Dung môi sau khi được hòa vào nước sẽ tách vi nhựa, giúp loại bỏ một cách dễ dàng (Nguồn: Đại học Missouri).
Đã có nhiều nghiên cứu phát hiện vi nhựa xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới cho dù đó là Bắc Cực, rãnh Mariana - nơi sâu nhất của tất cả các đại dương hay trên đỉnh Everest. Các nghiên cứu gần đây còn phát hiện, vi nhựa xuất hiện cả trong nước uống, thực phẩm từ đó thâm nhập vào trong máu, phổi, gan và thận... Các nghiên cứu về tác hại của vi nhựa đối với cơ thể con người mới chỉ được thực hiện trong những năm gần đây. Các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, phát triển và sinh sản, thậm chí cả ung thư, đang bắt đầu được liên kết với việc hấp thụ phải vi nhựa.
Để hạn chế vấn đề này, các nhà nghiên cứu của Đại học Missouri (Hoa Kỳ) đã phát triển phương pháp đơn giản và an toàn để loại bỏ hơn 98% hạt vi nhựa siêu nhỏ ra khỏi nước. Sử dụng các thành phần tự nhiên không độc hại và kỵ nước, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một dung môi lỏng nổi trên mặt nước, giống như dầu. Dung môi này sẽ được khuấy vào nước, sau đó, nó phân tách lại và nổi trở lại mặt nước mang theo hơn 98% vi nhựa siêu nhỏ lên bề mặt, từ đó, chúng có thể được dễ dàng hớt bỏ ra khỏi nước. Với tính chất kỵ nước, ít có nguy cơ để lại ô nhiễm từ dung môi eutectic.
Hình ảnh thực tế của dung môi eutectic (Nguồn: Đại học Missouri).
Hiện tại, chúng ta có một số cách để loại bỏ vi nhựa khỏi nước uống, tùy thuộc vào kích thước. Bộ lọc than hoạt tính cơ bản không được thiết kế đặc biệt để loại bỏ vi nhựa, nhưng khá hiệu quả trong việc loại bỏ bất cứ thứ gì lớn hơn 5 micron. Bộ lọc nhiều tầng với kích thước lỗ 1 micron là rất tốt để loại bỏ vi nhựa. Hệ thống thẩm thấu ngược, sử dụng nước ép qua các lỗ nhỏ chỉ bằng một 1/10.000.000 của 1 micron, là một trong những phương pháp tốt nhất để loại bỏ bất kỳ chất gây ô nhiễm nào từ nước; tuy nhiên, các bộ lọc này dễ bị tắc nghẽn và cần được vệ sinh thường xuyên. Một phương pháp khác là chưng cất nước gần như loại bỏ 100% vi nhựa, nhưng cũng loại bỏ luôn cả các khoáng chất tốt mà cơ thể chúng ta cần.
Phó giáo sư Gary Baker - Khoa Hóa học, Đại học Missouri (Hoa Kỳ) cho biết, chiến lược của nhóm nghiên cứu là sử dụng một lượng nhỏ dung môi đặc biệt để hấp thụ các hạt nhựa từ một lượng lớn nước. Hiện tại, khả năng chứa vi nhựa tối đa của dung môi này chưa được xác định một cách chính xác. Trong các nghiên cứu tương lai, các nhà khoa học sẽ xác định khả năng tối đa của dung môi. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu sẽ nghiên cứu thêm các phương pháp để tái chế dung môi, cho phép sử dụng lại nhiều lần nếu cần thiết.
TXB (theo Newatlas)