Thứ năm, 28/05/2020 13:35

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 cần đặt trọng tâm vào tăng năng suất và dựa vào đổi mới sáng tạo

“Mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 cần đặt trọng tâm vào tăng năng suất, dựa trên sự tích lũy cân bằng và phân bổ hiệu quả các nguồn vốn khác nhau - vốn tư nhân, vốn nhà nước, vốn nhân lực, vốn tự nhiên cũng như dựa vào đổi mới sáng tạo. Những cải cách toàn diện và sâu rộng về thể chế và thị trường sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những động lực này”. Đó là nhận định chung của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới tại buổi Lễ công bố báo cáo “Việt Nam năng động tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao” (Báo cáo) diễn ra ngày 27/5/2020 tại Hà Nội.

Tại buổi Lễ, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, báo cáo “Việt Nam năng động tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao” phân tích các ưu tiên trong mô hình tăng trưởng mới dựa trên những ý kiến tham vấn sâu rộng, kinh nghiệm quốc tế và các kết quả nghiên cứu gần đây.

Việt Nam - một câu chuyện thành công về phát triển

Trong hai thập kỷ qua, thu nhập bình quân của hộ gia đình tăng gấp 4 lần và tỷ lệ nghèo đói cùng cực đã giảm từ 50% xuống còn khoảng 2%. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc để tăng tuổi thọ và tỷ lệ trẻ đến trường. Những thành tựu phát triển này là kết quả của các chính sách kinh tế - xã hội hiệu quả, bắt đầu từ công cuộc Đổi mới năm 1986. Nhưng các kết quả tích cực này cũng được hỗ trợ một phần bởi các xu hướng thuận lợi trong nước và trên thế giới. Công nghệ mới trong ngành nông nghiệp đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu, dẫn đến 30% lực lượng lao động dịch chuyển từ khu vực nông thôn sang những công việc có năng suất cao hơn. Dân số trẻ đã làm gia tăng lực lượng lao động. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thương mại toàn cầu. Đầu tiên là trong xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh nhờ vào nguồn tài nguyên tương đối dồi dào với đất đai màu mỡ và nhiều nguồn nước, tiếp theo là các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, và gần đây nhất là điện tử. Các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người lao động của Việt Nam đã nhìn ra cơ hội và tận dụng được những lợi thế này.

Lợi thế giảm dần và những bất lợi mang tính toàn cầu

Báo cáo khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, những điều kiện thuận lợi nêu trên có thể biến thành trở ngại. Lợi thế dân số sẽ giảm dần khi tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi như ở các nước Đông Á khác. Tự động hóa và các công nghệ đột phá khác có thể bù đắp nguồn cung lao động giảm xuống nhưng cũng có thể loại bỏ chính những việc làm hiện nay của phần lớn lực lượng lao động của Việt Nam. Tình hình ô nhiễm gia tăng cùng với biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, và cả sản lượng sản xuất tại khu vực nông thôn và thành thị với mức độ ngày càng lớn.

Bối cảnh quốc tế cũng đang thay đổi: thương mại toàn cầu đã giảm trong 10 năm qua; hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tuy vẫn tăng trưởng tích cực hơn hầu hết các nước khác, nhưng gia tăng căng thẳng thương mại và những xu hướng như bảo hộ kinh tế có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 có thể gây ra một cơn địa chấn, có thể thay đổi vĩnh viễn hệ thống quốc tế và cán cân quyền lực. Đại dịch COVID-19 gây ra có thể sẽ là một nhân tố thúc đẩy một số xu thế lớn, có thể làm suy yếu thêm những nguyên lý cơ bản của toàn cầu hóa kinh tế.

Đổi mới mô hình tăng trưởng là nhu cầu cấp bách

“Việt Nam cần đổi mới mô hình phát triển nếu muốn đáp ứng khát vọng của người dân và Chính phủ” - Báo cáo khẳng định. Quá trình chuyển từ tình trạng thu nhập thấp sang thu nhập trung bình diễn ra khá nhanh. Để Việt Nam vươn tới mục tiêu là nước có thu nhập cao vào năm 2045 và đi theo con đường của các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc sẽ có nhiều khó khăn hơn.

Lịch sử kinh tế đã cho thấy quá trình tích lũy nhân tố và gắn với đó là chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp có thể đưa một quốc gia lên mức thu nhập trung bình. Nhưng đến một lúc nào đó, nếu chỉ đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường hơn hoặc tăng số lượng công nhân sẽ không còn có thể giúp tăng mức thu nhập trung bình. Đầu tư thuần túy trở nên ít quan trọng hơn. Điều đáng quan tâm hơn nhiều là sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất. Giờ đây cần tập trung vào chất lượng thay vì tăng trưởng kinh tế nhờ quy mô.

Đặt mục tiêu tăng năng suất lên hàng đầu

Khi đổi mới mô hình phát triển, Việt Nam cần đặt mục tiêu tăng năng suất lên hàng đầu và ở vị trí trung tâm: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài, nó gần như là mọi thứ” - Báo cáo trích dẫn quan điểm của GS Paul Krugman, người đã được trao giải Nobel. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét mô hình phát triển từ góc nhìn của một quan điểm quản lý tài sản. Sự giàu có của một quốc gia phụ thuộc vào cách quản lý danh mục tài sản của đất nước, đó là vốn sản xuất được đưa vào doanh nghiệp (vốn sản xuất) và cơ sở hạ tầng (vốn vật chất); vốn nhân lực được tạo ra từ giáo dục, kỹ năng, chăm sóc y tế và cơ hội; và vốn tự nhiên bao gồm đất, nước, rừng và các dịch vụ sinh thái mà sự sống phụ thuộc vào. Các quốc gia nào có thể gia tăng số lượng và liên tục nâng cao chất lượng các nguồn vốn của mình thì sẽ gặt hái được sự tăng trưởng dài hạn, và sự tăng trưởng này sẽ được chia sẻ rộng rãi và bền vững qua nhiều thế hệ.

Các mục tiêu ưu tiên

Chiến lược phát triển tập trung vào năng suất lao động sẽ như thế nào? Báo cáo đã xác định các mục tiêu ưu tiên và đề xuất những chính sách cụ thể để củng cố vốn sản xuất của đất nước như sau:

Doanh nghiệp năng động. Khuyến khích cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập hay rời khỏi thị trường để đảm bảo nguồn lực sẽ được đưa vào những công ty sáng tạo và hiệu quả nhất. Điều này chỉ có thể thực hiện được trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính, quy định minh bạch và doanh nghiệp được pháp luật bảo vệ.

Cơ sở hạ tầng hiệu quả. Việt Nam đã xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng. Điều quan trọng bây giờ là nâng cao hiệu quả đầu tư và xây dựng thêm các công trình, và có lẽ quan trọng hơn nữa là tăng cường công tác vận hành và bảo trì. Nhờ đó sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở hạ tầng này.

Lao động có kỹ năng và cơ hội cho tất cả mọi người. Việt Nam có thứ hạng cao về giáo dục phổ thông, nhưng lại thiếu lao động có trình độ đại học và trên đại học, cũng như lao động có kỹ năng nghề. Nâng cao kỹ năng sẽ giúp tăng lương cho người lao động và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Những người phải đối mặt với các rào cản gia nhập thị trường lao động hoặc có thông tin hạn chế trong quá trình học tập và tìm kiếm việc làm, bao gồm cả người dân tộc thiểu số cần có cơ hội lớn hơn, không chỉ vì lý do công bằng mà còn vì hiệu quả kinh tế khi số người trong độ tuổi lao động giảm xuống.

Nền kinh tế xanh. Để phát triển bền vững, cần chuyển từ việc sử dụng tài sản tự nhiên nhằm mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn sang sử dụng tài nguyên thiên nhiên (bao gồm đất đai, không khí và nước sạch) một cách hiệu quả hơn. Ở các nước giàu, vốn tự nhiên đang tăng lên chứ không phải giảm xuống do việc sử dụng các nguồn vốn này ngày một hiệu quả hơn.

Chính phủ đóng vai trò trung tâm trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng

Chính phủ cần tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Mục tiêu là tạo ra một nền kinh tế có thu nhập cao trong hai thập kỷ tới. Chiến lược tăng trưởng mới phải thúc đẩy thị trường để đạt phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất thông qua đẩy mạnh cạnh tranh và áp dụng thuế cùng với các công cụ về giá khác để điều chỉnh hành vi thị trường.

Việt Nam cần hiện đại hóa thể chế, bao gồm những quy định pháp lý có hiệu lực để tránh phát sinh thêm nhiều hạn chế trong hệ thống hiện nay. Cần rà soát các chính sách ưu đãi để áp dụng những chính sách hỗ trợ và đầu tư công có hiệu quả trên cơ sở lợi ích xã hội. Để có thể làm được điều này, các cơ quan, ban ngành các cấp cần có kỹ năng toàn diện và được phân cấp mạnh mẽ hơn. Do đó, một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển trong tương lai là tăng cường xây dựng năng lực hành chính, bao gồm năng lực quản trị mà hiện nay vẫn chưa hiệu quả tại Việt Nam.

Văn An

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)