Các xã hội có chế độ pháp quyền kém và các thể chế bóc lột dân chúng không tạo ra sự tăng trưởng hoặc thay đổi theo hướng tốt hơn. Nghiên cứu của các nhà khoa học được trao Giải Nobel Kinh tế lần này đã giúp chúng ta hiểu lý do tại sao điều đó xảy ra.
Khi người châu Âu thực dân hóa phần lớn thế giới, thể chế trong các xã hội đó đã thay đổi. Những thay đổi có thể diễn ra rất mạnh mẽ, nhưng lại không giống nhau ở mọi nơi. Ở một số khu vực, mục tiêu của thực dân là khai thác dân cư bản địa và trục lợi tài nguyên phục vụ cho lợi ích của thực dân. Trong khi đó, ở những nơi khác, thực dân lại thiết lập các hệ thống chính trị và kinh tế bao trùm nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho những người di cư châu Âu.
Ba nhà khoa học kinh tế đã chỉ ra rằng, lý do giải thích cho sự khác biệt về mức độ thịnh vượng giữa các quốc gia là do các thể chế xã hội được thiết lập trong thời kỳ thực dân. Các thể chế dung nạp thường được áp dụng ở những quốc gia nghèo khi bị thực dân hóa, và theo thời gian, điều này dẫn đến sự thịnh vượng chung của dân cư. Đây là một lý do quan trọng giải thích vì sao những thuộc địa trước đây từng giàu có giờ đây lại trở nên nghèo nàn và ngược lại.
Một số quốc gia rơi vào tình trạng bị kìm hãm bởi các thể chế khai thác và tăng trưởng kinh tế thấp. Việc thiết lập các thể chế dung nạp sẽ tạo ra lợi ích lâu dài cho tất cả mọi người, nhưng các thể chế khai thác mang lại lợi ích ngắn hạn cho những người nắm quyền. Miễn là hệ thống chính trị đảm bảo cho họ tiếp tục kiểm soát, không ai sẽ tin vào những lời hứa về cải cách kinh tế trong tương lai. Theo các nhà khoa học, đây là lý do tại sao không có sự cải thiện nào diễn ra. Tuy nhiên, sự thiếu khả năng đưa ra những lời hứa đáng tin cậy về sự thay đổi tích cực cũng có thể giải thích vì sao đôi khi quá trình dân chủ hóa lại diễn ra. Khi có nguy cơ cách mạng, những người nắm quyền phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ muốn tiếp tục nắm quyền và cố gắng xoa dịu quần chúng bằng cách hứa hẹn cải cách kinh tế, nhưng dân chúng khó có thể tin rằng họ sẽ không quay lại chế độ cũ ngay khi tình hình lắng xuống. Cuối cùng, lựa chọn duy nhất có thể là chuyển giao quyền lực và thiết lập nền dân chủ.
Jakob Svensson - Chủ tịch Ủy ban Giải Nobel Kinh tế cho biết, 3 nhà khoa học được trao Giải Nobel đã chứng minh được tầm quan trọng của các thể chế xã hội trong việc giảm bớt sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các quốc gia - một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta.
Bắc Lê (theo The Nobel Prize)