Một nghiên cứu gần đây tại Bệnh viện Nhân dân số 3 (Trung Quốc) cho thấy, vitamin K2 có thể giúp giảm thiểu tình trạng chuột rút ban đêm. Một thử nghiệm lâm sàng trên 199 người đã chỉ ra rằng, vitamin K2 không chỉ giúp làm giảm số lần chuột rút mà còn giảm cường độ đau và thời gian kéo dài của các cơn chuột rút này. Kết quả của nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí JAMA Internal Medicine.
Các nhà khoa học cho biết, nghiên cứu này được phát triển dựa trên các nghiên cứu trước đây của nhóm về tác dụng của vitamin K2 trong việc giảm chuột rút ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng vitamin K2 đặc biệt cho điều trị chuột rút chân về đêm. Hiện nay, các biện pháp thay đổi lối sống, như tập thể dục và uống đủ nước, đã giúp giảm phần nào tần suất chuột rút nhưng không thực sự hiệu quả, đặc biệt với người lớn tuổi.
Vitamin K2 có thể giúp giảm chuột rút vào ban đêm.
Một số biện pháp điều trị chuột rút ban đêm phổ biến hiện nay gồm: Magie: có tác dụng giúp giảm chuột rút ở phụ nữ mang thai, nhưng chưa thực sự hiệu quả với chuột rút ban đêm ở người cao tuổi; Quinine: Dù có tác dụng tốt, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không khuyến nghị do có nguy cơ gây tác dụng phụ nghiêm trọng; Luyện tập thể chất và giữ nước: giúp giảm tần suất chuột rút nhưng hiệu quả không rõ ràng với người trên 50 tuổi.
Để kiểm tra hiệu quả của vitamin K2 đối với chuột rút chân về đêm, nhóm nghiên cứu đã chọn 199 người tham gia thử nghiệm trong độ tuổi từ 65 trở lên và có ít nhất 2 cơn chuột rút mỗi 2 tuần. Đây là một thử nghiệm lâm sàng đối chứng với giả dược, phân đôi ngẫu nhiên và kéo dài 8 tuần. Nhóm nghiên cứu chia người tham gia thành 2 nhóm: 103 người nhận 180 μg vitamin K2 hằng ngày và 96 người còn lại nhận giả dược. Trong số đó, 54% là nữ và độ tuổi trung bình là 72. Trong suốt thời gian nghiên cứu, các bệnh nhân được đánh giá hằng tuần về tần suất, cường độ và thời gian kéo dài của chuột rút chân. Cả hai nhóm bắt đầu với tần suất chuột rút tương đương, trung bình 2,6 cơn/tuần ở nhóm dùng vitamin K2 và 2,71 cơn/tuần ở nhóm giả dược. Sau 8 tuần, nhóm dùng vitamin K2 giảm xuống còn trung bình 1,41 cơn mỗi tuần, trong khi nhóm giả dược lại tăng lên 3,63 cơn. Những người dùng vitamin K2 không chỉ giảm tần suất chuột rút mà còn giảm thời gian và mức độ đau trong các cơn chuột rút. Đặc biệt, không ai trong nhóm này gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng. Nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả của việc bổ sung vitamin K2 hằng ngày là làm giảm tần suất, thời gian và cường độ của các cơn chuột rút ở người lớn tuổi bị chuột rút chân về đêm.
Mặc dù có kết quả tích cực, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra một số hạn chế trong nghiên cứu này, do chưa đánh giá được tác động của vitamin K2 lên chất lượng giấc ngủ và cuộc sống tổng thể của người tham gia. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, nhiều người tham gia chỉ gặp các cơn chuột rút nhẹ. Các nhà khoa học khuyến nghị, các nghiên cứu trong tương lai nên mở rộng thêm về các yếu tố này để đánh giá chính xác hiệu quả của vitamin K2. Vitamin K2, khi sử dụng đúng liều lượng, có rủi ro tác dụng phụ rất thấp. Tuy nhiên, một số người có thể gặp tình trạng đầy hơi, khó tiêu hoặc đau đầu nhẹ trong giai đoạn đầu sử dụng.
Nghiên cứu cho thấy, vitamin K2 có tiềm năng lớn trong việc giảm chuột rút chân về đêm, đặc biệt với người cao tuổi. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào, nhóm nghiên cứu khuyên người sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sỹ để đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu được sử dụng đúng cách, vitamin K2 có thể giúp giảm chuột rút, cải thiện giấc ngủ và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhiều người.
Xuân Bình (theo Newatlas)