Chỉnh sửa gen cho phép các nhà lai tạo giống nghiên cứu trên chính bộ gen của cây trồng để cho ra các kết quả mà các phương pháp truyền thống khác có thể tạo ra nhưng với mức độ chính xác và hiệu quả cao hơn. Cây trồng chỉnh sửa gen được xem là giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giải quyết nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu với nhiều lợi ích mang lại cho cho nông dân, người tiêu dùng và môi trường. Với nông dân: chỉnh sửa gen giúp cây trồng thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận, tăng sản lượng và chất lượng từ đó cải thiện sinh kế và lợi ích cho nông dân; người tiêu dùng: cung cấp nguồn thực phẩm dinh dưỡng, an toàn và chất lượng tốt hơn; môi trường: tiết kiệm nguyên liệu đầu vào (đất, nước, vật tư nông nghiệp), bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Cả hai loại cây trồng chỉnh sửa gen và biến đổi gen/chuyển gen đều có những thay đổi về DNA từ kết quả của việc sử dụng các kỹ thuật khác nhau của công nghệ sinh học. Tuy nhiên, cây trồng chỉnh sửa gen và biến đổi gen khác nhau bởi cách thức tạo ra những thay đổi này.
Với cây trồng chỉnh sửa gen: Công cụ chỉnh sửa gen cho phép các nhà lai tạo giống tạo ra những thay đổi chính xác đối với DNA của thực vật. Trong đó, một số kỹ thuật chỉnh sửa gen sẽ tạo ra những thay đổi nhỏ mà không cần đưa vào hệ gen thực vật DNA của một sinh vật khác (sinh vật ngoại lai). Kỹ thuật này sẽ tạo ra những cây trồng tương đồng với những cây trồng được tạo ra bằng phương pháp lai truyền thống. Hầu hết các sản phẩm/ứng dụng chỉnh sửa gen phổ biến hiện nay đều đi theo kỹ thuật này. Một số kỹ thuật chỉnh sửa gen khác sẽ chèn DNA của sinh vật ngoại lai vào cây trồng, kết quả sẽ tạo ra những cây trồng tương tự như cây trồng biến đổi gen.
Với cây trồng biến đổi gen: Kỹ thuật chuyển gen sẽ đưa DNA ngoại lai vào cây trồng để tạo ra những thay đổi có chủ đích, từ đó tạo ra những tính trạng mong muốn. Kết quả của quá trình này là tạo ra những cây trồng chuyển gen không thể được tìm thấy trong tự nhiên hoặc không thể được tạo ra bằng phương pháp lai truyền thống.
Hiện nay, các cây trồng được ưu tiên chọn tạo và cải tiến bởi công nghệ chỉnh sửa gen bao gồm các cây ngũ cốc như lúa gạo, ngô, lúa mỳ, đậu tương và loại cây lương thực khác khác như: cà chua, sắn, bông, khoai tây, cây có múi... Số lượng tính trạng sửa gen nhằm cải thiện chất lượng cây trồng (về thành phần và mùi vị) đang là nhiều nhất với gần 50% các tính trạng được nghiên cứu; tiếp theo là các tính trạng kháng sâu bệnh và chống chịu thuốc bảo vệ thực vật...
Kể từ khi bắt đầu được nghiên cứu và phát triển đến nay, số lượng các nước hoàn thiện khung pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen đang ngày một tăng trên toàn cầu. Trong 5 năm trở lại đây, các nước châu Á đang cho thấy nỗ lực đẩy nhanh quá trình hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen theo hướng khoa học. Chính phủ cho thấy sự ủng hộ và cởi mở với công nghệ này - coi đây là giải pháp canh tác quan trọng trong chiến lược phát triển của từng quốc gia và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày một gia tăng trong khu vực.
Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia đều đang tiến hành rà soát khung pháp lý và có những bước tiến khá nhanh trong năm 2024 trong việc đưa ra các hướng dẫn cụ thể đối với công nghệ chỉnh sửa gen. Philippines là quốc gia đi đầu trong khu vực trong việc cung cấp hướng dẫn pháp lý và hiện tại đã cấp phép sử dụng và thương mại đối với một số cây trồng chỉnh sửa gen. Thái Lan và Singapore trong tháng 8/2024 vừa qua đã thông qua quy định pháp lý cho cây trồng này. Indonesia đang trong giai đoạn dự thảo, lấy ý kiến. Nhìn chung các quốc gia Đông Nam Á có cách tiếp cận khá tương đồng trong việc quản lý cây trồng chỉnh sửa gen khi cân nhắc theo sản phẩm cuối, nếu sản phẩm cuối không chứa DNA ngoại lai thì sẽ được cấp phép và quản lý như cây trồng tạo ra bằng phương pháp lai truyền thống.
Xu hướng chung trong những hướng dẫn pháp lý của các quốc gia thuộc châu Mỹ và châu Á là cởi mở và có tính dự báo để thích ứng với tốc độ phát triển công nghệ mới; đồng thời dựa trên đánh giá khoa học để đảm bảo an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường. Các quốc gia này đều đưa ra những khái niệm và phân loại cụ thể đối với các loại cây trồng chỉnh sửa gen. Theo đó, nếu cây trồng chỉnh sửa gen cuối không chứa DNA ngoại lai thì sẽ được xem xét đánh giá và quản lý như cây trồng truyền thống.
Mặc dù không phải châu lục có các chính sách ban đầu cởi mở với cây trồng chỉnh sửa gen, tuy nhiên Ủy ban châu Âu hiện đang đề xuất thay đổi chính sách quản lý theo xu hướng chung. Bên cạnh đó, một số quốc gia châu Phi cũng đã đưa ra hướng dẫn pháp lý hoặc đệ trình các hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen.
CT