Thứ tư, 21/08/2024 16:54

Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ

Vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Châu Phi (Africa CDC) đã đưa ra tuyên bố khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ khi nhiều quốc gia ở châu Phi ghi nhận các ca mắc lần đầu tiên.

Tình hình ngày càng căng thẳng

Ngày 14/08/2024 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo rằng, bệnh đậu mùa khỉ là “tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế công cộng” - chỉ 15 tháng sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp trước đó của WHO về bệnh này. Tuyên bố này của WHO yêu cầu các quốc gia trên thế giới cùng nhau hợp tác và cung cấp nguồn lực để cải thiện việc giám sát, điều trị những người bị nhiễm và ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh.

Một chủng virus đậu mùa khỉ mới đã lan nhanh ở Trung Phi trong vài tháng qua. Sự bùng phát này đã khiến Africa CDC lần đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng vào ngày 13/08/2024 và WHO đã triệu tập cuộc họp 1 ngày sau đó để xem xét việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Những động thái này phản ánh sự lo ngại sâu sắc của các nhà khoa học rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có thể phát triển thành dịch bệnh lan rộng trên khắp lục địa và có thể lan ra ngoài châu lục. Họ lưu ý rằng, virus đang xuất hiện đáng lo ngại không chỉ ở các vùng nông thôn mà còn ở các khu vực đông dân cư.

Trong tháng qua, các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng ở Trung Phi, ảnh hưởng đến các địa điểm bao gồm Bukavu, một thành phố ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) có hơn 1 triệu dân và 4 quốc gia trong khu vực đã ghi nhận các ca nhiễm đậu mùa khỉ lần đầu tiên. Những ca nhiễm này có thể liên quan đến đợt bùng phát bắt đầu vào cuối năm 2023 ở tỉnh Nam Kivu - một khu vực của DRC bị tàn phá bởi xung đột bạo lực. Bằng chứng từ các đợt bùng phát trước đó cho thấy, chủng virus này đang lây lan ở Trung Phi có khả năng gây tử vong cao hơn so với chủng đã gây ra đợt bùng phát toàn cầu vào năm 2022 (đã lây nhiễm hơn 95.000 người và làm hơn 180 người tử vong).

Bà Anne Rimoin - nhà dịch tễ học tại Đại học California (Hoa Kỳ), người đã nghiên cứu về các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở DRC từ năm 2002 hy vọng rằng, con người sẽ ý thức được rằng nếu một điều gì đó xảy ra ở một nơi xa xôi, không đồng nghĩa với việc là nó không thể xảy ra ở một nơi khác.

Nguy cơ cao đối với trẻ em

Một y tá lấy mẫu từ một đứa trẻ nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ (Nguồn: Arlette Bashizi/Reuters).

Các quốc gia châu Phi cho biết, nhiều ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và nghi ngờ trong năm 2024 cao hơn so với toàn bộ năm 2023: 17.500 ca trong năm 2024, so với khoảng 15.000 ca vào năm 2023. Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương, khoảng 2/3 số ca nhiễm ở DRC là những trẻ em dưới 15 tuổi.

Một số ca nhiễm này đã được truy tìm đến một chủng virus được gọi là clade II - gây ra đợt bùng phát năm 2022. Nhưng trong vài tháng qua, tỷ lệ ngày càng tăng của các ca nhiễm được báo cáo đã được quy cho 1 chủng virus khác gọi là clade I. Clade I đã gây ra các đợt bùng phát nhỏ ở Trung Phi trong nhiều thập kỷ, thường chỉ giới hạn trong một vài hộ gia đình hoặc cộng đồng.

Vào tháng 04/2024, các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu thu thập ở Nam Kivu vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, phát hiện ra 1 biến thể của clade I, được gọi là clade Ib, dường như lây lan mạnh hơn giữa người với người qua nhiều phương thức (bao gồm cả quan hệ tình dục). Kể từ đó, virus đã lan đến các khu vực đông dân cư, có lẽ do các nhóm dân cư có tính di động cao như người lao động mang đến và lây lan đến các quốc gia láng giềng. Nam Kivu cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo khiến việc theo dõi và điều trị người bị nhiễm khó khăn hơn và DRC đang phải đối phó với sự lây lan mạnh mẽ của các bệnh khác như dịch tả.

Các quốc gia Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda đều đã báo cáo các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên trong tháng qua, và chỉ trong tuần đầu tháng 8/2024, DRC đã báo cáo gần 2.400 ca nhiễm nghi ngờ và 56 ca tử vong. Những diễn biến này đã khiến ông Jean Kaseya - Tổng giám đốc Africa CDC phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng. Đợt bùng phát cũng đã thúc đẩy WHO triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về việc liệu đợt bùng phát này có đủ nghiêm trọng để tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không, nhằm báo hiệu cho các quốc gia trên toàn thế giới rằng có thể cần sự phối hợp và chuẩn bị để kiểm soát virus.

Chủng virus nguy hiểm

Bệnh đậu mùa khỉ gây ra các tổn thương da (có dịch), có thể gây đau đớn và trong những trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến tử vong. Vẫn chưa rõ liệu các triệu chứng của virus clade Ib có khác với virus clade II gây ra đợt bùng phát năm 2022 hay không, cũng như mức độ nguy hiểm và lây nhiễm của nó. Mặc dù tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ clade I được biết là cao hơn so với clade II, nhưng rất khó để xác định lý do. Ông Espoir Bwenge Malembaka - nhà dịch tễ học về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Công giáo Bukavu (Congo) cho biết, bên cạnh sự nguy hiểm vốn có của virus, nhiều yếu tố khác có thể là nguyên nhân gây ra tỷ lệ tử vong cao của clade I chẳng hạn như: điều kiện chăm sóc y tế tại nơi có dịch, hoàn cảnh kinh tế - xã hội... Ông cho biết thêm, việc nhanh chóng tăng cường giám sát và hợp tác giữa các quốc gia bị ảnh hưởng sẽ là chìa khóa để kiểm soát đợt bùng phát. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị và vắc-xin chống bệnh đậu mùa khỉ mà nhiều quốc gia có thu nhập cao đã triển khai trong đợt bùng phát toàn cầu năm 2022 vẫn gần như không có sẵn ở các quốc gia châu Phi.

Nhu cầu cấp thiết về vắc-xin

Nhu cầu vắc-xin bệnh đậu mùa khỉ ngày càng tăng cao.

Theo Tổng giám đốc Africa CDC Jean Kaseya, điều này có thể sớm được thay đổi, Africa CDC đã đàm phán với Bavarian Nordic - Công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Hellerup (Đan Mạch) để mua 200.000 liều vắc-xin bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng con số này còn rất xa so với 10 triệu liều mà Africa CDC ước tính cần thiết để ngăn chặn đợt bùng phát hiện tại.

Bà Anne Rimoin cho biết, kể cả khi các cuộc đàm phán này được hoàn tất thì vẫn còn rất nhiều công việc cần phải làm. Sẽ còn có nhiều khó khăn để cung cấp những liều vắc-xin này đến các khu vực có cơ sở hạ tầng y tế công cộng kém và đến các nhóm dân cư bị kỳ thị có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài ra, hiệu quả của vắc-xin đối với clade Ib vẫn chưa rõ ràng, nhưng, trước tình hình nghiêm trọng ở Trung Phi hiện nay thì không thể trì hoãn thêm việc mua vắc-xin.

Bà Anne Rimoin hy vọng rằng, với cảnh báo sớm của WHO, tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát tương tự như đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ năm 2022. Bà nhấn mạnh, cách tốt nhất để kiểm soát các đợt bùng phát là cung cấp cho các quốc gia có nguy cơ cao nhất những công cụ cần thiết để kiểm soát dịch bệnh ngay từ ban đầu.

TXB (theo Nature)

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)