Thứ sáu, 16/08/2024 10:54

Đẩy nhanh ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao

Ngày 14/08/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo khoa học “Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao khu vực phía Nam”.

Ông Nguyễn Lê Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Lê Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao cho biết, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, áp dụng vào nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào các mảng chính như nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao vào kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao. Chương trình ngoài mục tiêu về phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng phát triển còn đặt trọng tâm phát triển các hệ thống doanh nghiệp công nghệ cao trong cả nước. Các doanh nghiệp đạt các tiêu chí có thể làm hồ sơ xét chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao để hưởng chính sách ưu đãi. Ông Nguyễn Lê Hùng mong muốn nhận các đề xuất của nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia Chương trình nhằm phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh.

PGS.TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội tự động hóa TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo.

Theo PGS.TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội tự động hóa TP Hồ Chí Minh, xu hướng nghiên cứu làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm, dịch vụ của một số tổ chức và doanh nghiệp tự động hóa đang hướng đến các tiêu chí thân thiện môi trường, bao gồm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh; chuyển đổi số; nhà máy thông minh và chuyển đổi xanh, ESG (môi trường, xã hội, quản trị) trên các hệ thống sản xuất... Ông cho rằng, doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại, nhưng thiếu đội ngũ nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển thêm các sản phẩm đang có. Do đó, doanh nghiệp cần hợp tác với nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu nhưng quá trình thực hiện chưa thành công do nhiều nguyên nhân, trong đó lý do lớn nhất là chưa hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu.

Qua đó, PGS.TS Lê Hoài Quốc đề xuất một số hướng nghiên cứu, bao gồm tập trung vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong tự động hóa; chuyển đổi số từ sản xuất linh kiện, cảm biến thế hệ mới đến tích hợp hệ thống; chuyển đổi xanh ứng dụng trong sản xuất máy móc và thiết bị tự động công nghiệp.

Để tham gia Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, các dự án phải bảo đảm thuộc danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành; có khả năng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; có mục tiêu rõ ràng, phù hợp với Khung chương trình công nghệ cao đã được phê duyệt; có khả năng huy động nguồn lực từ bên ngoài để bảo đảm thực hiện thành công dự án (tài chính, nhân lực...).

PT

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)