Kết quả của nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Geoscience cho thấy, mạng lưới sông cách Everest khoảng 75 km đang tạo ra một khe núi lớn. Sự mất đi của lượng đất và đá này khiến cho Everest được “đẩy” lên cao (mỗi năm thêm khoảng 2 mm) và trong 89.000 năm qua, đã khiến chiều cao của ngọn núi tăng 15-50 m.
Với chiều cao 8.849 m, Everest, còn được gọi là Chomolungma trong tiếng Tây Tạng hoặc Sagarmāthā trong tiếng Nepal - là ngọn núi cao nhất thế giới. Vượt khoảng 250 m so với đỉnh núi cao thứ 2 trong dãy Himalaya, Everest được coi là bất thường về chiều cao, vì 3 ngọn núi cao nhất tiếp theo - K2, Kangchenjunga và Lhotse - chỉ cao hơn nhau khoảng 120 m. Sự bất thường này được giải thích bởi một lực nâng lên từ bên dưới vỏ Trái đất. Khi một dòng sông gần đó làm xói mòn lượng lớn đá và đất, áp lực từ lớp phủ lỏng bên dưới vỏ Trái đất trở nên lớn hơn lực hút trọng lực, đẩy phần vỏ Trái đất “nổi” lên. Đây là hiệu ứng gọi là phục hồi đẳng tĩnh, một quá trình diễn ra chậm, thường chỉ vài mm mỗi năm, nhưng qua hàng triệu năm có thể làm thay đổi đáng kể bề mặt Trái đất.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng, vì quá trình này, Everest đã cao thêm 15-50 m trong 89.000 năm qua, kể từ khi sông Arun gần đó hợp dòng với mạng lưới sông Kosi. Adam Smith - đồng tác giả và nghiên cứu sinh tại Đại học London cho biết, Everest là một ngọn núi kỳ diệu và huyền thoại, nó vẫn đang tiếp tục “lớn lên”. Nghiên cứu của nhóm cho thấy khi hệ thống sông gần đó ăn mòn sâu hơn, việc mất đất này khiến ngọn núi được đẩy lên cao hơn. Hiện tại, sông Arun chảy ở phía Đông của Everest và hợp với hệ thống sông Kosi ở hạ nguồn. Qua hàng ngàn năm, sông Arun đã tạo ra một khe núi lớn dọc theo bờ sông, rửa trôi hàng tỷ tấn đất và trầm tích.
Jin-Gen Dai - đồng tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Địa chất Trung Quốc giải thích, một hệ thống sông đặc biệt tồn tại trong khu vực Everest. Sông Arun chảy về phía đông ở độ cao lớn với thung lũng bằng phẳng, sau đó đột ngột chuyển hướng xuống phía nam như sông Kosi, làm giảm độ cao đột ngột và tạo ra địa hình dốc. Địa hình độc đáo này có thể liên quan đến chiều cao bất thường của Everest. Hiệu ứng nâng lên không chỉ ảnh hưởng đến Everest mà còn các đỉnh núi lân cận như Lhotse và Makalu, hai ngọn núi cao thứ tư và thứ năm thế giới. Do Makalu nằm gần sông Arun hơn, nó có thể chịu tốc độ nâng cao lớn hơn chút so với Everest.
Matthew Fox - đồng tác giả của nghiên cứu cho biết thêm, Everest và các đỉnh lân cận đang tiếp tục cao lên vì quá trình phục hồi đẳng tĩnh nâng chúng lên nhanh hơn tốc độ xói mòn. Nhóm tác giả có thể quan sát được độ cao tăng thêm (khoảng 2 mm mỗi năm) nhờ các thiết bị GPS và giờ đây họ đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân của hiện tượng này. Qua việc nghiên cứu tỷ lệ xói mòn của các con sông Arun, Kosi và các dòng sông khác trong khu vực, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng khoảng 89.000 năm trước, sông Arun đã hợp dòng với hệ thống sông Kosi, gia tăng sức mạnh xói mòn và rửa trôi nhiều trầm tích và đất đá hơn. Điều này dẫn đến tốc độ nâng cao nhanh hơn, đẩy các đỉnh núi lên cao hơn.
Tiến sỹ Xu Han - tác giả chính của nghiên cứu nhận định, sự thay đổi chiều cao của Everest là minh chứng rõ ràng về tính động của bề mặt Trái đất. Sự tương tác giữa quá trình xói mòn của sông Arun và áp lực từ lớp phủ Trái đất giúp đẩy Everest lên cao hơn so với bình thường.
Xuân Bình (theo Science Daily)