Thứ năm, 07/11/2024 15:21

Liệu pháp miễn dịch ngăn ngừa các cơn đau tim tiến triển thành suy tim

Có thể làm chậm sự hình thành sẹo cơ tim nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn và tình trạng này có thể dẫn đến suy tim. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, liệu pháp miễn dịch sẵn có có thể ngăn chặn sự hình thành mô sẹo sau những cơn đau tim. Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Nature.

Khi tim bị tổn thương (sau một cơn đau tim), vùng mô bị tổn thương thường sẽ tự liền lại bằng mô sẹo, giúp tim duy trì cấu trúc, nhưng vấn đề là mô sẹo này không thể co bóp. Điều này làm rối loạn nhịp tim và có thể dẫn đến suy tim - tình trạng có thể gây tử vong nếu không có các biện pháp can thiệp (như ghép tim).

Liệu pháp miễn dịch mới có thể giúp ngăn ngừa hình thành mô sẹo sau cơn đau tim, giảm nguy cơ suy tim (nguồn: Depositphotos).

TS Kory Lavine - tác giả chính của nghiên cứu cho biết, khi mô sẹo đã hình thành trong tim, khả năng phục hồi của nó bị suy giảm nghiêm trọng hoặc thậm chí là không thể. Các phương pháp điều trị hiện tại có thể làm giảm triệu chứng và làm chậm quá trình, nhưng cần có các liệu pháp tốt hơn để ngăn chặn hoàn toàn sự hình thành mô sẹo gây mất chức năng tim. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ mở ra các thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp miễn dịch này cho bệnh nhân suy tim.

Fibroblasts là các tế bào giúp phát triển mô liên kết mới. Trong tim có nhiều loại tế bào fibroblasts khác nhau (một số có thể tạo ra mô có khả năng co bóp - rất quan trọng trong việc sửa chữa tổn thương sau cơn đau tim; số khác lại tạo ra mô sẹo, gây ra nhiều tác động tiêu cực). Xác định được nhóm tế bào nào đóng vai trò gì là một thách thức, nhưng nhờ công nghệ giải trình tự tế bào đơn tiên tiến, nhóm nghiên cứu đã làm được điều này. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu phân tích biểu hiện gen của 45 trái tim hiến tặng, bao gồm cả những trái tim khỏe mạnh, những trái tim bị tổn thương do đau tim trước đó và những trái tim bị suy mãn tính. Qua đó, họ phát hiện ra rằng, một nhóm tế bào gọi là FAP+ fibroblasts đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mô sẹo, nhưng không tham gia vào việc tạo mô co bóp.

Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu liệu có thể ngăn chặn tế bào FAP+ hay không và nhận thấy phân tử tín hiệu IL-1 beta là yếu tố chính trong quá trình tạo mô sẹo trong tim. Khi thử nghiệm một loại kháng thể đơn dòng có khả năng ức chế IL-1 beta trên chuột, kết quả cho thấy những con chuột được điều trị có ít tế bào FAP+ hơn, ít mô sẹo hơn và chức năng tim cải thiện rõ rệt. Hiện có 2 loại kháng thể đơn dòng đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận có khả năng ức chế tín hiệu IL-1, hiện đang được dùng để điều trị các rối loạn viêm. Một trong số đó đã được thử nghiệm điều trị xơ vữa động có thể hỗ trợ giảm hình thành mô sẹo tim.

TS Kory Lavine chia sẻ, mặc dù thử nghiệm này không được thiết kế để điều trị suy tim, nhưng có dữ liệu cho thấy kháng thể đơn dòng này có thể có lợi cho bệnh nhân suy tim. Các phân tích thứ cấp từ dữ liệu thử nghiệm cho thấy rằng, việc điều trị này giúp giảm đáng kể số ca nhập viện vì suy tim so với phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Điều này mở ra triển vọng trong tương lai gần, liệu pháp miễn dịch này có thể được áp dụng để ngăn chặn chuỗi liên kết giữa cơn đau tim và suy tim. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng, cần có thêm các nghiên cứu để hạn chế những tác dụng phụ, bao gồm nguy cơ nhiễm trùng.

Xuân Bình (theo Newatlas)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)