Thứ tư, 09/10/2024 19:16

Ảnh hưởng của “hóa chất vĩnh cửu” đến chất lượng giấc ngủ

Các “hóa chất vĩnh cửu” vẫn luôn là vấn đề lớn với môi trường và ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy chúng là một trong những mối nguy hại nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng, những người có mức PFAS (các chất per- và polyfluoroalkyl)  cao trong máu thường có giấc ngủ kém hơn, kết quả của nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí Environmental Advances.

PFAS (các chất per- và polyfluoroalkyl) là nhóm hóa chất rất hiệu quả trong việc chống thấm nước, dầu, mỡ và chịu nhiệt, nên thường được sử dụng trong quần áo chống nước, chảo chống dính và bọt chữa cháy. Tuy nhiên, chính tính bền vững này khiến chúng tồn tại trong môi trường hầu như vô thời hạn, vì thế chúng được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”. Cũng bởi những đặc tính này, chúng cũng có thể tích tụ trong cơ thể con người và gây ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe như tiểu đường, ung thư, rối loạn hệ miễn dịch và nhiều bệnh khác.

Một nghiên cứu mới đây đã bổ sung thêm một vấn đề sức khỏe nữa liên quan đến PFAS, đó là gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam California (Mỹ) phát hiện, những người có mức PFAS cao, đặc biệt là 4 loại PFAS là PFDA, PFHxS, PFOA và PFOS, thường có giấc ngủ ngắn hơn, chất lượng giấc ngủ thấp hơn. Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu máu của 144 người tham gia (trong độ tuổi từ 19 đến 24) và kiểm tra mức độ của 7 loại PFAS. Sau đó, họ đối chiếu các dữ liệu này với thông tin về thói quen ngủ của những người tham gia. Kết quả cho thấy, 4 loại PFAS có liên quan đáng kể và gây ra tình trạng giấc ngủ kém. Những người có mức PFDA, PFHxS và PFOA cao nhất trung bình ngủ ít hơn khoảng 80 phút so với những người có mức PFAS thấp hơn. Còn với những người có mức PFOS cao thì có các dấu hiệu như khó ngủ, khó duy trì giấc ngủ, thức dậy giữa đêm và mệt mỏi vào ban ngày.

Để tìm hiểu nguyên nhân, nhóm nghiên cứu đã xem xét các gen mà PFAS tác động, các gen liên quan đến rối loạn giấc ngủ và protein trong mẫu máu. Từ đó, nhóm nghiên cứu xác định được 7 gen vừa bị kích hoạt bởi PFAS vừa ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ví dụ, gen HSD11B1 giúp sản xuất cortisol, hormone giúp bạn tỉnh táo vào những thời điểm quan trọng trong ngày hoặc khi bị căng thẳng.

Shiwen Li - tác giả chính của nghiên cứu cho biết, nếu sự biểu hiện của protein mã hóa bởi gen HSD11B1 bị rối loạn, có nghĩa là mức cortisol cũng có thể bị rối loạn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ. Một gen khác là cathepsin B, có liên quan đến sự suy giảm nhận thức đối với người mắc bệnh Alzheimer. Các nhà nghiên cứu dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu về tác động của các “hóa chất vĩnh cửu” này đến giấc ngủ. Nhóm nghiên cứu cho biết thêm, hiện nay có rất ít phương pháp giúp giảm lượng PFAS trong cơ thể, ngoại trừ hiến máu thường xuyên.

TXB (theo University of Southern California)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)