Đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm
Giai đoạn 2020 đến nay, ĐHQGHN đã ban hành và thực hiện một số chính sách ưu tiên, đầu tư cho phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm (PTNTĐ/TTNCTĐ) như: quy hoạch phòng thí nghiệm trọng điểm, ban hành hướng dẫn phát triển và chế độ ưu đãi dành cho nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN; quy định về công nhận, quản lý và phát triển phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN; ưu tiên các hạng mục trong các dự án đầu tư về KH&CN hằng năm; ưu tiên đề xuất các nhiệm vụ cấp quốc gia và quốc tế, nhiệm vụ hợp tác với doanh nghiệp; tăng cường nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách của ĐHQGHN, nguồn tài trợ quốc tế, địa phương và doanh nghiệp; ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển, đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu để có hạ tầng nghiên cứu hiện đại, gắn kết; ưu tiên không gian làm việc tại Hòa Lạc...
Theo đó, ĐHQGHN đầu tư cho PTN/TTNCTĐ theo dự án tăng cường năng lực gắn với nhiệm vụ nghiên cứu có mức kinh phí từ 5-7 tỷ đồng trong vòng 3 năm; đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia từ 1-3 tỷ đồng trong vòng 3 năm; đầu tư cho phát triển sản phẩm trọng điểm từ 2-3 tỷ đồng trong vòng 3 năm; đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp spin-off từ 1-2 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển thị trường thương mại hóa.
ĐHQGHN hiện nay có 10 PTNTĐ/TTNCTĐ, trong đó có 01 PTNTĐ cấp Nhà nước, 07 PTNTĐ cấp ĐHQGHN, 02 TTNCTĐ cấp ĐHQGHN. Với các chính sách này, năm 2022 ĐHQGHN đã đầu tư cho 6 nhóm nghiên cứu/phòng thí nghiệm triển khai nhiệm vụ để tạo sản phẩm trọng điểm, với tổng kinh phí 7,6 tỷ đồng. Năm 2023, ĐHQGHN đã tiếp nhận 11 đề xuất dự án tăng cường năng lực của các PTNTĐ/TTNCTĐ xem xét đầu tư.
Phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tính đến 11/2023, ĐHQGHN có 36 nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó 30 nhóm được cấp kinh phí thường xuyên năm 2023 là 100 triệu đồng, bên cạnh nguồn ưu tiên đầu tư từ nguồn quỹ khoa học và công nghệ và nguồn đầu tư các dự án trung, dài hạn của ĐHQGHN, 6 nhóm có thành tích công bố đỉnh cao được hỗ trợ dưới dạng nhiệm vụ khoa học và công nghệ (1 tỷ đồng/nhóm).
Hỗ trợ các sản phẩm đầu ra của nghiên cứu
Chính sách hỗ trợ công bố bài báo quốc tế được cụ thể hóa tại Hướng dẫn số 3115/HD-ĐHQGHN của ĐHQGHN ngày 22/10/2020, theo đó, mức hỗ trợ cao nhất cho tác giả đứng đầu; tác giả liên hệ trên tạp chí khoa học thuộc top 5% tạp chí hàng đầu được phân loại theo nhóm lĩnh vực, ngành/chuyên ngành của Scimago và tương ứng với lĩnh vực chuyên môn của tác giả là 40 triệu đồng; hội thảo có từ 10-20 bài ISI/Scopus của nhà khoa học thuộc ĐHQGHN mức hỗ trợ cao nhất 100 triệu đồng/hội thảo.
Năm 2021, ĐHQGHN đã hỗ trợ 262 công trình công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh và cán bộ khoa học tiềm năng với tổng kinh phí trên 4,4 tỷ đồng. Số lượng các công bố quốc tế chất lượng cao không ngừng gia tăng. Năm 2022 đạt 1.444 bài báo thuộc hệ thống Web of Science, tăng 17% so với năm 2021, trong đó có 572 bài Q1, 410 bài Q2. Tính đến tháng 11/2023, đạt hơn 1.400 bài, hơn 60% là Q1 và Q2.
Chính sách hỗ trợ sáng chế/giải pháp hữu ích được thể hiện thông qua Quy định số 3416/QĐ-ĐHQGHN ngày 02/11/2021 của ĐHQGHN về Quy định quản lý tài sản trí tuệ ở ĐHQGHN, nhằm tạo mọi điều kiện để tổ chức, cá nhân phát triển tài sản trí tuệ đưa vào khai thác, tạo ra giá trị tích cực cho ĐHQGHN và xã hội. Theo đó, chính sách ưu tiên đối với nhiệm vụ KH&CN (phê duyệt và cấp kinh phí triển khai nhiệm vụ KH&CN có sản phẩm đầu ra là tài sản trí tuệ có khả năng khai thác thương mại, hoặc chuyển giao cho cơ quan nhà nước sử dụng); chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) (hỗ trợ hoạt động viết hồ sơ đăng ký SHTT; hỗ trợ lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, cấp chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ 100% lệ phí duy trì, gia hạn và phí sử dụng văn bằng bảo hộ quyền SHTT trong 3 năm đầu tiên, 50% trong 3 năm tiếp theo, 25% trong các năm còn lại). Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển và khai thác tài sản trí tuệ được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, được Giám đốc ĐHQGHN xem xét khen thưởng. Nguồn kinh phí khen thưởng và mức khen thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật và của ĐHQGHN.
Trong năm 2022, hoạt động đăng ký SHTT tiếp tục giữ được mức độ phát triển với 51 đăng ký SHTT đạt được, trong đó Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tiếp tục là đơn vị dẫn đầu ĐHQGHN với 24 đăng ký SHTT. Tính đến 11/2023 toàn ĐHQGHN đạt được 23/72 bằng, đơn SHTT.
Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Thực hiện chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ ở ĐHQGHN, ngày 01/03/2023, ĐHQGHN đã ban hành văn bản số 581/HD-ĐHQGHN hướng dẫn tạm thời về việc thành lập và phát triển doanh nghiệp trong ĐHQGHN để hỗ trợ các nhà khoa học hiện thực hóa cơ hội phát triển các nghiên cứu theo hướng ứng dụng, chuyển giao vào cuộc sống.
Hiện nay, ĐHQGHN đang triển khai các giải pháp hỗ trợ để thành lập một số doanh nghiệp spin-off như: Công ty TNHH Ứng dụng và Giải pháp công nghệ vi sinh thuộc Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học; Công ty TNHH Công nghệ Tiên tiến GTS Quốc tế thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; Công ty TNHH MTV ECOMEDIPHARM thuộc Trường Đại học Y Dược; Công ty Cổ phần Công nghệ VNU-CRES thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường; Công ty Cổ phần Công nghệ xanh BABIO-VNU; Công ty Cổ phần công nghệ VNU gắn với định hướng chuyển giao như: sản phẩm thuộc lĩnh vực y dược; thiết kế vi mạch, vật liệu sinh học, công nghệ vi sinh, vật liệu bảo vệ môi trường và phụ gia bảo vệ đồ gia dụng tự nhiên…
Các giải pháp mà ĐHQGHN hỗ trợ rất đa dạng, có thể dưới hình thức cấp nhiệm vụ KH&CN cho các nhóm thực hiện hoàn thiện sản phẩm; tìm kiếm quỹ, doanh nghiệp đầu tư; hỗ trợ, tư vấn về quy trình, thủ tục thành lập và vận hành doanh nghiệp; xác lập tài sản trí tuệ, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, kết nối nhà đầu tư… thông qua đầu mối Ban Khoa học và Công nghệ, Ban Xúc tiến đầu tư, Câu lạc bộ Nhà khoa học, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp. Đặc biệt, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp đã phát huy vai trò trong việc ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN (spinoff/startup) với 2 doanh nghiệp được thành lập trong năm 2023 và một số doanh nghiệp trong 2024.
Ban Xúc tiến Đầu tư và Quỹ Phát triển ĐHQGHN đã thu hút được tài trợ 5 tỷ đồng từ cựu sinh viên Đỗ Quang Hiển, góp vốn điều lệ thành lập VNUHoldings - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển ĐHQGHN theo mô hình công ty đầu tư tài chính, đầu tư vốn cho các doanh nghiệp spin-off, start-up của cán bộ giảng viên, sinh viên ĐHQGHN và hơn 40 tỷ cho các hoạt động học bổng nghiên cứu sinh, thực tập sinh, sinh viên xuất sắc, nhà khoa học xuất sắc của ĐHQGHN trong năm 2022-2023.
Thu hút và trọng dụng nhà khoa học
ĐHQGHN đã triển khai hiệu quả một số giải pháp của Đề án phát triển đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, đầu ngành; áp dụng cơ chế tiếp nhận vào viên chức, tuyển dụng theo trường hợp đặc biệt hoặc mời các nhà khoa học xuất sắc ở trong và ngoài nước về làm việc, đảm nhiệm các vị trí quản lý hoặc vị trí chuyên môn quan trọng ở các đơn vị trực thuộc.
Ngày 10/5/2022, Giám đốc ĐHQGHN đã phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe đối với đội ngũ giáo sư đang làm việc tại ĐHQGHN, trên cơ sở nguồn lực y tế của ĐHQGHN, đồng thời giao cho Bệnh viện ĐHQGHN làm đầu mối triển khai thực hiện Đề án này. Chính sách này là tiền đề cho việc phát triển, tạo môi trường trọng dụng, đãi ngộ phục vụ công tác thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc tại ĐHQGHN. Sau hơn 1 năm triển khai Đề án, qua khảo sát lấy ý kiến của các giáo sư sau khi tham gia trải nghiệm sử dụng các dịch vụ nêu trên tại Bệnh viện, kết quả cho thấy, hầu hết các giáo sư đều cảm thấy hài lòng và mong muốn ĐHQGHN tiếp tục duy trì và phát triển chính sách này tốt hơn nữa. Các giáo sư đã sử dụng hầu hết các dịch vụ của Đề án tại Bệnh viện, trong đó dịch vụ thăm khám sức khỏe ban đầu (khám chữa bệnh theo yêu cầu) đạt tỷ lệ cao nhất, chiếm 43,2% trên tổng số giáo sư đã tham gia sử dụng dịch vụ.
Hầu hết các giáo sư đều cảm thấy hài lòng với Đề án chăm sóc sức khỏe đối với đội ngũ giáo sư đang làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Triển khai có hiệu quả Đề án ươm tạo đội ngũ nhà khoa học trẻ có trình độ cao và nhân lực tri thức đến năm 2025 và Đề án tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của đội ngũ nhà khoa học, nghiên cứu sinh thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Chính sách của Đề án đem đến cơ hội cho các cán bộ khoa học trẻ, vừa được tham gia các chương trình ươm tạo, vừa có cơ hội nhận học bổng làm nghiên cứu sinh và thực tập sinh tại ĐHQGHN, trong nước và quốc tế. Các mức học bổng tại ĐHQGHN lên đến 100 triệu đồng/năm cho nghiên cứu sinh và 120 triệu đồng/năm cho tiến sỹ trẻ có năng lực nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế xuất sắc hay nghiên cứu sau tiến sỹ.
Ngày 06/12/2022, Giám đốc ĐHQGHN ban hành Thông báo số 4299/ĐHQGHN-TCCB về việc thí điểm chính sách hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học trẻ (dưới 40 tuổi), có học vị tiến sỹ trở lên, có khả năng nghiên cứu về công tác tại ĐHQGHN, trong 3 năm đầu được đảm bảo cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN hoặc 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp đơn vị có tổng kinh phí tương đương kinh phí cấp cho 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN; hỗ trợ các công bố quốc tế chất lượng cao: 100 triệu đồng/bài đăng trên các tạp chí thuộc top 5% ngành/lĩnh vực; 70 triệu đồng/bài đăng trên các tạp chí thuộc nhóm Q1; 50 triệu đồng/bài đăng trên các tạp chí thuộc nhóm Q2; đối với các ngành khoa học cơ bản, hỗ trợ tài chính thông qua đặt hàng và giao nhiệm vụ cho cán bộ khoa học trẻ mới về công tác dưới 5 năm, để đảm bảo mức thu nhập bình quân tối thiểu là 15 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, ngày 20/09/2023, Giám đốc ĐHQGHN đã ban hành Thông báo số 3481/TB-ĐHQGHN về chính sách thu hút nhà khoa học xuất sắc, trong đó đối tượng thu hút là các nhà khoa học có thành tích nghiên cứu xuất sắc, ở trong và ngoài nước (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài), có mong muốn tham gia nghiên cứu khoa học, đảm nhận các vị trí trưởng nhóm nghiên cứu mạnh ở các lĩnh vực khoa học và công nghệ mà ĐHQGHN định hướng nghiên cứu ưu tiên.
Thúc đẩy hợp tác với các bộ, ngành/địa phương, doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức
ĐHQGHN có trách nhiệm đi đầu trong thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước, phát triển bền vững các vùng, địa phương. Do đó, ĐHQGHN luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, địa phương, góp phần giải quyết bài toán về xác lập cơ sở lý luận, phát triển kinh tế - xã hội trong việc triển khai các chương trình khoa học cấp Nhà nước. Hai trong số các chương trình tiêu biểu được ĐHQGHN triển khai thực hiện gồm: (i) Chương trình trọng điểm “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020; (ii) Nhiệm vụ KH&CN đặc biệt cấp Quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” (Nhiệm vụ Quốc chí). ĐHQGHN tiếp tục tham gia xây dựng và đề xuất các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia mới như: Chương trình chíp, bán dẫn, hydrogen, công nghệ sinh học, khoa học biển, khoa học sức khỏe, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo…
ĐHQGHN tham gia tư vấn chính sách, tổng kết nghị quyết, chương trình cho các bộ, ban, ngành Trung ương như Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ KH&CN. Ngoài ra, ĐHQGHN cũng tích cực tham gia tư vấn chính sách cho các địa phương về luận cứ, ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng như: Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 lồng ghép tư vấn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 cho các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (14 tỉnh) và một số địa phương khác (Quảng Ninh, Thái Bình, Hòa Bình); góp phần hoàn thiện dự thảo “Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” cho một số địa phương (Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Cà Mau…).
Thúc đẩy các hoạt động kết nối, chuyển giao khoa học và công nghệ, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ của cộng đồng nhà khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Hội nghị xúc tiến đầu tư tại ĐHQGHN được tổ chức thường niên nhằm giới thiệu tiềm lực và các sản phẩm khoa học và công nghệ của ĐHQGHN, từ đó thúc đẩy cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư, chuyển giao khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp, địa phương.
ĐHQGHN