Thứ hai, 12/08/2024 17:01

Liên kết chặt chẽ để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) vừa phối hợp với một số tập đoàn trong nước và quốc tế tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”, đồng thời bế giảng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tham dự và chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm là nỗ lực và là kết quả từ sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, nhà trường đóng vai trò trung tâm, doanh nghiệp đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nội dung Tọa đàm tập trung vào việc làm thế nào để doanh nghiệp có thể đóng góp tích cực vào quá trình đào tạo và phát triển kỹ năng cho nguồn nhân lực, như đa dạng hóa nguồn lực cho đào tạo, đẩy mạnh hợp tác công - tư, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, doanh nghiệp cung cấp các chương trình thực tập, hợp tác nghiên cứu - phát triển, xây dựng môi trường làm việc thuận lợi... Sự kiện cũng là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau từng bước thúc đẩy và đa dạng hóa hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế và công nghệ của đất nước.

Tại Tọa đàm, lãnh đạo các địa phương, trường đại học và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, phân tích những thách thức hiện tại và đề xuất những chiến lược hợp tác hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời, Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ, trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp: xây dựng các cơ sở pháp lý tạo ra chính sách thu hút đầu tư; chuẩn bị quỹ đất, cơ sở hạ tầng; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Về liên kết trong đào tạo, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân khẳng định, việc tham gia của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là vô cùng cần thiết. Sự tham gia và hợp tác này giúp nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho học viên sau khi tốt nghiệp và đáp ứng nhu cầu thị trường. Mô hình hợp tác như hiện nay giữa NIC và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn FPT... cần được nhân rộng. 

Đại diện phía doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, yếu tố then chốt giúp tăng cường hợp tác giữa Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa 3 bên. Cụ thể, cần có cơ chế rõ ràng để chia sẻ thông tin, nguồn lực và kinh nghiệm giữa các bên liên quan. Ông Bình cũng đánh giá cao vai trò của việc xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của ngành công nghiệp bán dẫn nhằm hiện thực hóa mục tiêu đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.

Trong khuôn khổ sự kiện, Lễ bế giảng Chương trình “Thiết kế vật lý vi mạch tích hợp quy mô lớn (VLSI) cơ bản” đã chính thức khép lại khóa học kéo dài 3 tháng. Chương trình là khóa đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu do NIC phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi từ Silicon Valley và Tập đoàn Cadence số một thế giới về thiết kế chip, cùng sự hỗ trợ của các trường đại học trong lĩnh vực bán dẫn. Khóa học tập trung vào quy trình và nguyên tắc thiết kế vật lý cho vi mạch VLSI, bao gồm các kỹ năng tối ưu hóa định thời, diện tích, năng lượng tiêu thụ, độ tin cậy và tính khả thi sản xuất của vi mạch bán dẫn.

VH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)