Chỉ phẫu thuật thường được sử dụng để điều trị vết thương lớn và sâu trên da, giúp kéo hai mép vết thương lại gần nhau để cơ thể có thể tự phục hồi. Nếu không có chúng, quá trình lành sẽ lâu hơn, dễ để lại sẹo và nguy cơ nhiễm trùng cũng cao hơn. Tuy nhiên, chỉ phẫu thuật truyền thống cũng có những hạn chế. Khi vận động, vết thương có thể bị bung ra, sau khi “hoàn thành nhiệm vụ”, chỉ phẫu thuật thường phải được rút ra.
Hình ảnh thực tế của chỉ phẫu thuật thông minh (nguồn: Scimex).
Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Đại học Đông Hoa (Trung Quốc) đã tìm cách giải quyết những vấn đề này. Loại chỉ phẫu thuật mới này được làm từ sợi cơ học điện đặc biệt. Khi các lớp lõi và vỏ của sợi này chạm và tách rời nhau trong quá trình di chuyển, chúng sẽ tạo ra điện trường. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, các trường điện có thể thúc đẩy quá trình lành vết thương nhanh hơn. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm ý tưởng này trên các mô tế bào trong phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy, sau 24 giờ, diện tích vết thương sử dụng chỉ phẫu thuật điện đã giảm từ 69 xuống 10,8%. Trong khi đó, nhóm đối chứng sử dụng chỉ phẫu thuật thông thường vẫn còn 32,6% diện tích vết thương trong cùng khoảng thời gian. Điều quan trọng là các tín hiệu điện này dường như thúc đẩy sự di chuyển nhanh hơn của các tế bào fibroblast (tế bào sợi) - những tế bào chịu trách nhiệm sản xuất collagen và xây dựng mô liên kết mới.
Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên chuột. Sau 10 ngày, vết thương của những con chuột được sử dụng chỉ phẫu thuật điện đã lành đến 96,5%, trong khi nhóm đối chứng chỉ lành được 60,4%.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn kiểm tra tỷ lệ nhiễm trùng của chỉ phẫu thuật điện so với chỉ phẫu thuật truyền thống. Dù vết thương có được khử trùng hằng ngày hay không, những con chuột được sử dụng chỉ phẫu thuật điện có lượng vi khuẩn thấp hơn đáng kể so với những con được khâu bằng chỉ thông thường.
Trước đây, một số phương pháp chữa lành vết thương bằng điện đã sử dụng các hệ thống phức tạp gồm cảm biến sinh học, pin và bộ kích điện. Tuy nhiên, loại chỉ phẫu thuật mới này có lợi thế là hoạt động thụ động, chỉ cần dựa vào chuyển động tự nhiên của bệnh nhân để tạo ra điện. Một lợi ích khác của chỉ phẫu thuật điện này là được làm từ vật liệu có khả năng phân hủy sinh học, giúp chúng tự tan trong cơ thể mà không cần phải tháo bỏ sau khi vết thương lành. Điều này giảm bớt sự xâm lấn và khó chịu cho bệnh nhân. Nhóm nghiên cứu cho biết, vẫn cần thực hiện thêm nghiên cứu trước khi công nghệ này có thể được thử nghiệm trên người và sử dụng trong lâm sàng. Tuy nhiên, đây là một ý tưởng đầy hứa hẹn giúp vết thương lành nhanh hơn và an toàn hơn trong tương lai.
TXB (theo Scimex)