Thứ năm, 10/10/2019 13:34

Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030: Phát triển toàn diện, hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam

Nguyễn Văn Bảy

 

Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN

 

Cuối tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về SHTT, đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực SHTT, khẳng định SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

SHTT - công cụ quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội

Bảo hộ quyền SHTT có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội bằng các sản phẩm sáng tạo, các hàng hóa, dịch vụ mới có chất lượng và tính năng đa dạng. Việc bảo hộ quyền SHTT hiệu quả cũng góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, qua đó đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động SHTT trên thế giới ngày càng mở rộng phạm vi, không chỉ giới hạn ở các vấn đề truyền thống liên quan đến xác lập và bảo vệ quyền SHTT, mà đã hướng đến đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ. Theo đó, bên cạnh việc liên tục hoàn thiện các thủ tục xác lập quyền SHTT theo hướng thuận lợi, nhanh chóng, công bằng, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền SHTT, các nước cũng ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ, mở rộng các dịch vụ SHTT, tăng cường hội nhập quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trải qua chặng đường gần 40 năm hình thành và phát triển, đến nay hệ thống SHTT của Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ (KH&CN), sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, yêu cầu của công cuộc hội nhập quốc tế... đòi hỏi hệ thống SHTT cũng phải có các định hướng, mục tiêu phát triển phù hợp.

Để phát triển được một hệ thống SHTT đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, chúng ta phải đối mặt với những thách thức nhất định như: những vấn đề đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (mở rộng đối tượng bảo hộ quyền, thiết lập các tiêu chuẩn bảo hộ mới, các hình thức xâm phạm quyền mới...); các tiêu chuẩn bảo hộ cao theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia... Tuy nhiên, chúng ta cũng có những thuận lợi lớn để phát triển hệ thống SHTT, đặt biệt trong số đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề SHTT, thể hiện ở việc có các chính sách nhất quán về bảo hộ, khai thác quyền SHTT, hướng tới thiết lập môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN tiên tiến, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh. Gần đây nhất (ngày 22/8/2019), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực SHTT, khẳng định SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Phát triển toàn diện, hiệu quả hệ thống SHTT Việt Nam

          Chiến lược SHTT đến năm 2030 được Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành liên quan (Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Y tế; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo…) và sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) xây dựng. Chiến lược định hướng sự phát triển của hệ thống SHTT Việt Nam đến năm 2030 là phát triển hệ thống SHTT đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; chính sách SHTT là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực; hoạt động SHTT có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ.

          Trên cơ sở các định hướng nêu trên, Chiến lược đặt ra 5 nhóm mục tiêu phấn đấu đạt được, cụ thể là: 1) Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT; 2) Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội; 3) Hiệu quả thực thi pháp luật SHTT được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền SHTT giảm đáng kể; 4) Tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về SHTT của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Ở mục tiêu này, các chỉ tiêu định lượng về số đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp/quyền đối với giống cây trồng của cá nhân, tổ chức Việt Nam cũng được xác định rõ, ví dụ như: số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm, số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6-8%/năm, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8-10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%/năm, 10-12% trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài... Đây là các chỉ tiêu định lượng có thể tác động tới kết quả xếp hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đồng thời cũng sẽ là một trong các tiêu chí thể hiện chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống SHTT quốc gia; 5) Hiệu quả sử dụng quyền SHTT được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng SHTT cao như: tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1-2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài; phát triển một số ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao; phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP…

          Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chiến lược đưa ra một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện như: hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT; tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT; hình thành văn hóa SHTT trong xã hội, và tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về SHTT. Trong đó, mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể và đều cần có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong hệ thống SHTT. Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước cần phát huy mạnh vai trò tạo dựng cơ chế, chính sách thuận lợi, minh bạch để các chủ thể sáng tạo và khai thác quyền SHTT phát huy tối đa năng lực đổi mới sáng tạo của mình. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về SHTT phải được kiện toàn theo hướng kiến tạo và hiệu quả; xác định, củng cố các đầu mối chuyên trách về SHTT tại các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở trung ương và địa phương; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về SHTT. Trình tự, thủ tục hành chính về SHTT được công khai, minh bạch, đơn giản hóa, hiện đại hóa. Hệ thống cơ sở dữ liệu về SHTT được xây dựng liên thông và kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền SHTT cần được nâng cao rõ rệt thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ quyền, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt trong môi trường kỹ thuật số và tại biên giới; nâng cao hiệu quả công tác điều tra các vụ án hình sự về SHTT…

          Bên cạnh đó, theo xu hướng phát triển của thế giới, Chiến lược cũng vượt ra khỏi phạm vi truyền thống của hoạt động SHTT (tập trung chủ yếu vào hoạt động xác lập và bảo vệ quyền SHTT) khi xác định rõ hơn các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy hoạt động tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ như: xây dựng, cung cấp các công cụ và dịch vụ thông tin SHTT, bản đồ công nghệ cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp; sử dụng các chỉ số đo lường về SHTT làm căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; hình thành và phát triển mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ và SHTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, tạo ra các sản phẩm có uy tín và chất lượng, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá có hàm lượng SHTT cao; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công cụ SHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển thị trường tài sản trí tuệ lành mạnh theo hướng: mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ trung gian để tăng cường kết nối cung cầu về tài sản trí tuệ; đẩy mạnh hoạt động đánh giá, định giá tài sản trí tuệ... Ngoài ra, hình thành văn hóa SHTT là một nhiệm vụ, giải pháp lần đầu tiên được đề cập tới, một hệ thống SHTT vận hành hiệu quả chỉ khi cả xã hội có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT.

          Chiến lược sẽ là kim chỉ nam để các bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép nội dung SHTT vào hoạt động quản lý nhà nước, từ đó triển khai thực hiện hoạt động SHTT một cách hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)