Thứ ba, 22/10/2024 15:21

Bến Tre: Phát triển xanh, bền vững, hướng tới Net Zero

PGS.TS Lâm Văn Tân

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre

Bến Tre có hơn 75% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó hơn 79.000 ha trồng dừa, chiếm khoảng 40% tổng diện tích dừa cả nước. Trung bình, cây dừa giúp tỉnh thu về hơn 400 triệu USD/năm. Nhằm phát huy hơn nữa giá trị của loại cây trồng chủ lực này, Bến Tre đã và đang dần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào ngành dừa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước. Đặc biệt, Bến Tre đang đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ “Đánh giá tiềm năng tỉnh Bến Tre tham gia thị trường carbon” gắn với mục tiêu xây dựng “Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới Net Zero” vào năm 2050.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo khoa học ngành dừa “Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới net zero”.

Dừa - niềm kiêu hãnh của quê hương Đồng Khởi

Dừa là một trong nhiều loại cây trồng có thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của người dân Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Số liệu thống kê đến năm 2023 cho thấy, cả nước có khoảng 196.767 ha trồng dừa, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung Bộ và ĐBSCL, trong đó Bến Tre có 79.120 ha (chiếm 40%).

Đầu năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, gồm: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa. Theo nội dung của Đề án, đến năm 2030, cả nước sẽ có diện tích trồng dừa đạt khoảng 195-210 nghìn ha, trong đó vùng ĐBSCL đạt khoảng 170-175 nghìn ha.

 Được xem là nguyên liệu quan trọng cho một số ngành công nghiệp như hoá chất, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm..., dừa đã trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng triệu người dân. Với khả năng thích ứng với các điều kiện khí hậu khác nhau, cây dừa còn được xem là một loại cây chiến lược trong việc duy trì và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nhiều nghiên cứu cho thấy, với tuổi thọ lâu dài và khả năng lưu giữ carbon lớn, cây dừa có khả năng lưu giữ lượng lớn CO2 trong chu kỳ sống.

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học ngành dừa “Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới net zero”, ngày 16/08/2024 tại Bến Tre.

Với tiềm năng sẵn có, cây dừa có nhiều cơ hội tạo giá trị kinh tế gia tăng thông qua việc bán tín chỉ carbon, góp phần giúp “Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới Net Zero”. Tuy nhiên, hướng đi này mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, còn rất nhiều khó khăn để trở thành hiện thực, giúp tăng thu nhập thực sự cho người trồng dừa.

Xác định tầm quan trọng của cây dừa trong phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm phát triển ngành dừa. Nổi bật là việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm từ dừa. Hiện nay, Bến Tre có hơn 200 sản phẩm được sản xuất từ dừa như: dầu dừa, kẹo dừa, thạch dừa, nước dừa đóng hộp, nước cốt dừa đóng lon, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, than dừa hoạt tính, chỉ xơ dừa… Các sản phẩm này đã có mặt tại thị trường của hơn 90 quốc gia/vùng lãnh thổ và đang không ngừng mở rộng.

Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã dần được hoàn thiện và phát triển nhanh, có khả năng tiêu thụ gần 86% lượng dừa thu hoạch. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 180 doanh nghiệp (chiếm 26% số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh) và gần 2.400 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ dừa. Trung bình mỗi năm, Bến Tre sản xuất khoảng 50.000 tấn cơm dừa nạo sấy, hàng trăm triệu lít nước cốt dừa, 40 triệu lít nước dừa đóng lon, 30.000 tấn chỉ xơ dừa, 12.000 tấn than dừa hoạt tính, góp phần giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động. Năm 2023, ngành sản xuất chế biến dừa chiếm 9,57% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và gần 27,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ngành dừa được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu 1 tỷ USD/năm vào năm 2025 cho địa phương.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh (ngoài cùng bên trái) cùng các đại biểu tham quan Không gian trưng bày các sản phẩm dừa, ngày 16/08/2024 tại Bến Tre.

Để tham gia thị trường carbon, hướng tới xây dựng “Bến Tre xanh và bền vững”, thời gian các sở/ngành của Bến Tre sẽ tập trung triển khai những giải pháp chủ yếu sau:  

Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các tỉnh/thành phố trọng điểm về ngành hàng dừa. Phát triển bền vững ngành dừa không thể thực hiện được nếu thiếu sự hợp tác của các bên liên quan, bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức khoa học, doanh nghiệp và người nông dân. Sự phối hợp này sẽ giúp phát huy tốt nhất các nguồn lực và nâng cao kết quả thực hiện những giải pháp đề ra.

Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Đây được xem là điều kiện để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm từ dừa. Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ để thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm từ dừa. Triển khai các hoạt động nghiên cứu về bảo tồn nguồn gen, lựa chọn giống dừa có năng suất, chất lượng nhằm tham gia thị trường carbon và nâng cao giá trị kinh tế của cây dừa.

Thứ ba, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương. Cụ thể là chủ động, tích cực tham gia các chương trình KH&CN có liên quan đến cây dừa hoặc phát thải carbon thấp...

Thứ tư, tăng cường nhận thức cho người dân và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là các yếu tố quan trọng giúp ngành dừa phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Thứ năm, ngành dừa tỉnh Bến Tre cần xây dựng lộ trình và cam kết cụ thể trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, hướng tới Net Zero vào năm 2050. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mở ra nhiều cơ hội mới về kinh tế thông qua phát triển thị trường tín chỉ carbon và các chương trình phát triển bền vững. Sau khi có kết quả thực hiện nhiệm vụ "Đánh giá tiềm năng tỉnh Bến Tre tham gia thị trường carbon” (nhiệm vụ này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre triển khai từ đầu năm 2024), Bến Tre sẽ có những định hướng cụ thể để tham gia thị trường carbon.

Với mục tiêu hướng tới xây dựng “Bến Tre xanh và bền vững”, trong thời gian tới, Bến Tre mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ KH&CN và các bộ/ngành chức năng, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước... tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh Bến Tre và các tỉnh/thành phố trồng dừa. Về phía địa phương, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng, banh hành chính sách, kế hoạch…, nhằm phát triển thị trường chứng chỉ carbon của ngành dừa tỉnh Bến Tre, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển “Bến Tre xanh và bền vững”, hướng tới Net Zero.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)