Thứ ba, 06/08/2024 16:59

Mũi - tuyến phòng thủ đầu tiên trước các mối nguy hại

Mũi là “nơi cư trú” của nhiều tế bào miễn dịch sống lâu dài, luôn sẵn sàng chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn gây ra. Đây chính là tuyến phòng thủ đầu tiên cho phổi trước các mối nguy hại.

Một nghiên cứu mới được công bố vào ngày 31/07/2024 trên Tạp chí Nature cho thấy, mũi và đường hô hấp trên - bao gồm miệng, xoang và họng (nhưng không bao gồm khí quản) - là những “khu vực huấn luyện” quan trọng cho các tế bào miễn dịch. Tại đây, các tế bào miễn dịch sẽ “ghi nhớ” các mầm bệnh xâm nhập, giúp chúng có thể phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn trong các cuộc tấn công sau này của các virus và vi khuẩn tương tự. Thông tin này có thể giúp tăng tốc việc phát triển các loại vắc-xin niêm mạc tiêm vào mũi hoặc họng, mà các nhà miễn dịch học cho rằng có thể hiệu quả hơn so với vắc-xin tiêm vào cơ bắp.

Linda Wakim - nhà miễn dịch học tại Đại học Melbourne (Úc) cho biết, nghiên cứu này cho thấy có một “kho vũ khí” các tế bào miễn dịch có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Những “khu vực huấn luyện” này có thể được phát hiện trong đường hô hấp trên của cả người già, người trẻ và những người thường có phản ứng miễn dịch yếu hơn.

Đồng tác giả của nghiên cứu, Sydney Ramirez - bác sỹ bệnh truyền nhiễm và nhà miễn dịch học tại Viện Miễn dịch học La Jolla, California (Hoa Kỳ) cho biết, nghiên cứu trước đây về hệ thống miễn dịch chủ yếu tập trung vào các tế bào miễn dịch trong máu và đường hô hấp dưới, vì các khu vực này dễ tiếp cận thông qua việc lấy máu, sinh thiết và hiến tạng. Khi đại dịch COVID-19 và sự xuất hiện của các biến thể như Omicron, phát triển mạnh mẽ trong đường hô hấp trên, đã thúc đẩy Sydney Ramirez và các đồng nghiệp tìm cách lấy mẫu và tìm hiểu rõ hơn về cách các tế bào miễn dịch trong đường hô hấp trên tương tác với các mầm bệnh và phát triển trí nhớ miễn dịch.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng que ngoáy mũi hầu (có thể tiếp cận phía sau mũi) để lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Họ đã ngoáy mũi khoảng 30 người lớn khỏe mạnh mỗi tháng, trong hơn 1 năm, để xem cách các tế bào miễn dịch thay đổi theo thời gian. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra hàng triệu tế bào miễn dịch trong các mẫu này, bao gồm các tế bào cung cấp trí nhớ miễn dịch. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng, họ có thể lấy mẫu từ các cơ quan miễn dịch khó tiếp cận gọi là amidan vòm, nằm ở phía sau mũi. Các cơ quan này phân tích không khí hít vào và chứa các trung tâm mầm, nơi các tế bào học cách tạo ra kháng thể hiệu quả. Mặc dù amidan vòm thường co lại khi trưởng thành, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn tìm thấy các trung tâm mầm hoạt động trong amidan vòm của người tham gia nghiên cứu ở mọi lứa tuổi.

Theo Donna Farber, nhà miễn dịch học tại Đại học Columbia, New York (Hoa Kỳ), các trung tâm mầm thường chỉ hoạt động trong và ngay sau khi nhiễm trùng cấp tính hoặc tiêm chủng, nhưng các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng chúng hoạt động ngay cả khi những người tham gia không có dấu hiệu bị ốm. Sử dụng kỹ thuật ngoáy mới này, các nhà nghiên cứu có thể sớm hiểu được điều gì thúc đẩy hoạt động của các trung tâm và cách nhiễm virus SARS-CoV-2 định hình các phản ứng miễn dịch.

Những phát hiện này cũng có thể cung cấp một phương pháp định lượng quan trọng để đo lường sự thay đổi trong phản ứng miễn dịch sau khi tiêm vắc-xin, đặc biệt là để thử nghiệm các loại vắc-xin mới tiêm qua mũi. Tuy nhiên, Donna Farber cũng lưu ý rằng, điều này cho thấy mức độ khó khăn của thí nghiệm nếu hệ thống miễn dịch luôn hoạt động trong đường hô hấp trên, các kháng thể hiện có có thể ngăn chặn hiệu ứng bảo vệ của vắc-xin khi tiêm qua mũi.

TXB (theo Nature)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)