuất) được điều tra cập nhật 5 năm một lần. Bảng này cung cấp các hệ số chi phí trung gian cho các ngành kinh tế. Tất cả các cuộc điều tra thống kê trên đều được thực hiện bằng phương pháp điều tra chọn mẫu. Cơ sở để thiết kế mẫu cho các cuộc điều tra này là danh mục các đơn vị kinh tế cơ sở, điều này đặc biệt quan trọng khi các đầu ra được tổng hợp theo vùng hay lãnh thổ. Danh mục này có được nhờ các cuộc Tổng điều tra kinh tế, thường được các nước thực hiện 5 năm một lần theo 3 chỉ tiêu chính: số lượng các cơ sở đang hoạt động, số lượng lao động được các cơ sở thuê và giá trị gia tăng do những người lao động này tạo ra. Giá trị sản xuất của các ngành kinh tế có sát với thực tế hay không phụ thuộc lớn vào danh sách các đơn vị kinh tế cơ sở có đầy đủ hay không. Do tầm quan trọng của danh mục các đơn vị kinh tế cơ sở như vậy đối với việc ước lượng giá trị VA của các ngành kinh tế nói riêng và GDP nói chung nên các nước (ví dụ như Ấn Độ, Indonesia…) đã chi hàng triệu USD cho cuộc điều tra này. Các nước này cũng thực hiện Tổng điều tra kinh tế 5 năm một lần và mục đích chủ yếu là có được danh sách các đơn vị kinh tế cơ sở. Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nhiều đơn vị kinh tế nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là các đơn vị kinh tế phi chính thức (Informant economic unit) nên Tổng điều tra kinh tế không nắm bắt hết được trong quá trình điều tra thống kê. Mặt khác, cấu trúc của các doanh nghiệp, công ty, tổng công ty… rất phức tạp, nhiều doanh nghiệp bao gồm nhiều hoạt động kinh tế khác nhau không tách riêng ra nên rất dễ dẫn đến phản ánh cấu trúc của nền kinh tế bị lệch lạc.

Khu vực kinh tế phi chính thức này đóng góp một phần đáng kể vào quy mô GDP của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, dường như đóng góp của khu vực này chưa được tính toán đầy đủ vì việc liệt kê các đơn vị kinh tế nhỏ lẻ này vẫn còn bị xem nhẹ. Mặt khác, có một bộ phận doanh nghiệp, công ty… trong Tổng điều tra kinh tế vì một lý do nào đó gom tất cả các đơn vị kinh tế cơ sở vào làm một (mặc dù có điều kiện cho phép tách riêng). Điều này làm cho bức tranh kinh tế của quốc gia không phản ánh đúng với gam màu của nó. Chỉ với hai nguyên nhân trên, việc đánh giá/cập nhật lại việc ước lượng quy mô của GDP là cần thiết.

Hướng cập nhật giá trị GDP theo phương pháp sản xuất

 Đánh giá lại quy mô của GDP không phải là sử dụng “cách tính mới” để ước lượng giá trị của GDP. Quan sát tình hình thực tế của công tác thống kê, hướng cập nhật việc ước lượng giá trị của GDP nên tập trung vào các điểm mấu chốt sau: hoàn thiện danh mục các đơn vị kinh tế cơ sở, cập nhật lại các hệ số chi phí trung gian, nâng cấp độ chi tiết ngành kinh tế trong tính toán GDP.

Hoàn thiện danh mục các đơn vị kinh tế cơ sở

Về mặt nguyên tắc, tính giá trị GDP bằng phương pháp sản xuất là dựa vào việc tính giá trị VA cho từng đơn vị kinh tế cơ sở. Mặt khác, do chi phí cho thống kê có hạn nên hầu như tất cả các nước trên thế giới đều phải sử dụng phương pháp điều tra chọn mẫu để tính giá trị sản xuất bình quân cho một đơn vị kinh tế cơ sở (thực ra, trong thực tế là cho một đơn vị kinh tế của từng ngành kinh tế cụ thể) sau đó nhân với tổng số đơn vị kinh tế cơ sở thuộc ngành kinh tế đó. Cách làm này cho ra kết quả là giá trị sản xuất của từng ngành kinh tế. Như vậy, kết quả sát với thực tế ở mức độ nào phụ thuộc vào hai yếu tố: i) số lượng các đơn vị kinh tế cơ sở có sát với thực tế hay không; và ii) sai số mẫu của giá trị sản xuất bình quân. Sai số mẫu có thể khống chế được thông qua một thiết kế mẫu tốt. Tuy nhiên, mức độ sát thực của số lượng các đơn vị kinh tế cơ sở lại phụ thuộc vào cách thức tổ chức điều tra và ý thức tự giác khai báo của các đối tượng tham gia điều tra trong Tổng điều tra kinh tế.

Cập nhật lại các hệ số chi phí trung gian

Hệ số chi phí trung gian thay đổi theo thời gian, vì giá của nguyên, nhiên, vật liệu, giá của dịch vụ dùng cho sản xuất… thay đổi theo thời gian. Vì vậy, việc cập nhật lại hệ số chi phí trung gian cho các ngành kinh tế, đặc biệt là cho các ngành kinh tế cấp chi tiết nhất có thể sẽ giúp cho việc tính toán VA sát với thực tế hơn. Việc ước lượng hệ số chi phí trung gian cho các ngành kinh tế cũng chi tiết theo khả năng ước lượng giá trị sản xuất chi tiết cho cấp ngành kinh tế tương ứng.

Nâng cấp độ chi tiết ngành kinh tế trong tính toán GDP

Do sự phức tạp của việc ước lượng giá trị GDP, các nước có nền kinh tế đang phát triển thường chỉ dừng lại ở việc ước lượng giá trị VA cho các ngành sản phẩm cấp IV và cấp V (tương đương với việc tính toán giá trị VA cho ngành kinh tế cấp III, IV và cấp V). Điều này đồng nghĩa với việc mức độ sát thực của giá trị VA nói riêng và giá trị GDP nói chung bị hạn chế. Vì vậy, để nâng cao mức độ sát thực của giá trị VA của các ngành kinh tế và GDP, cần cố gắng nâng cao khả năng ước lượng giá trị VA theo các ngành sản phẩm/kinh tế ở cấp độ chi tiết hơn, chẳng hạn như cho các ngành sản phẩm cấp VII và cao hơn.

Thực tế cập nhật giá trị GDP theo phương pháp sản xuất ở Việt Nam

Vừa qua TCTK đã tiến hành đánh giá lại (thực ra là tính toán bổ sung thêm) GDP cho Việt Nam. Để làm điều đó, TCTK đã đề ra và thực thi 3 nguyên tắc khi đánh giá lại GDP như sau: (1) Đảm bảo tính toàn diện (đánh giá lại quy mô GDP phải đảm bảo đầy đủ phạm vi của tất cả các ngành trong nền kinh tế); (2) Đảm bảo tính thống nhất quy trình và phương pháp tính (việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP phải theo quy trình chặt chẽ, khoa học, khách quan và thống nhất, đồng thời đảm bảo phương pháp tính theo đúng thông lệ quốc tế); (3) Đảm bảo tính lịch sử và tính so sánh (thực hiện đánh giá lại quy mô GDP phải đảm bảo tính lịch sử, phản ánh đúng và rõ hiện trạng, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng năm, từng giai đoạn; thống nhất về lý luận và thực tiễn, đảm bảo sự nhất quán trong so sánh theo chuỗi thời gian và không gian). Mặt khác, TCTK cũng xác định phạm vi đánh giá lại GDP là chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.

Nguồn thông tin được sử dụng để đánh giá lại quy mô của GDP chủ yếu dựa vào tổng điều tra và hồ sơ hành chính của các bộ, ngành địa phương. Trong giai đoạn 2010-2017, TCTK đã thực hiện tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016, tổng điều tra kinh tế năm 2012 và năm 2017. Đồng thời, công tác chia sẻ thông tin giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành ngày càng tốt hơn đã giúp thu thập được thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính của các bộ, ngành.

TCTK cũng đưa ra quy trình thực hiện việc đánh giá lại quy mô GDP là: biên soạn lại chỉ tiêu giá trị sản xuất; rà soát, hoàn thiện hệ thống chỉ số giá; cập nhật hệ số chi phí trung gian; biên soạn lại chỉ tiêu GDP theo giá trị sản xuất, hệ thống chỉ số giá và hệ số chi phí trung gian đã thực hiện trong 3 bước trên; tính toán lại các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan (so sánh, đánh giá kết quả đánh giá lại với số liệu GDP và các chỉ tiêu vĩ mô đã công bố; báo cáo giải trình kết quả và kiến nghị).

Tuy nhiên, để đảm bảo việc tính toán lại GDP cần đi vào cốt lõi của vấn đề là tập trung vào những mặt hạn chế khi thực hiện ước lượng giá trị GDP/VA dựa vào phương pháp sản xuất. Đó là hạch toán không đầy đủ số lượng các đơn vị kinh tế cơ sở của các ngành kinh tế, đặc biệt là các đơn vị kinh tế cơ sở thuộc khu vực kinh tế phi chính thức. Đại diện cho các đơn vị kinh tế này là những người “buôn thúng bán mẹt” nhan nhản khắp các đường phố của các đô thị cũng như ở các vùng nông thôn. Tuy mang cái tên gọi là “buôn thúng bán mẹt”, song thu nhập của các đơn vị kinh tế này không phải là thấp. Khi ước lượng GDP, TCTK cũng có ước lượng bổ sung phần đóng góp của khu vực kinh tế không quan sát được (không bao gồm các đơn vị kinh tế làm ăn phi pháp), song chắc chắn vẫn còn bị bỏ sót và lượng VA được bổ sung chưa chắc đã có tính chất thuyết phục. Bên cạnh đó, danh mục các đơn vị kinh tế cơ sở nằm trong các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, các quỹ ngoài phạm vi ngân sách nhà nước… còn bị bỏ xót trong tổng điều tra. Mặt khác, việc tách các hoạt động kinh tế của một doanh nghiệp/công ty vẫn chưa được chuẩn mực, vì vậy nhiều đơn vị kinh tế cơ sở thuộc các ngành kinh tế khác nhau bị gộp vào một ngành kinh tế chính. Điều này, như trên đã trình bày, làm cho bức tranh kinh tế theo ngành kinh tế bị sai lệch, khiến cho việc phân tích cơ cấu kinh tế bị hạn chế.

Khi ước lượng quy mô của GDP, TCTK cũng dừng lại tính toán giá trị VA cho ngành sản phẩm cấp VII, đồng nghĩa với việc ước lượng giá trị VA cho ngành kinh tế cấp VI và cấp VII. Tuy nhiên, khi công bố số liệu chỉ công bố giá trị VA cho 21 ngành kinh tế cấp I và một số ngành kinh tế cấp II. Mặt khác TCTK cũng ước lượng giá trị VA cho khu vực kinh tế không quan sát được để bổ sung thêm cho GDP, tuy nhiên việc làm này chưa được bài bản nên chắc chắn giá trị GDP vẫn còn chưa sát thực.

Khuyến nghị

Cập nhật lại việc tính toán quy mô GDP là cần thiết và nó có ý nghĩa cả về lý thuyết lẫn thực hành. GDP càng sát với thực tế, càng cho phép đánh giá sát thực tiềm lực kinh tế của đất nước. Mặt khác, nó cũng cho biết sát thực hơn mức sống của dân cư đang ở cấp độ nào.

Việc cập nhật lại giá trị của GDP nên được tập trung vào việc lập danh sách các đơn vị kinh tế cơ sở sao cho sát với thực tế, tức là sao cho hạn chế nhiều nhất việc bỏ sót các đơn vị kinh tế cơ sở thuộc các ngành kinh tế. Để làm được điều này, nên học tập phương pháp tiến hành tổng điều tra kinh tế của Cơ quan Thống kê Indonesia. Cụ thể theo các bước như sau:

+ Chia toàn quốc ra thành các địa bàn điều tra (như tổng điều tra dân số thường làm), sau đó lập sơ đồ địa hình cho từng địa bàn điều tra.

+ Đánh dấu các nhà máy, xí nghiệp, công ty… (các đơn vị kinh tế) đóng trên địa bàn.

+ Lập danh sách các đơn vị kinh tế cơ sở của các nhà máy, xí nghiệp, công ty… Khi tiến hành lập danh sách các đơn vị kinh tế cơ sở của các nhà máy, xí nghiệp cần dưa vào các tiêu chí như: là một hoạt động kinh tế cụ thể, có hạch toán riêng, có địa điểm sản xuất kinh doanh cụ thể.

+ Lập danh sách các đơn vị kinh tế phi chính thức có trên địa bàn bằng phương pháp quan sát trực tiếp các ngõ, xóm, các hộ dân: sáng đi quan sát và ghi lại các địa điểm có người buôn bán kinh doanh, trưa lại đi quan sát và ghi chép, tối tiếp tục đi quan sát và ghi chép. Khi tiến hành tổng điều tra, dựa trên danh sách đã ghi chép lại được qua các lần quan sát thực tế địa bàn, điều tra viên sẽ đến nơi người làm công việc kinh doanh để phỏng vấn. Người buôn bán vào buổi sáng được phỏng vấn vào buổi sáng; người buôn bán vào buổi trưa được phỏng vấn vào buổi trưa và người buôn bán vào buổi tối được phỏng vấn vào buổi tối. Bằng cách này có được danh sách đầy đủ các đơn vị kinh tế cơ sở làm quyền số cho việc tính toán giá trị VA cho các ngành kinh tế.

+ Sử dụng phương pháp điều tra chọn mẫu để ước lượng hệ số chi phí trung gian đồng thời với tính giá trị sản xuất cho một đơn vị kinh tế cơ sở.

Khi ước lượng GDP/VA không chỉ cần đến kết quả thu được từ các cuộc điều tra do TCTK tiến hành mà còn cần thông tin ghi chép hành chính của các bộ/ngành. Các thông tin đó được dùng để hiệu chỉnh số liệu nếu thấy cần thiết. Vì vậy, các bộ/ngành cần phải củng cố bộ máy thông tin thống kê của mình để có các thông tin thống kê sát thực. Mặt khác, các bộ/ngành cần thực hiện việc cung cấp thông tin thống kê của bộ/ngành mình cho TCTK theo quy định trong Luật Thống kê.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)