Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tặng quà lưu niệm cho Lãnh đạo Trường Đại học Lâm nghiệp (ảnh: M. Hà).
Trường Đại học Lâm nghiệp được thành lập ngày 19/08/1964 theo Quyết định số 127/CP của Hội đồng Chính phủ. Những ngày đầu thành lập, thầy và trò Trường Đại học Lâm nghiệp vừa giảng dạy, học tập, vừa tham gia lao động sản xuất và chiến đấu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc tại xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Năm 1984, Nhà trường chuyển về Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội đã tạo nên một dấu mốc quan trọng, mở ra giai đoạn mới đầy triển vọng.
Theo GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, Nhà trường đã trải qua 60 năm phát triển với biết bao khó khăn, thử thách, nhưng cũng đầy tự hào. Từ một trường đại học chuyên ngành lâm nghiệp, Trường đã mở rộng đào tạo sang nhiều lĩnh vực mới, từ quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, đến công nghệ sinh học và kỹ thuật. Khi mới thành lập, Trường chỉ có 4 ngành đào tạo cho 475 sinh viên. Đến nay, Nhà trường đã trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học đầu ngành về lĩnh vực lâm nghiệp, với quy mô hơn 12.000 người học, gần 190 thầy cô là giáo sư, phó giáo sư và tiến sỹ. Nhà trường đã đào tạo được gần 54.000 kỹ sư/cử nhân, hơn 6.300 thạc sỹ, gần 150 tiến sỹ… và trên 10.000 học sinh trung học phổ thông và phổ thông dân tộc nội trú. Bên cạnh đó, Nhà trường đã đào tạo được hơn 500 kỹ sư, trên 50 thạc sỹ, tiến sỹ cho nước bạn Lào và Campuchia.
Hiện nay, Nhà trường đang hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều tổ chức quốc tế, 145 trường đại học và viện nghiên cứu ở 26 quốc gia. Đồng thời tiếp nhận và triển khai hiệu quả hàng chục chương trình, dự án hợp tác quốc tế về đào tạo và khoa học, công nghệ với kinh phí hàng triệu đô la Mỹ.
Các đại biểu tham quan sản phẩm của Trường Đại học Lâm nghiệp.
Về phương hướng phát triển thời gian tới, GS.TS Phạm Văn Điển nêu rõ: Trường Đại học Lâm nghiệp hướng tới trở thành trường đại học khởi nghiệp, phát triển đội ngũ cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới quản trị đại học, hoàn thiện việc chuyển đổi số, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội và sáng tạo của các đơn vị... Đặc biệt, cần gắn kết chặt chẽ giữa sự phát triển của Nhà trường với sự phát triển kinh tế của các tỉnh/thành phố trong cả nước; kết hợp chặt chẽ giữa sự phát triển của Nhà trường với nhu cầu thị trường lao động để khẳng định thương hiệu, thúc đẩy Trường Đại học Lâm nghiệp phát triển chất lượng, tự chủ đại học, học thuật và hội nhập quốc tế.
Chia sẻ về những thành công và hợp tác giữa hai đơn vị trong nhiều năm qua, TS Rémi Nono Womdim - Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Trường Đại học Lâm nghiệp có vai trò quan trọng, ý nghĩa to lớn, không chỉ về cây, về đất rừng, về nước…, mà cả hệ sinh thái nơi chúng ta đang sinh sống. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc rất vui mừng được chung tay hợp tác ý nghĩa và hiệu quả với Nhà trường để giải quyết những thách thức quan trọng trước vấn nạn đốt phá rừng, biến đổi khí hậu...
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã gửi lời chúc mừng tới thầy trò Trường Đại học Lâm Nghiệp. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, Trường Đại học Lâm nghiệp là đơn vị đầu ngành của cả nước về đào tạo nguồn nhân lực ngành lâm nghiệp cho đất nước. Với những đóng góp to lớn cho ngành, cho đất nước, Nhà trường đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Để bắt kịp xu thế thời đại, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh của dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh Trường Đại học Lâm nghiệp cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Trường Đại học Lâm nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn chặt với thực tiễn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của Nhà trường. Sinh viên tốt nghiệp phải là những chuyên gia chất lượng về lâm nghiệp, vừa có kiến thức, nền tảng vững chắc, vừa có kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm đa dạng và khả năng làm việc trong môi trường thực tiễn; Trường Đại học Lâm nghiệp phải là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu Việt Nam và ngang tầm khu vực về lĩnh vực lâm nghiệp; ưu tiên đầu tư phát triển các hướng nghiên cứu khoa học trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển rừng, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng của khu vực và quốc tế; Nhà trường cần tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thường xuyên cập nhật, nắm bắt xu hướng nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực lâm nghiệp; tận dụng tối đa sự hỗ trợ về khoa học và công nghệ và tài chính của các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế trong nghiên cứu và giảng dạy...
CT