Thứ bảy, 10/02/2018 14:11

Về mô hình trường đại học đa lĩnh vực

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp

 

Kể từ khi Đổi mới, hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) ở nước ta đã được chuyển đổi theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực để phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, quá trình đưa vào áp dụng mô hình này cũng nảy sinh một số tồn tại cần được nghiên cứu giải quyết để hệ thống đại học đa lĩnh vực phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Mô hình GDĐH nước ta trước thời kỳ đổi mới: Đơn ngành, đơn lĩnh vực

Sau khi đất nước được giải phóng, hệ thống GDĐH ở nước ta được xây dựng theo mô hình của Liên Xô, đồng thời được định hình theo kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Hệ thống GDĐH theo mô hình này có các đặc điểm chính: 1) Hệ thống trường đại học tách biệt với hệ thống các viện nghiên cứu mạnh; 2) Phần lớn các trường đại học là các trường đơn ngành hoặc đơn lĩnh vực; 3) Quy trình đào tạo đại học được thiết kế liền mạch 4-6 năm, theo hướng chuyên ngành hẹp; 4) Điều hành hệ thống theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung với chỉ tiêu tuyển sinh, kinh phí đào tạo hoặc chương trình học đều được quyết định bởi nhà nước. Sinh viên tốt nghiệp được phân công vào các cơ sở kinh tế quốc doanh, tổ chức hoặc biên chế nhà nước.  

Hệ thống GDĐH này đã có lúc phát triển tốt, có đóng góp quan trọng trong việc nâng cao kỹ thuật quân sự phục vụ cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, giúp Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới vào năm 1957, cũng như công cuộc nghiên cứu vũ trụ của Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, GDĐH cũng đổi mới theo: Phần lớn các trường đại học chuyển sang mô hình đa lĩnh vực, thay đổi quy trình đào tạo liền một mạch và chuyên ngành hẹp thành quy trình đa giai đoạn, theo diện rộng.

Hệ thống GDĐH Việt Nam trước thời kỳ đổi mới được coi hoàn toàn giống với mô hình GDĐH của Liên Xô, và đã có những đóng góp quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kịp thời cho nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, hoàn thành tốt công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước trong giai đoạn kháng chiến và thời kỳ hậu chiến. Tuy nhiên, do mẫu hình đào tạo “có địa chỉ” rõ ràng nên những người được đào tạo từ các trường đại học đều có việc làm, sức cạnh tranh nguồn nhân lực vì thế không cao. Hơn nữa, chương trình đào tạo theo ngành hẹp nên khi cần thay đổi các vị trí công việc hay phát sinh các yêu cầu mới thì nguồn nhân lực được đào tạo từ các trường đại học đơn ngành, đơn lĩnh vực này phần lớn không đáp ứng kịp.

GDĐH nước ta sau Đổi mới: Đa ngành, đa lĩnh vực

Nhận thấy ưu thế của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, khi chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, cùng với việc chuyển đổi mô hình GDĐH ở nhiều quốc gia như: Liên bang Nga, Trung Quốc… từ trường đại học đơn ngành, đơn lĩnh vực sang đại học đa ngành, đa lĩnh vực, ở nước ta, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Chính phủ đã chủ trương xây dựng một số trường đại học mạnh theo mô hình mới này. Tại hai Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 và số 16/CP ngày 27/1/1995, Chính phủ đã quyết định thành lập hai đại học quốc gia. Năm 1994, tại Nghị định số 30/CP, 31/CP, 32/CP ngày 4/4/1994, Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng. Đây được xem là sự đột phá mạnh mẽ về GDĐH vào thời điểm đó. Hai đại học quốc gia (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), ba đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng) đều theo mô hình đại học đa lĩnh vực.

Những ưu điểm

Theo mô hình này, chương trình đào tạo bậc cử nhân được thiết kế theo ngành rộng để sinh viên tốt nghiệp dễ tìm được việc làm trong thị trường lao động. Mặt khác, mục tiêu là không chỉ nhằm đào tạo cho sinh viên một nghề, tức trở thành một con người - công cụ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giáo dục cho sinh viên thành một con người - mục đích, có tầm nhìn, có phương pháp tư duy và tình cảm nhân văn. Cơ cấu chương trình cử nhân có 2 phần: Giáo dục đại cương (general education) và giáo dục chuyên nghiệp (professional education).

Đa ngành, đa lĩnh vực được xem là mô hình GDĐH có hiệu quả cao nhất vì các lý do sau: Một là, với mô hình này phần giáo dục đại cương và các môn khoa học cơ bản luôn được đảm bảo, vì chỉ ở các đại học theo mô hình này mới có đủ đội ngũ giảng viên trình độ cao để giảng dạy tốt mảng kiến thức này. Hai là, nhờ có đội ngũ giảng viên đầy đủ ở các lĩnh vực nên các đại học theo mô hình này luôn có ưu thế về nghiên cứu và phục vụ xã hội (ngày nay các đề tài nghiên cứu lớn đều là có tính liên ngành, các hoạt động phục vụ xã hội cũng vậy). Ba là, mô hình đại học này đào tạo được nhiều ngành nghề khác nhau, dễ đáp ứng với sự biến động về nhu cầu nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường. 

Đặc biệt, việc đào tạo giáo viên cho bậc học phổ thông nằm trong mô hình đại học đa lĩnh vực cũng rất đảm bảo về cả kiến thức và kỹ năng bởi chương trình đào tạo khép kín gồm: Hai năm đầu sinh viên sư phạm học chương trình khoa học cơ bản chuyên sâu chung với sinh viên khoa học, hai năm sau mới được đào tạo các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ sư phạm. Giáo viên đào tạo theo mô hình này vững vàng về chuyên môn hơn nên sẽ phát triển tốt hơn trong quá trình giảng dạy về sau. Bên cạnh đó, mô hình này cũng giúp nhà trường dễ thích nghi hơn khi nhu cầu về giáo viên thay đổi.

Một số bất cập trong xây dựng các đại học đa ngành, đa lĩnh vực ở nước ta

Trên thực tế, việc triển khai xây dựng các đại học quốc gia và đại học vùng theo mô hình đại học đa lĩnh vực ở nước ta đã nảy sinh một số bất cập, cụ thể là:

Theo Nghị định số 97/CP, Đại học Quốc gia Hà Nội được sáp nhập từ ba trường: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội I và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Nghị định này được thực hiện rất khó khăn vì có nhiều ý kiến khác nhau. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I được nhập một cách máy móc nên không “hòa hợp” được. Sau một thời gian “nhập” mà không “hòa”, vào năm 2000, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I lại được tách ra khỏi Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đối với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, một tình huống khác đã diễn ra. Vào đầu thời kỳ đổi mới, quy mô các trường đại học đều nhỏ (thường dưới 1.000 sinh viên) nên phương án nhập chín trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để thành lập Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã được đề xuất và Nghị định 16/CP ngày 27/1/1995 do Chính phủ ban hành dựa trên tinh thần đó. Tuy nhiên, đến khi thực hiện theo phương án này thì quy mô các trường đại học đơn ngành đã tăng lên rất nhiều, do đó việc nhập quá nhiều trường đại học đơn ngành đã tạo nên một đại học đa lĩnh vực quá lớn. Đó là lý do mà vào năm 2001, Chính phủ quyết định tổ chức lại và giảm bớt quy mô của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh bằng cách đưa bớt ra ngoài một số trường đại học thành viên.

Những khó khăn về tổ chức trong quá trình thành lập các đại học quốc gia và đại học vùng cũng đã dẫn đến một hệ quả đáng tiếc, đó là: Các đại học đa lĩnh vực không giữ được mô hình như đã thiết kế. Cơ cấu tổ chức của các đại học này đã được xây dựng theo mô hình đại học hai cấp. Theo đó, hoạt động của các trường thành viên hầu như vẫn giữ như cũ, kết nối giữa các trường thành viên với nhau rất lỏng lẻo. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, bộ máy quản lý trên cùng của hai đại học quốc gia đóng vai trò như là hai “Bộ” nhỏ. Do vậy, các đại học hai cấp ở nước ta hầu như chưa phát huy được các thế mạnh. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của các trường thành viên này độc lập với nhau nêu ưu thế về chất lượng đào tạo giáo dục đại cương và các môn khoa học cơ bản không thể hiện được. Việc liên kết trong nghiên cứu và phục vụ xã hội giữ các trường đại học thành viên cũng rất khó thực hiện.

Về mặt quản lý, hai đại học quốc gia được nâng cấp trực thuộc Chính phủ trong khi các đại học vùng vẫn trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, và các trường thành viên trực thuộc đại học vùng giảm một cấp so với trước khi sáp nhập, từ đó nảy sinh vấn đề bị “hạ cấp”. Do đó, phần lớn các đại học thành viên đều muốn “thoát khỏi” đại học vùng để trở thành một trường độc lập. Mặt khác, cơ chế gắn kết lỏng lẻo theo mô hình đại học hai cấp làm cho các trường thành viên của đại học vùng vẫn là đại học đơn lĩnh vực, không phát huy được ưu thế của mô hình đại học đa lĩnh vực.

Nằm trong hệ thống GDĐH, các trường đại học sư phạm ở nước ta đều theo mô hình đơn ngành, đơn lĩnh vực cho tới khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất mô hình mới với phương châm: “các trường sư phạm không chỉ đào tạo giáo viên, và giáo viên không chỉ được đào tạo ở các trường sư phạm”. Sau khi chủ trương này được đưa ra, một số trường đại học sư phạm chuyển thành đại học đa lĩnh vực (Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Hải Phòng) hoạt động hiệu quả, còn các trường sư phạm lớn khác vẫn giữ nguyên mô hình đại học sư phạm đơn lĩnh vực khép kín. Tháng 7/2017, trong kỳ tuyển sinh đại học, các trường sư phạm đơn ngành này đã tuyển không đủ số sinh viên vào trường như kế hoạch do nguồn cung giáo viên vượt quá nhu cầu đã làm bộc lộ rõ nhược điểm của mô hình đại học sư phạm đơn lĩnh vực khép kín.

Nhìn lại quá trình chuyển đổi mô hình từ đại học đơn lĩnh vực sang đại học đa lĩnh vực, có thể thấy, các vấn đề lớn về quản lý trong các đại học đa lĩnh vực này ở nước ta nảy sinh chủ yếu là do sự sáp nhập. Ở các trường đại học đa lĩnh vực được thành lập ngay từ đầu, hoặc do các trường đơn lĩnh vực phát triển lên mà thành, không có các vấn đề tương tự. Đại học Cần Thơ là trường đại học đa lĩnh vực duy nhất ở phía Nam không bị tách nhỏ thành các trường đơn ngành, đơn lĩnh vực đã phát triển rất tốt. “Mô hình đại học hai cấp” chỉ là một giải pháp tình thế trong quá trình xây dựng các đại học đa lĩnh vực, không phát huy được thế mạnh của mô hình đại học đa lĩnh vực và làm nảy sinh một số vấn đề về tổ chức.

                                                                     *

                                                                *        *

Tóm lại, tồn tại trong hơn 20 năm qua, đại học đa ngành, đa lĩnh vực đã bộc lộ rõ những điểm mạnh cũng như mặt hạn chế của nó. Có nên thay đổi và theo cách nào thì trước tiên cần xem xét mô hình GDĐH đa lĩnh vực trong tương quan với quốc tế cũng như dựa trên tình hình thực tế đã áp dụng, từ đó sẽ có câu trả lời hiệu quả, phù hợp nhất cũng như tránh được sự chắp vá, rời rạc để cho hệ thống đại học đa lĩnh vực phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. Chúng tôi cho rằng, tốt hơn hết là làm sao để trong hệ thống GDĐH nước ta có các mô hình đại học đa lĩnh vực theo kiểu đại học thực thụ, không nên sử dụng mô hình đại học hai cấp, đại học trong đại học. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện cho bản thân các trường đại học thành viên của các đại học đa lĩnh vực có chiến lược phát triển phù hợp, tự nhận mình là “college” hoặc “faculty” chứ không phải là “university”, vì đây là các trường đại học đơn ngành hoặc đơn lĩnh vực.

Vì vậy, tùy theo điều kiện cụ thể nên: 1) Cho phép các trường thành viên đơn ngành, đơn lĩnh vực phát triển thành các đại học; 2) Đại học hai cấp chuyển thành đại học một cấp, thay đổi bộ phận điều phối trung gian thành cấp điều hành trực tiếp, toàn bộ đại học có một chương trình đào tạo chung, như kiểu Trường Đại học Cần Thơ và một số đại học đa lĩnh vực khác ở nước ta.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Association of American Colleges & Universities (2017), What is a 21st Century Liberal Education? https://www.aacu.org/leap/what-is-a-liberal-education.

2. Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (2017), Một số tư liệu đổi mới GDĐH Việt Nam giai đoạn 1987-1997, NXB Giáo dục.

3. Handbook of Accreditation (1988), Accrediting Commission for Senior Colleges and Universities - Western Assosiation of Schools and Colleges.

4. Arthur Levine (1985), Handbook on Undergraduate Curriculum, San Francissco: Jossey Bass.

5. Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm (2017), Đại học Việt Nam - thời khai sinh, http://ttntt.free.fr/archive/huunghiemDo.html.

6. Lê Văn Giạng (2003), Lịch sử giản lược hơn 1.000 năm nền giáo dục Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Hồng Hạnh (2017), Nhận diện hệ thống đại học Việt Nam: Đừng để suốt ngày vá víu, http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nhan-dien-he-thong-dai-hoc-viet-nam-dung-de-suot-ngay-va-viu-20171114140114735.htm.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)