Mô hình sản xuất TBR225 KBL tại xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Giống lúa thuần TBR225 có thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng thích ứng rộng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của các địa phương trên cả nước. Năng suất ước đạt từ 70 đến 75 tạ/ha và có thể đạt từ 85 đến 90 tạ/ha khi được thâm canh tốt. Giống lúa này có thể cấy được cả 2 vụ, chất lượng gạo trong, cơm mềm dẻo, đậm đà, ngon miệng và có mùi thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng. TBR225 đã thể hiện nhiều ưu thế vượt trội, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao năng suất lúa bình quân của cả nước và tăng thu nhập cho nông dân. Do đó, vào năm 2015, giống lúa TBR225 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống quốc gia. Tuy nhiên, giống lúa này có nhược điểm là dễ nhiễm bệnh bạc lá (BBL) khá nặng vào vụ mùa, gây nhiều rủi ro trong canh tác. Trước thực trạng này và nhằm duy trì, phát triển một giống lúa tốt trong sản xuất, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã lai chuyển thành công gen KBL Xa7 vào giống lúa TBR225.
Giống lúa TBR225 KBL được tạo ra bằng phương pháp lai, chuyển gen KBL vào giống TBR225. Nhờ vậy, giống lúa TBR225 KBL vẫn giữ nguyên được các đặc tính tốt của giống TBR225 như: năng suất cao, chất lượng gạo ngon, khả năng thích ứng rộng... nhưng khắc phục được nhược điểm của giống TBR225 là kháng BBL. Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống và kỹ thuật thâm canh cho giống lúa TBR225 KBL, đã xác định được thời vụ gieo trồng, phương thức làm mạ, bón phân và mật độ cấy khuyến cáo cho sản xuất. Các quy trình thâm canh được nông dân áp dụng rộng rãi, giúp tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
PT