Bài 1: Với công tác quản lý nhà nước
Về xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật
Để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật KH&CN năm 2013, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 11 nghị định (04 nghị định đã được sửa đổi, bổ sung), trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định quy phạm pháp luật, ban hành theo thẩm quyền 53 thông tư đang có hiệu lực.
Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai thực hiện các quy định của Luật KH&CN năm 2013 và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tính đến tháng 8/2024, tổng số văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành để triển khai Luật KH&CN là 558 văn bản.
Nhìn chung đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về KH&CN tương đối đầy đủ, đồng bộ, tạo khung pháp lý cần thiết cho việc triển khai hoạt động KH&CN.
Về tuyên truyền, phổ biến Luật
Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Bộ KH&CN, các bộ, ngành đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật với nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, truyền thông; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức chung cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về pháp luật về KH&CN cũng như vai trò KH&CN trong thúc đẩy kinh tế - xã hội… Tại các địa phương, công tác phổ biến pháp luật về KH&CN cũng được chính quyền các địa phương quan tâm, tích cực triển khai như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng phim tài liệu về nội dung của Luật KH&CN năm 2013 và phát sóng trên Đài Phát thanh và truyền hình; tuyên truyền trên phương tiện truyền hình, báo viết và hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã; biên soạn, in ấn và phát hành tờ rơi, tờ gấp, phát động phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học; phong trào thi đua và tổ chức các hội thi sáng tạo kỹ thuật.
Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật KH&CN năm 2013 đã được tiến hành một cách bài bản, nghiêm túc, bảo đảm tính kịp thời và khoa học. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của KH&CN trong sự nghiệp phát triển của đất nước.
Về xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Một trong những điểm nổi bật của Luật KH&CN năm 2013 là xác định rõ trách nhiệm đề xuất đặt hàng và tiếp nhận, tổ chức ứng dụng kết quả của các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Từ khi Luật KH&CN năm 2013 có hiệu lực, số nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước được hoàn thành và đăng ký kết quả thực hiện hằng năm liên tục tăng dần.
Về Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia, trong giai đoạn 2016-2020 có 07 chương trình được triển khai thực hiện, trong đó 06 chương trình thuộc lĩnh vực KH&CN (chương trình KC) và 01 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX.01/16-20). Giai đoạn 2016-2020 là một trong những giai đoạn đặc biệt khó khăn cho việc triển khai các nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ có thời gian triển khai và kết thúc vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 xảy ra, dẫn đến công tác quản lý nhiệm vụ cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, kết thúc thời gian thực hiện Chương trình đã có 200 nhiệm vụ có kết quả “Đạt” và 40 nhiệm vụ có kết quả “Xuất sắc” (chiếm 94% các nhiệm vụ KH&CN của các chương trình đã được đánh giá nghiệm thu).
Các nhiệm vụ của 06 chương trình KC đã tạo ra 469 loại sản phẩm dạng 1 trong đó có: 103 loại thiết bị máy móc, 85 loại vật liệu, 31 dây chuyền công nghệ, 69 là các mẫu, mô hình, 136 loại sản phẩm là hàng hóa có thể tiêu thụ và những sản phẩm khác như giống cây trồng, chủng nấm... Các đề tài, dự án trong khuôn khổ các chương trình cũng đã tiến hành thương mại hoá sản phẩm. Tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa (các sản phẩm của KC.02, KC.05) đạt khoảng 150 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhiệm vụ đã xây dựng được 384 giải pháp, quy trình công nghệ, 90 cơ sở dữ liệu/bộ số liệu, 60 phần mềm các loại, tạo ra 122 bản vẽ thiết kế, 347 sơ đồ/ bản đồ...
Với việc tích hợp 03 chương trình KX vào 01 chương trình (KX.01/16-20) số nhiệm vụ được phê duyệt và đưa vào triển khai là 52 nhiệm vụ, được phân bổ cho 04 nội dung chính với 25 chủ đề tập trung vào những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng nhiệm vụ này bằng 50% tổng số lượng nhiệm vụ của 05 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn giai đoạn 2011-2015. Các kết quả nghiên cứu tiếp tục đóng góp về luận cứ khoa học trong việc kiến nghị nhằm hoạch định chính sách và hoàn chỉnh cơ chế quản lý, có nhiều kết quả nghiên cứu đã góp phần xây dựng và hoàn thiện văn kiện phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Qua cơ chế đặt hàng, nhiệm vụ được triển khai xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương và vùng, vì thế kết quả nghiên cứu đã gắn sát với thực tiễn, có khả năng ứng dụng ngay trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với các kết quả có khả năng thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương và của Vùng, qua đó tạo công ăn việc làm, góp phần thay đổi tập quán, thói quen canh tác của người nông dân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Về việc triển khai nhiệm vụ KH&CN thông qua quỹ, từ năm 2014 đến hết năm 2023, Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia đã tài trợ 2.662 nhiệm vụ KH&CN tương đương cấp quốc gia. Tài trợ của Quỹ đã thúc đẩy mạnh mẽ nâng cao chất lượng nghiên cứu theo hướng hội nhập quốc tế (mỗi đề tài trung bình đạt kết quả hơn 02 công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc cơ sở dữ liệu Web of Science), gia tăng nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN chất lượng cao, qua đó đóng góp tăng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (năm 2024 Việt Nam xếp 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023, trong đó có 3 chỉ số đứng đầu thế giới) cũng như chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam.
Về đổi mới sáng tạo, giai đoạn năm 2016 đến năm 2020, các chính sách phát triển về đổi mới sáng tạo đã được triển khai thông qua các đề án, chương trình như: Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020; Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025… Các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo về cơ bản đã được triển khai nghiêm túc. Các đề án về ứng dụng, chuyển giao công nghệ đã giúp khảo sát, tìm kiếm, giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ tư vấn chuyển giao và đổi mới công nghệ; thúc đẩy hoạt động kết nối trong cộng đồng sáng tạo, thành lập sản giao dịch, tổ chức các hội chợ, phát triển tổ chức trung gian thị trường KH&CN. Về thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hoạt động ươm tạo, tăng tốc kinh doanh, tiếp cận nguồn lực đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ khác cho startup, xây dựng các chỉ số đánh giá đổi mới sáng tạo… đã góp phần giúp hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với đầy đủ các thành phần gồm có: các cá nhân/tổ chức khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ (cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở địa phương), công viên nghiên cứu, trường đại học, mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, các cơ sở hỗ trợ nghiên cứu khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học, viện nghiên cứu.
Về hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ
Việt Nam đã có quan hệ hợp tác về KH&CN với hơn 70 nước, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ; hơn 150 hiệp định, thỏa thuận hợp tác KH&CN. Trong đó, riêng trong giai đoạn 2011-2020, đã có 25 điều ước quốc tế (cấp Chính phủ) và thỏa thuận quốc tế (cấp Bộ) về hợp tác trong lĩnh vực KH&CN được ký kết. Việc tham gia vào các diễn đàn đa phương về KH&CN được thúc đẩy trên tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, đóng góp tích cực vào hoạt động chung, tranh thủ thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên của tổ chức; dần trở thành đối tác hợp tác bình đẳng và cùng có lợi trong các quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương về KH&CN.
Trong giai đoạn vừa qua, hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN đã được triển khai khá tích cực. Hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong giai đoạn 2014-2024 cho thấy đã có sự thay đổi rõ nét trong chính sách hợp tác KH&CN của Việt Nam với các đối tác nước ngoài theo hướng các bên cùng chia sẻ trách nhiệm và tài chính, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Ngày càng nhiều khuôn khổ hợp tác mới được hình thành với sự tham gia tích cực và chủ động hơn của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài trở về. Nhiều cán bộ KH&CN của Việt Nam đã tham gia một cách tích cực và chủ động vào hoạt động hợp tác nghiên cứu, đào tạo thuộc các chương trình, dự án quan trọng của ASEAN, APEC, IAEA, WIPO, UNESCO…; các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lớn như Chương trình Horizon 2020 của EU, Chương trình Đồng tài trợ cho Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Đông Nam Á - Châu Âu (SEA-EU JFS), Chương trình Nghiên cứu chung Đông Á (e-ASIA JRP); Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam (A4I); tham gia vào các dự án hợp tác nghiên cứu về các vấn đề được quốc tế và khu vực quan tâm.
Công tác hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ KH&CN cũng được chú trọng triển khai nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới.
Thông qua các hoạt động trình diễn kết nối cung cầu công nghệ (TechDemo) hàng năm, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm quốc tế cũng như qua quá trình nghiên cứu, tìm kiếm, Bộ KH&CN đã xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia quốc tế với hơn 500 công nghệ nước ngoài thuộc các lĩnh vực công nghệ, vật liệu, năng lượng, v.v, phục vụ công tác giới thiệu, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Việc kết nối với chuyên gia công nghệ quốc tế để cùng triển khai các chương trình, dự án, trao đổi kinh nghiệm về chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ… cũng được tăng cường.
CT