Chế độ ăn kiêng ít carbohydrate có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
Tại các nước phát triển, tỷ lệ mắc T2D vẫn tăng mặc dù đã có nhiều biện pháp y tế công cộng được thực hiện. Mối liên hệ giữa chế độ ăn kém chất lượng và nguy cơ mắc T2D đã được biết đến từ lâu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chế độ ăn ít carb và nhiều chất béo đến nguy cơ mắc T2D vẫn còn chưa rõ ràng. Đây là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Monash và Đại học RMIT của Úc muốn tìm hiểu. Giáo sư Barbora De Courten - Khoa Y học, Đại học Monash và Trường Khoa học Y sinh, Đại học RMIT cho biết, chúng ta biết rằng, chế độ ăn nhiều carb đã qua chế biến, ít chất xơ và chứa nhiều đường tinh luyện có thể dẫn đến tăng cân. Hơn nữa, carb tinh chế có thể dẫn đến tăng tiết insulin và kháng insulin, gây ra T2D. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào việc sử dụng chế độ ăn ít carb để quản lý và điều trị T2D. Nghiên cứu này cho thấy, chế độ ăn ít carb có thể làm tăng nguy cơ mắc T2D trong thời gian dài thông qua việc ăn nhiều chất béo và thực phẩm ít chất xơ.
Hiện nay, các nghiên cứu về mối liên hệ giữa chế độ ăn ít carb và bệnh tiểu đường vẫn chưa thống nhất và phần lớn chỉ đang tập trung vào đối tượng là nhóm người châu Âu và châu Á. Do đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu đoàn hệ cộng tác Melbourne (MCCS) với 39.185 người trưởng thành từ 40 đến 69 tuổi. Những người tham gia đã được tuyển chọn vào MCCS từ năm 1990 đến 1994 và được theo dõi trong tối đa 17 năm. Từ dữ liệu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích mối liên hệ giữa điểm số chế độ ăn ít carb (LCD) và nguy cơ mắc T2D sau này. Điểm số LCD được tính dựa trên phần trăm năng lượng mà người tham gia nhận được từ carb, chất béo và protein. Điểm số LCD cao thể hiện mô hình ăn uống ít carb, giàu protein và chất béo.
Kết quả cho thấy, chế độ ăn ít carb có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Cụ thể, những người chỉ nhận được 38% năng lượng từ carb có nguy cơ mắc T2D cao hơn 20% so với những người nhận được 55% năng lượng từ carb. Họ cũng phát hiện ra rằng, mối liên hệ giữa điểm số LCD và T2D chủ yếu được giải thích bởi béo phì với chỉ số khối cơ thể (BMI) giải thích đến 76% mối liên hệ này.
Tuy nhiên, một trong những hạn chế của nghiên cứu là những dữ liệu được sử dụng có tuổi đời 16 năm và thông tin về chế độ ăn uống được các tình nguyện viên tự báo cáo. Những hạn chế này cần được xem xét cùng với những điểm mạnh của nghiên cứu, bao gồm quy mô mẫu lớn và thời gian theo dõi dài, với nhiều yếu tố gây nhiễu được điều chỉnh. Nhóm nghiên cứu cho biết, các nghiên cứu tiếp theo, bao gồm cả thử nghiệm lâm sàng về ảnh hưởng của chế độ ăn ít carb với các nguồn carb khác nhau đến T2D là việc cần thiết. Dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn đánh giá dữ liệu này có giá trị cao.
Các nhà nghiên cứu chia sẻ thêm, trong nghiên cứu này họ đã chứng minh được rằng chế độ ăn ít carb có thể tăng nguy cơ mắc T2D trong thời gian dài và mối quan hệ này bị tác động bởi béo phì. Phát hiện này có thể chủ yếu do hàm lượng chất béo cao trong chế độ ăn (đặc biệt là chất béo bão hòa). Điều này có nghĩa là nếu chỉ giảm carb và chất béo của một loại thực phẩm thì hiệu quả không cao; mà còn phải xem xét việc thay thế hoặc sử dụng các loại thực phẩm khác. Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng, chế độ ăn Địa Trung Hải có thể là lựa chọn tối ưu để ngăn ngừa T2D.
Xuân Bình (theo Newatlas)