Thứ năm, 10/10/2024 15:18

Từng nhiễm COVID-19 có thể bảo vệ bạn khỏi cúm nặng không?

Một phát hiện mới về cách thức mà cơ thể phản ứng với những nhiễm trùng hô hấp trước đây có tác động tích cực đến các lần nhiễm virus sau này đã mở ra tiềm năng giúp tăng cường miễn dịch kháng virus để chuẩn bị cho các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.

Có hơn 200 loại virus có thể gây bệnh cho con người và phần lớn chúng ta sẽ bị nhiễm nhiều loại trong suốt cuộc đời. Vậy một lần nhiễm virus có ảnh hưởng gì đến cách hệ miễn dịch của bạn phản ứng với một loại virus khác không? Nó làm suy yếu hay tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể? Đây là những câu hỏi mà các nhà khoa học từ Đại học Rockefeller (Mỹ) và Đại học Y khoa Weill Cornell (Mỹ) đã cùng nhau giải đáp trong một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Immunity.

Việc phục hồi sau COVID-19 có tác dụng bảo vệ chống lại các tác động nghiêm trọng của cúm.

Bằng cách phân tích những con chuột bị nhiễm SARS-CoV-2 và sau đó là virus cúm A, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, việc phục hồi sau COVID-19 có tác dụng bảo vệ chống lại các tác động nghiêm trọng của cúm. Điều đặc biệt là phản ứng này đến từ một phần bất ngờ của hệ miễn dịch. Các tế bào miễn dịch bẩm sinh như đại thực bào - vốn là những “người lính” đầu tiên phản ứng với mối đe dọa - đã phát triển một loại "trí nhớ" sau khi nhiễm COVID-19, giúp chúng phản ứng mạnh mẽ hơn với một loại virus khác không liên quan. Trước đây, người ta cho rằng, trí nhớ miễn dịch chỉ giới hạn ở các tế bào miễn dịch thích nghi, nhưng nghiên cứu này đã thách thức quan niệm đó.

Phát hiện này giúp tăng cường hiểu biết về trí nhớ miễn dịch bẩm sinh và mở ra khả năng phát triển các liệu pháp tạo ra khả năng bảo vệ chống lại nhiều loại virus. Alexander Lercher - tác giả chính của nghiên cứu cho biết, điều thú vị là nhóm nghiên cứu phát hiện ra trí nhớ miễn dịch kháng virus mạnh mẽ trong các tế bào đại thực bào sau khi nhiễm SARS-CoV-2, giúp giảm thiểu bệnh do một virus hoàn toàn khác gây ra.

Khi một virus xâm nhập cơ thể, các phân tử báo hiệu gọi là cytokine sẽ kích hoạt các tế bào miễn dịch bẩm sinh (như đại thực bào) để tấn công các mầm bệnh. Sau đó, các tế bào miễn dịch thích nghi (như tế bào T) sẽ xác định virus và tạo ra phản ứng đặc hiệu. Tuy nhiên, những phát hiện gần đây cho thấy, phản ứng miễn dịch bẩm sinh cũng có thể phát triển “trí nhớ”. Ví dụ, những người tiêm vắc-xin BCG để chống bệnh lao đã phát triển trí nhớ miễn dịch bẩm sinh kéo dài hàng tháng và giúp bảo vệ họ khỏi các bệnh nhiễm trùng khác không liên quan.

Nhóm nghiên cứu tập trung vào các tế bào đại thực bào trong phổi và phát hiện rằng, sau khi nhiễm COVID-19 các tế bào này có sự thay đổi về mặt di truyền. Cụ thể, các gen kháng virus trong tế bào này trở nên dễ tiếp cận hơn, sẵn sàng phản ứng nhanh chóng nếu có nhiễm trùng mới xảy ra. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở chuột mà còn được tìm thấy ở người đã phục hồi sau COVID-19.

Kết quả là, các tế bào đại thực bào trong phổi của chuột sau khi phục hồi từ COVID-19 có thể chống lại tốt hơn các bệnh do virus cúm gây ra, giúp giảm triệu chứng và nguy cơ tử vong. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu mong muốn xác định các yếu tố quan trọng để tạo nên trí nhớ miễn dịch bẩm sinh. Điều này có thể dẫn đến việc phát triển các liệu pháp cung cấp khả năng bảo vệ rộng rãi trước nhiều loại virus. Alexander Lercher chia sẻ thêm, nếu có một mầm bệnh mới xuất hiện, chúng ta có thể có một liệu pháp giúp tăng cường miễn dịch kháng virus chung trong vài tháng. Mặc dù vẫn còn cần thêm nhiều nghiên cứu, nhưng phát hiện này mở ra tiềm năng cho việc chuẩn bị tốt hơn trong các tình huống đại dịch có thể xảy ra.

Xuân Bình (theo Science Daily)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)