Thứ hai, 30/12/2019 14:00

Chính sách phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới

Tây Nguyên là địa bàn không những có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh mà còn có điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, có nhiểu tiềm năng, lợi thế về đất đai, khoáng sản, tài nguyên khí hậu (ôn đới, á nhiệt đới) và hệ động, thực vật để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung. Tại Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ chính trị (Khóa IX) về phát triển Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020, Tây Nguyên được khẳng định là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Thực hiện chủ trương phát triển Tây Nguyên, chính sách nhằm đưa các ngành hàng chủ lực của Tây Nguyên tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng đã được ban hành. Hiện Tây Nguyên giữ vai trò quan trọng trong việc cung ứng các mặt hàng nông sản chủ lực của quốc gia ra thị trường thế giới: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều…, tuy nhiên, trong vòng 10 năm qua không có sự thay đổi về cơ cấu thị trường các mặt hàng chủ lực, chưa tận dụng được các ưu đãi của các Hiệp định FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Ngày 27/12/2019, tại TP Buôn Ma Thuột, trong khuôn khổ đề tài cấp nhà nước mã số KHCN-TN/16-20 thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế", Trường Đại học Ngoại thương phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đồng tổ chức Hội thảo khoa học "Chính sách phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới”. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, lãnh đạo địa phương, các nhà quản lý trong lĩnh vực xuất khẩu tại địa phương, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, những hạn chế trong cơ chế chính sách hỗ trợ xuất khẩu của các tỉnh Tây Nguyên, các chính sách đâu đó vẫn chưa tới được với người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, vùng Tây Nguyên là nơi cung cấp phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và còn nhiều tiềm năng để cung cấp các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ra thị trường thế giới trong những năm tới.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã đề cập trực tiếp tới hiện trạng tạo nguồn hàng xuất khẩu, các biện pháp phát triển thị trường cho sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên, những khó khăn trong việc tiếp cận chính sách của doanh nghiệp như các doanh nghiệp xuất khẩu ở địa phương thiếu thông tin về thị trường, thiếu thông tin về cơ chế chính sách; cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, thiếu cảng biển và sân bay quốc tế… dẫn tới chi phí logistic khá cao. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển thị trường EU như là một nghiên cứu điển hình cho việc mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên ra thế giới.
Hội thảo là cơ hội cho các nhà quản lý, khoa học trao đổi về các chính sách hiện hành, mở ra một số nội dung mới cần tiếp tục được nghiên cứu để sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực ở khu vực này.
HL

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)